Trong 6 tháng đầu năm, Petrolimex đã nhập 4,4 triệu lít xăng dầu đúng ra phải lãi 1.200 tỷ.
Trước các thông tin do Petrolimex công bố cho thấy khoản lãi hợp nhất trước thuế gần 900 tỉ đồng, lợi nhuận do kinh doanh xăng dầu là 388 tỉ đồng. Khoản lợi nhuận này đã gây ra nhiều ý kiến khác nhau về việc xăng tăng giá liên tục, DN lãi lớn.
Tuy nhiên giải thích về điều này, chiều ngày 3/9, đại diện Bộ Công Thương, ông Võ Văn Quyền – Vụ trưởng Vụ Chính sách thị trường trong nước cho biết, trong 6 tháng đầu năm, Petrolimex đã nhập 4,4 triệu lít xăng dầu. Nếu tính theo công thức tính lợi nhuận định mức theo giá cơ sở (300 đồng/lít xăng, dầu), Petrolimex đáng ra phải lãi được 1.200 tỉ.
Tuy nhiên, thực tế doanh nghiệp chỉ lãi 388 tỉ. Đây là mức thấp chứ không phải cao. Thêm vào đó, nếu tính tỉ lệ lợi nhuận trên vốn thì con số này là thấp so với các doanh nghiệp khác.
Về công tác điều hành giá xăng thời gian qua, ông Quyền một lần nữa khẳng định, việc tăng giảm giá xăng trong khoảng thời gian tháng 6 và 7 là hoàn toàn hợp lý. Việc điều chỉnh giá không thể diễn ra tức thì, mà còn phụ thuộc vào NĐ 84 và nhiều công cụ điều hành khác.
Ông Quyền dẫn chứng, thời gian qua có lúc xăng A92 lên 117 USD/thùng do căng thẳng chiến sự giữa hai bên Mỹ - Syria. Sự kiện này bắt đầu từ ngày 22/8, nghĩa là tính đến nay đã qua 10 ngày. Tuy nhiên, bộ Công thương chưa hề có ý định điều chỉnh giá vì lo ngại nguy cơ đầu tư.
"Việc có "bước đệm" giá trung bình 30 ngày mới giúp chúng ta phản ánh đúng diễn biến giá xăng dầu thế giới. Không thể hiểu giá xăng dầu theo giá thế giới nghĩa là giá xăng thế giới lên là giá xăng trong nước lên ngay, giảm là giảm ngay", ông Quyền cho biết.
Trả lời về việc giá xăng có phải là nguyên nhân khiến CPI tháng 8 tăng cao, đại diện Bộ Công thương cho rằng, nguyên nhân thực chất đẩy CPI tháng 8 tăng là do dịch vụ y tế.
"Việc CPI tăng là do Hà Nội tăng giá dịch vụ y tế. Ngoài ra, đây cũng là thời điểm ngành giáo dục bước vào đợt khai trường. Nếu loại trừ yếu tố tăng giá trên thì cơ bản CPI như tháng 7", ông Quyền cho biết.
Trên thực tế, dù giá xăng đã giảm 300 đồng/lít kể từ ngày 22/8 nhưng từ đó đến nay, giá bán lẻ xăng A92 vẫn luôn thấp hơn giá cơ sở. Theo đó, giá cơ sở thấp nhất là 24.476 đồng/lít (ngày 26/8) và cao nhất là 24.606 đồng/lít (ngày 2/9). Có nghĩa, giá bán lẻ xăng A92 đang thấp hơn giá cơ sở ít nhất là 206 đồng/lít và cao nhất là 336 đồng/lít.
Hiện phần lợi nhuận định mức của các DN trong giá cở sở vẫn được giữ ở mức 100 đồng/lít thay vì mức 300 đồng như trước đây.
Sau khi cộng thêm chi phí bảo hiểm và vận chuyển, nhân với tỷ giá của Vietcombank rồi cộng thêm thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, chi phí định mức, lợi nhuận định mức, mức trích quỹ bình ổn giá, thuế bảo vệ môi trường, thuế giá trị gia tăng, giá cơ sở ngày 2/9 lên tới 24.606 đồng/lít, cao hơn mức giá bán lẻ hiện hành của Petrolimex là 336 đồng/lít.
Tương tự, trong ngày 2/9, giá bán lẻ dầu diesel 0,05S đang thấp hơn giá cơ sở 507 đồng/lít; dầu hỏa thấp hơn 1.088 đồng/lít và dầu mazut thấp hơn 71 đồng/kg.
Phạm Huyền