Trong khi bê bôi sữa độc còn hoành hành thì các hãng sữa nước ngoài vẫn tung hoành tăng giá. Sữa nội dù xem đây là cơ hội tốt để chiếm lĩnh thị trường nhưng xem ra khó lật được thế cờ.
Bê bối nhiễm độc vẫn tăng giá
Những thông tin về sữa nhiễm khuẩn vẫn không thể làm giảm đà tăng giá của sữa ngoại nhất là của các hãng đứng ngoài vụ bê bối trên. Các loại sản phẩm sữa trong nước và nhập khẩu giá đã được chỉnh tăng ở mức từ 5- 15%.
Trong khi các doanh nghiệp như Abbott và Dumex đang vất vả thu hồi sản phẩm nhiễm khuẩn thì một số hãng sữa ngoại khác nhanh chân tăng giá bán. Mặc dù cơ hội tăng giá đã thấy rõ nhưng nguyên nhân tăng giá lần này hầu như không mới, vẫn là giá cả đầu vào tăng, thay đổi bao bì, bổ sung thành phần…
Từ đầu năm đến nay giá sữa bột, sữa nước được điều chỉnh tăng 5. Khảo sát tại một số đại lý sữa lớn trên các đường Nguyễn Thông, Quang Trung, Nguyễn Kiệm.. thì cơ bản các hãng sữa đều điều chỉnh tăng giá nhưng mức tăng thì khác nhau. Phải chăng do mức tiêu thụ giảm, các hãng sữa vẫn muốn giữ mức lãi nên đã tăng giá để bù doanh số hay do các hãng sữa ngoại nắm được tâm lý “sính ngoại” nên cứ tăng?
Trong khi đó theo phân tích của đại diện Sở Tài chính TP.HCM, sở dĩ giá sữa thành phẩm liên tục tăng là do chúng ta chưa chủ động được nguồn nguyên liệu trong nước.
Cụ thể, nguồn nguyên liệu trong nước mới chỉ đáp ứng khoảng 30% nhu cầu tiêu dùng và chủ yếu phục vụ sản xuất sữa nước. Còn 70% phải nhập khẩu thì có 50% là sữa nguyên liệu và chỉ 20% là sữa thành phẩm
Theo đại diện sở Tài chính TP.HCM, sữa là mặt hàng thuộc đối tượng phải kê khai giá tuy nhiên hiện nay việc quản lý kê khai giá sữa khá chồng chéo, bất cập. Cụ thể chỉ có một số hãng như Vinamilk, Nutifood, Dumex, XO… do TP.HCM quản lý việc kê khai giá còn các hãng sữa khác như FriselandCampina Việt Nam, Nestlé … lại do Cục quản lý thuộc Bộ Tài chính chịu trách nhiệm.
Thêm vào đó nếu chiếu theo quy định của Bộ Y tế chỉ những loại sữa 34% độ đạm trở lên mới được gọi là sữa bột và chỉ sữa bột mới phải quản lý giá và doanh nghiệp phải đăng ký, kê khai giá. Như vậy, các loại sữa bột có độ đạm dưới 34% nằm ngoài diện phải quản lý. Trong khi đó, nhiều chuyên gia dinh dưỡng cho rằng, trẻ em dùng sữa có độ đạm cao sẽ khó tiêu hóa, cho nên chẳng nhà sản xuất nào sản xuất sữa cho trẻ em có độ đạm lên đến 34%, các sản phẩm sữa chủ yếu chỉ từ 13-17% độ đạm.
Theo quy định hiện hành, chỉ sữa bột dành cho trẻ em dưới sáu tháng tuổi mới phải đăng ký giá bán, nên nhiều doanh nghiệp tranh thủ chuyển tên gọi như thực phẩm dinh dưỡng để không bị kê khai giá.
Sữa nội mơ lật thế cờ?
Đứng bên lề sự cố nhiễm khuẩn của các hãng sữa ngoại nhiều ý kiến cho rằng sẽ là cơ hội cho sữa nội giành lại thị phần. Tuy vậy, thực tế này vẫn không hề dễ dàng khi phần lớn người tiêu dùng đã “soi” kỹ hơn đối với các sản phẩm sữa nội.
Ngay sau khi sự cố sữa nhiễm khuẩn xảy ra hầu hết các hãng sữa nội đều đăng đàn công bố thông tin không sử dụng nguồn nguyên liệu nhập khẩu bị nhiễm khuẩn của hãng Fonterra. Thậm chí có hãng còn công bố cả bức thư xác nhận không sử dụng nguyên liệu của chính hãng Fonterra.
Dù lên tiếng khẳng định không sử dụng nguyên liệu bột đạm bị nhiễm khuẩn từ Fonterra, nhưng theo Công ty nghiên cứu thị trường Nielsen, thương hiệu sữa lớn thứ 4 thế giới này vẫn là nhà cung cấp sữa bột nguyên liệu hàng đầu thế giới.
Hiện nay, các hãng sữa nội đang bị phụ thuộc quá lớn vào nguồn nguyên liệu nhập khẩ nên dù ít hay nhiều thì người tiêu dùng cũng có tâm lý thận trọng. Việc chuyển hẳn qua sử dụng sữa nội cũng được nhiều người tiêu dùng cân nhắc và tìm hiểu kỹ càng hơn.
Số lượng sữa nội được tiêu thụ trong thời gian vừa qua đã tăng lên đáng kể, nhưng vẫn chưa thể khẳng định tính bền vững về về thị trường. Các doanh nghiệp nội cần phải vượt qua những rào cản tâm lý của người tiêu dùng. Phần lớn người tiêu dùng vẫn đang trong giai đoạn tìm hiểu kỹ hơn về chất lượng sữa nội cũng như nguồn gốc nguyên liệu”.
Chị Triệu Thanh Huệ (Đường Tôn Đản, Quận 4) bày tỏ: “Hiện tại sử dụng sữa nội hầu hết vẫn là tìm nơi để “trú ẩn tâm lý” chứ chưa thực sự là sự lựa chọn tối ưu của các mẹ. Để chinh phục được đa số người tiêu dùng, rõ ràng các hãng sữa nội còn phải cố gắng rất nhiều”.
Đây cũng là điều dễ hiều vì với thực tế nguyên liệu sữa vì tỷ lệ nhập từ nước ngoài vẫn chiếm đa số nên về bản chất vỏ là sữa nội nhưng ruột phần lớn vẫn là ngoại nên mỗi khi ngoại gặp sự cố thì nội cũng bị vạ lây nên việc khách hàng soi kỹ hơn về chất lượng sữa nội là điều dễ hiểu.
Để thuyết phục người tiêu dùng, các hãng sữa nội cần phải đưa thêm quy định ghi rõ xuất xứ nguồn nguyên liệu đầu vào. Có thể ghi rõ tỷ lệ sữa tươi, sữa bột, nơi cung ứng nguồn nguyên liệu. Điều này vừa đảm bảo tính minh bạch trên thị trường sữa, vừa giúp người tiêu dùng an tâm hơn trong việc lựa chọn sữa nội.
Nam Phong