Sau 3 năm lỗ liên tiếp, lần đầu tiên kinh doanh xăng dầu (nửa đầu năm nay) có lãi. Cả DN lẫn quan chức Bộ Công Thương đều than lãi thấp.

Lãi lỗ nhờ cơ chế cả

“Đáng lẽ, Petrolimex có thể đạt lợi nhuận 1.200 tỷ đồng nhưng thực tế chỉ đạt 388 tỷ đồng… Petrolimex đem gửi tiết kiệm ngân hàng còn lãi tốt hơn…” Lý lẽ này của ông Võ Văn Quyền, Vụ trưởng Vụ chính sách thị trường trong nước, Bộ Công Thương lại thổi bùng trong dư luận những bất bình về chuyện minh bạch giá xăng dầu.

Chia sẻ với PV Vietnamnet, TS Lê Đăng Doanh nói: “Điều quan trọng phải xét đến ở đây, xăng dầu là mặt hàng thiết yếu của nền kinh tế. DN xăng dầu như Petrolimex là DNNN (95% cổ phần) còn được coi là DN chủ đạo, then chốt, còn thực hiện nhiệm vụ công ích. Nếu ở vị trí đó mà đại diện Bộ Công Thương lại đi “tị nạnh” với việc gửi tiết kiệm ngân hàng thì phải xem lại”.

{keywords}

Ông Doanh đặt câu hỏi: “Tại sao các DN xăng dầu lại đòi hỏi rằng, nhất thiết đạt 300 đồng lợi nhuận/lít mới xứng đáng, nhưng bao nhiêu DN vận tải gặp khó thì tính sao? Chúng ta nên nhìn nhận lợi nhuận đó trong mặt bằng kinh tế hiện nay. Khi mà kinh tế đang khó khăn, nhiều DN đang chết như ngả rạ mà xăng dầu vẫn lãi, vậy là khá rồi”.

Một DN xăng dầu phía Nam lập luận: “Mức lãi mà muốn gọi là đạt, là khá thì ít nhất cũng phải ngang hoặc cao hơn lãi suất ngân hàng”.

Ông Trần Ngọc Năm, Phó Tổng giám đốc Petrolimex giãi bày: “Tôi không nghĩ người dân thành kiến với ngành xăng dầu. Vấn đề quan trọng ở đây là thông tin đến với người dân có đầy đủ, kịp thời hay không?”

Ông Năm cho biết, sở dĩ 6 tháng đầu năm, Tập đoàn đạt lãi xăng dầu là bởi cơ chế điều hành xăng dầu năm nay đã tiệm cận thị trường hơn. Khác năm 2012, sang năm 2013, Liên Bộ đã cho phép các DN được tính lợi nhuận định mức, có lúc 300 đồng/lít, có lúc 100 đồng/lít.

Từ khi chấm dứt bù lỗ xăng dầu, đi theo thị trường, duy nhất có năm 2009, kinh doanh xăng dầu lãi khá. Sau khi trả nợ ngân sách 1.000 đồng/lít, số lãi thực sự của Petrolimex còn hơn 1.400 tỷ đồng.

Sau đó, khi áp dụng Nghị định 84 cũng là thời kỳ liên tiếp lỗ nặng. Năm 2010, kinh doanh xăng dầu của Petrolimex lỗ 172 tỷ đồng, năm 2011, lỗ khủng lên tới 2.604 tỷ đồng, năm 2012 lỗ tiếp 125 tỷ đồng. Nguyên nhân lỗ chủ yếu là do cơ chế kiềm giá, đảm bảo mục tiêu lạm phát của Chính phủ. Nói cách khác, lãi hay lỗ cũng là do bàn tay điều phối của Nhà nước cả.

Theo ông Năm, trong hoạt động của Tập đoàn Petrolimex, chính những ngành khác như bán dầu nhờn, liên doanh với BP Castro, bảo hiểm, ngân hàng, vận tải, xây lắm… lãi cao nên đã “cứu” cho lĩnh vực chính là xăng dầu thường xuyên lỗ.

