Bộ Công Thương cho biết việc tăng giá xăng dầu 2 lần trong tháng 6 là phù hợp với nhịp điệu tăng giá thế giới và sẽ xem xét điều chỉnh giá điện không ảnh hưởng đến tình hình kinh tế - xã hội
Ngày 1-7, Bộ Công Thương đã tổ chức họp báo thường kỳ tháng 6, trong đó giá xăng dầu và giá điện là những nội dung được quan tâm nhất.
Giá xăng tăng với biên độ nhỏ
Diễn biến giá xăng dầu trong tháng 6 khiến người tiêu dùng bức xúc khi giá xăng dầu thế giới không có biến động mạnh nhưng liên Bộ Tài chính - Công Thương lại cho phép doanh nghiệp (DN) xăng dầu đầu mối tăng giá 2 lần vào ngày 14-6 với mức tăng 426 đồng/lít và ngày 28-6 với mức tăng gần 400 đồng/lít.
Lý giải về nguyên nhân tăng giá xăng dầu dồn dập trong tháng, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước - Bộ Công Thương Nguyễn Xuân Chiến cho biết: Theo số liệu chính thức của liên bộ, giá xăng dầu thế giới không hề giảm mà có xu hướng tăng. Cụ thể, ngay từ thời điểm cuối tháng 5-2013, giá xăng dầu thế giới đã bắt đầu tăng khi giá bình quân 30 ngày tính đến ngày 31-5 với mặt hàng xăng RON 92 là 111,08 USD/thùng. Đến ngày 13-6, giá bình quân 30 ngày xăng RON 92 là 112,95 USD/thùng. Thời điểm ngày 27-6, giá bình quân 3 ngày của mặt hàng này đã tăng lên 114,442 USD/thùng. Điều này lý giải vì sao có 2 đợt tăng giá xăng trong cùng 1 tháng.
"Việc tăng giá xăng, dầu như điều hành của liên bộ thời gian qua hoàn toàn theo quy định của Nghị định 84 về kinh doanh xăng dầu. Hơn nữa, liên bộ cũng đã cho phép trích quỹ bình ổn giá rồi mới tăng giá với biên độ tăng khá thấp" - ông Chiến khẳng định.
Trao đổi xung quanh tiến trình sửa đổi Nghị định 84 mà Bộ Công Thương được giao chủ trì soạn thảo và trình lấy ý kiến Chính phủ, ông Chiến cho biết dự thảo sửa đổi lần 1 đã được công bố trên trang web của bộ để lấy ý kiến từ ngày 4-5. Việc hoàn thiện một nghị định trình Chính phủ phải tuân theo quy trình hình thành văn bản quy phạm pháp luật; trong đó, riêng việc đăng tải dự thảo trên website phải duy trì trong ít nhất 60 ngày. Hiện nay, bản dự thảo lần thứ 4 sửa đổi Nghị định 84 đang được lấy ý kiến các bộ, ngành liên quan, các sở Công Thương, doanh nghiệp, Hiệp hội Xăng dầu… và sẽ trình Chính phủ trong thời gian tới.
Huy động nguồn điện minh bạch hơn
Trước đánh giá của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia về khả năng giá điện trong năm nay có thể được điều chỉnh trong phạm vi 10% - 15% (bao gồm cả điều chỉnh tiếp giá bán than cho điện), cao hơn so với dự kiến ban đầu ngành điện từng công bố là 7%, ông Đinh Thế Phúc, Phó Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực - Bộ Công Thương, cho biết bộ vẫn đang xem xét việc này.
Theo ông Đinh Thế Phúc, việc điều chỉnh giá điện theo cơ chế thị trường xảy ra khi các thông số đầu vào thay đổi hoặc có những biến động bất thường. Sau khi Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có báo cáo tài chính đã kiểm toán, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với Bộ Tài chính kiểm tra tình hình sản xuất kinh doanh điện và báo cáo trình Chính phủ phương án điều chỉnh giá điện. "Hiện nay, EVN đã hoàn thành báo cáo tài chính có kiểm toán về tình hình sản xuất kinh doanh năm 2012, Bộ Công Thương đang tiến hành rà soát lại chi phí, sau đó sẽ đưa ra những đề xuất cụ thể" - ông Phúc cho hay. Ông Phúc cũng lưu ý thêm là việc điều chỉnh giá điện sẽ căn cứ vào nhiều yếu tố; trong đó có xem xét đến tăng giá bao nhiêu, tăng vào thời điểm nào hợp lý để không ảnh hưởng đến phát triển kinh tế-xã hội cũng như chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của cả nước.
Riêng về thị trường phát điện cạnh tranh, sau đúng 1 năm đưa vào vận hành (từ ngày 1-7-2012), ông Phúc đánh giá thị trường này đã đạt kết quả nhất định. Thứ nhất, thị trường phát điện cạnh tranh đã giúp minh bạch hơn trong huy động nguồn điện. Theo ông Phúc, trước đây xuất hiện nhiều ý kiến thắc mắc lý do huy động điện từ nhà máy này mà không huy động từ nhà máy khác. Đến nay, với nguyên tắc chào giá và công khai trên trang web thì không còn thấy ý kiến về việc huy động điện nữa. Thứ hai, giá phát điện đã thể hiện mối quan hệ cung cầu, gián tiếp khuyến khích các nhà máy có chiến lược chào giá tốt, tăng nguồn cung cấp điện cho hệ thống điện.
Theo ông Đinh Thế Phúc, dự thảo quyết định cơ cấu biểu giá điện đang trong quá trình lấy ý kiến người dân. Về việc áp giá điện riêng cho ngành thép và xi măng, quy định này nếu được phê duyệt sẽ thúc đẩy các doanh nghiệp cải tiến công nghệ, nâng cao năng suất vì hiện nay, nhiều nhà máy vẫn duy trì công nghệ lạc hậu gây tốn kém điện năng. |
(Theo NLĐ)