Không chỉ lún sâu vào nợ nần, không được hít thở tín dụng ngân hàng, nhiều doanh nghiệp BĐS gần đây lại càng bị hút sâu hơn vào trong sình lầy. Các cửa sống đều bị khép lại khiến viễn cảnh của doanh nghiệp ngày càng bi đát.
Khó càng thêm khóNgày 4/7/2013, Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) ra thông báo về việc hủy niêm yết cổ phiếu STL của CTCP Sông Đà Thăng Long. Theo đó, toàn bộ 15 triệu cổ phiếu đang lưu hành của công ty này sẽ bị hủy niêm yết từ ngày 26/7/2013 vì công ty đã bị âm vốn chủ sở hữu với lỗ lũy kế tính đến cuối 2012 lên đến gần 174 tỷ đồng, vượt vốn điều lệ thực góp tại cùng thời điểm (150 tỷ đồng).
Đây là thông tin khá bất ngờ bởi mới chỉ hôm trước STL vừa có văn bản giải trình nguyên nhân lỗ năm 2012 và phương án khắc phục trong năm 2013. Theo đó, STL cho biết công ty đã có phương án khắc phục lỗ và có thể thu được lợi nhuận tổng cộng khoảng 100 tỷ đồng từ các dự án đầu tư và khoảng 30 tỷ từ các hoạt động khác.
|
Trước đó, một loạt các doanh nghiệp BĐS và liên quan BĐS ngập ngụa trong nợ nần, thua lỗ nhiều năm liên tiếp hoặc/và âm vốn chủ sở hữu, không vay được vốn ngân hàng bị khép nốt cánh cửa vốn trên TTCK là THV (hủy niêm yết 4/7); S27, SDJ, VCH, SCC, VES (hủy niêm yết trong tháng 5), MCV…
Đa số các cổ phiếu này trước khi bị hủy niêm yết đều có giá từ 1.000 đồng/cp trở xuống. S27, SDJ, SCC (3 cổ phiếu thuộc họ Sông Đà) và VCH thuộc họ Vinaconex và THV bị âm vốn chủ sở hữu; trong khi VES thua lỗ 3 năm liên tiếp và tiếp tục lỗ trong quý I/2013.
Rất nhiều các doanh nghiệp BĐS khác cũng đang lún sâu trong vũng bùn nợ nần lại “dính” thêm kiện tụng như QCG, Cơ khí Lữ Gia, Minh Việt…
BĐS, “chứng” chết: Dân gánh chịu?
Hồi cuối 2012, hàng trăm khách hàng của doanh nghiệp đứng ngồi không yên vì các dự án đắp chiếu quá lâu. Gần đây, những vụ sai phạm, chậm, hoãn… như Vĩnh Hưng Dominium, Dự án Dương Nội của Nam Cường, Victoria Văn Phú, dự án Phú Thượng của Housing Group… khiến cho nhiều người dân đặt câu hỏi: Doanh nghiệp huy động vốn từ khách hàng khá nhiều, tại sao vẫn không có tiền để hoàn thành dự án?
Nhiều chuyên gia cho rằng, các doanh nghiệp BĐS đã ôm quá nhiều dự án, bỏ ra quá nhiều tiền để có được dự án, rồi cùng một lúc triển khai và khi ngân hàng không cho vay nữa thì dự án bị đình trệ. Ngoài ra rất có thể còn có hiện tượng chiếm dụng vốn để kiếm lời, thậm chí có thể còn chiếm đoạt vốn.
Chưa bàn tới việc tiền đi đâu và doanh nghiệp khó khăn như thế nào. Một điều đáng quan tâm hiện nay là rất nhiều người dân đang vướng vào các dự án BĐS và không thể lấy lại được tiền cũng như nhà. Sự tĩnh lặng tại các công trường thi công của các chủ đầu tư BĐS khiến người dân mua nhà như ngồi trên đống lửa nhìn lãi mẹ đẻ lãi con mà xót ruột. Nhiều người gần như mất tất cả những đồng tiền tích lũy cả đời của mình. Hậu quả có thể dẫn tới sự bất ổn, sự mất an ninh trong xã hội.
Trên thực tế, hiện tượng hàng loạt các doanh nghiệp BĐS thua lỗ, nợ nần, trì hoãn không hoàn thành được các dự án…, đã được giới đầu tư nhận biết. Khả năng từng doanh nghiệp có hồi phục được không hay chờ đợi đến ngày phá sản, đến ngày ngân hàng phát mại tài sản, hay chờ có đối tác mua dự án… đều được giới đầu tư theo dõi sát sao.
Tuy nhiên, những thông tin đầy hấp dẫn được tung ra vẫn khiến không ít người lao vào, giống như vụ khuyến mại sàn thương mại trước đây.
Có thể thấy, theo quy định những doanh nghiệp không đủ tiêu chuẩn sẽ bị hủy niêm yết. Việc loại ra khỏi sàn những cổ phiếu “lởm” là cần thiết để TTCK phát triển. Tuy nhiên, cách thức công bố thông tin của doanh nghiệp và của các cơ quan chức năng khiến nhiều người còn băn khoăn.
Huấn Tú