Sự minh bạch bất đắc dĩ

Ở góc độ nào đó, những thông tin lãi – lỗ của Petrolimex cũng là một sự minh bạch… bất đắc dĩ. Như chính Petrolimex và Bộ Công Thương khẳng định, vì là DN cổ phần, đã lên sàn chứng khoán nên theo quy định, Petrolimex buộc phải công bố thông tin, báo cáo tài chính 6 tháng, 1 năm.

Trong khi đó, hơn 10 đầu mối kinh doanh xăng dầu còn lại, chiếm 1 nửa thị phần lại im hơi lặng tiếng, không rõ thực hư lãi lỗ ra sao.

TS Lê Đăng Doanh nhấn mạnh: “Chính phủ đã có yêu cầu DNNN phải công khai minh bạch, nhất là khi là DN làm nhiệm vụ công ích. DN không chỉ nói lãi, lỗ mà còn phải công bố cả việc hưởng lương bao nhiêu, thưởng thế nào, chi phí giá thành, cơ cấu giá…”

Phó chủ tịch Hiệp hội xăng dầu Việt Nam, ông Trịnh Quang Khanh cho hay: “Vì điều hành của cơ quan quản lý không được tốt lắm nên mới gây ra sự bức xúc trong nhân dân. Chẳng hạn như việc ban hành Nghị định 84 thì cứ nên thực hiện đúng Nghị định này, cho phép DN định giá trong giới hạn, khi giảm thì cho giảm ngay, khi tăng thì tăng theo. Người dân sẽ quen dần với cơ chế thị trường có giảm, có tăng.”

{keywords}

Trên thực tế, nười dân hoa mắt chóng mặt với chuyện lúc lãi, lúc lỗ, tăng nhanh, giảm chậm còn có nguyên cớ từ chính những thông điệp giá xăng dầu của Nhà nước.

Từ đầu năm đến nay, thị trường xăng dầu chứng kiến 4 đợt giảm giá, 3 đợt tăng giá. Trong đó, 3 lần tăng giá liên tiếp diễn ra chỉ trong 33 ngày, tính từ ngày 14/6 đến 17/7. Nhưng mãi 35 ngày sau, ngày 22/8, giá xăng dầu trong nước mới… giảm 1 lần. Thêm vào đó, mức giảm khiêm tốn chỉ 300 đồng/lít xăng trong khi trước đó, giá tăng vù vù đã lên tới 1.220 đồng/lít.

Mỗi khi tăng giá xăng dầu, Bộ Tài chính thường ngụ ý đáng lẽ phải tăng cao hơn nhưng vì lý do “chia sẻ lợi ích với người dân…”, giá xăng dầu chỉ tăng chừng này. Còn khi có thể giảm giá xăng dầu, Bộ Tài chính chỉ nêu chung chung đủ khôi phục lợi nhuận định mức, dừng sử dụng quỹ bình ổn.

Sự trì hoãn giảm giá đôi khi còn nằm ở chỗ, Bộ Tài chính cần tính toán ưu tiên khôi phục nguồn thu thuế trước. Các DN cũng vin vào cớ này mà tảng lờ chuyện “xin giảm giá”, không “sốt sắng” như khi tăng giá. Một quan chức của Bộ Công Thương cũng từng hàm ý, khi có điều kiện thuận lợi, cũng phải để cho DN hồi phục lại lợi nhuận.

Giá xăng dầu vừa mới giảm được ít ngày thì gần đây, lại có thông tin giá xăng đang lỗ.

Ví dụ tính tới ngày 3/9, nếu không bù từ Quỹ bình ổn, giá xăng đã lỗ 375 đồng/lít, giá dầu diezen lỗ 520 đồng/lít và dầu hỏa lỗ 1.099 đồng/lít. Điều này khiến người dân nghi ngại sẽ lại hứng chịu một đợt tăng giá trong nay mai.

Phạm Huyền