- Tuần qua, người dân hết nháo nhào khi giá vàng lao dốc thẳng đứng rồi bất ngờ bật tăng, lại giật mình sửng sốt vì giá xăng, giá gas tăng liên tiếp trong một thời gian ngắn.
Tuần biến động mạnh của giá vàng
Đầu tuần qua, giá vàng trong nước bắt đầu có xu hướng giảm nhưng vẫn ở mức cao, khoảng 39-39,35 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra). Tiếp những ngày sau, giá vàng liên tục sụt giảm và giảm mạnh, lần lượt mất mốc 39 triệu, 38 triệu, 37 triệu.
Đỉnh điểm là sáng ngày 28/6, vàng bất ngờ xuống sát mốc 34 triệu đồng/lượng, được các doanh nghiệp niêm yết ở mức 34,1 - 35,1 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra) lúc 9h15’ sáng. Tuy nhiên, kết thúc phiên đấu thầu lần thứ 37 của Ngân hàng Nhà nước với 40.000 lượng bán hết sạch, đến trưa cùng ngày giá vàng trên thị trường quay ngoắt, vượt ngưỡng 35 triệu đồng/lượng, kết thúc ngày là 37 triệu đồng/lượng. Và đến 29/6, giá vàng đá tái chiếm mốc 38 triệu đồng/lượng.
Với mức giá này, khoảng cách chênh lệch giữa giá vàng trong nước và vàng thế giới quy đổi lại giãn ra, lên mức 6,4 triệu đồng/lượng.
Ngoài tác động của giá vàng thế giới, tuần qua, giá vàng trong nước chịu sức ép lớn từ áp lực mua vàng vật chất của người dân, việc điều chỉnh tăng biên độ tỷ giá USD/VND và nhất là đến hạn 30/6 - thời điểm các tổ chức tín dụng buộc phải tất toán trạng thái vàng.
Khi giá vàng giảm sâu, người dân ồ ạt đi mua vàng bất chấp các chuyên gia thi nhau khuyến cáo “cẩn trọng”, “đừng mua vội”, “đừng bắt dao rơi”, “chưa phải là đáy”.
Giá xăng, giá gas tăng
Được Bộ Tài chính bất ngờ “bật đèn xanh”, 20h ngày 28/6, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) thông báo điều chỉnh giá xăng dầu với mức tăng 360 đồng/lít đối với xăng RON 92, từ 23.750 đồng/lít lên 24.110 đồng/lít; dầu diesel tăng 370 đồng/lít với mức giá hiện tại là 21.840 đồng/lít; tăng 300 đồng/lít với dầu hỏa; và 320 đồng/kg với dầu mazut.
Tin từ Bộ Tài chính cho biết, diễn biến giá xăng dầu thế giới trong một vài phiên giao dịch gần đây có biến động tăng, giảm thất thường; tuy nhiên, bình quân 30 ngày gần đây (từ ngày 29/5/2013 đến ngày 27/6/2013) vẫn ở mức cao. Cụ thể: giá xăng RON 92 ở mức 114,50 USD/thùng; dầu diezel0,05S: 118,84 USD/thùng; dầu hỏa: 116,49 USD/thùng, dầu ma zút 3,5S: 622,42 USD/tấn.
Ba ngày sau khi giá xăng tăng, giá gas tháng 7 cũng tăng 13.000 đồng/bình 12 kg.
Đây là lần thứ 2 giá gas tăng sau 6 tháng liên tiếp giảm giá. Từ tháng 1 đến tháng 5/2013, giá gas liên tiếp giảm theo từng tháng, tổng cộng trong 5 tháng đầu năm, giá gas giảm 65.000 đồng/bình. Tháng 6/2013, giá gas tăng nhẹ 1.000 đồng/bình, tuy nhiên tháng 7 giá gas tăng 13.000 đồng/bình.
Lý giải về nguyên nhân tăng giá lần này, ông Đỗ Trung Thành - Phó trưởng phòng Kinh doanh gas của Saigon Petro - cho biết: “Lý do tăng là do giá CP (giá gas thế giới - PV) công bố tháng 7/2013 bình quân là 792,5 USD/tấn, tăng 35 USD/tấn so với tháng 6, giá mua hàng tăng và tỷ giá ngân hàng công bố tăng”.
Những thông tin tăng giá đang khiến người dân và doanh nghiệp lo ngại khi lương tối thiểu tăng thêm 100.000 đồng từ 1/7, nhưng cùng với đó là giá xăng, giá gas tăng, giá điện dự kiến tăng, học phí, viện phí, giá nước sinh hoạt cũng có thể được điều chỉnh...
Nhiều thực phẩm “bẩn” hại người Việt
Gần đây, thông tin của Bộ Y tế Cộng hòa Czech cảnh báo loại búp bê Lovely Girl của Trung Quốc làm từ vật liệu chứa chất phthalates độc hại. Theo tiêu chuẩn của Liên minh châu Âu, đồ chơi được coi là không an toàn nếu phthalates chiếm trên 0,1% trọng lượng sản phẩm, trong khi loại búp bê trên chứa phthalates hàm lượng tới 13,8%.
Tại TP.HCM và nhiều tỉnh thành trên cả nước, búp bê Lovely Girl của Trung Quốc sản xuất bày bán rất nhiều với giá khoảng 60.000 đồng/hộp (gồm 1-4 búp bê). Người bán cho biết do giá rẻ, đẹp mắt nên búp bê Trung Quốc bán khá chạy. Loại búp bê này được một công ty ở quận 7 (TP.HCM) nhập khẩu và phân phối, có dán dấu hợp quy CR và nhãn phụ.
Theo TS Trần Ngọc Quyển, Phó Trưởng phòng Vật liệu hóa dược (Viện Khoa học vật liệu ứng dụng), phthalates là chất hóa dẻo, cực kỳ nguy hiểm với trẻ em như gây loãng xương, ung thư tuyến tiền liệt, ung thư phổi, dạ dày, thiếu máu, suy giảm trí tuệ, viêm gan, suy thận, teo thận, rối loạn giấc ngủ... Các độc tố trên không gây độc tính cấp mà được tích tụ và phát bệnh sau nhiều năm tích lũy.
Không chỉ Trung Quốc mà các sản phẩm của các nước ASEAN cũng đang khiến người tiêu dùng Việt chịu thiệt. Yến sào của Malaysia, Indonesia, Thái Lan rẻ, chất lượng thua yến sào Việt Nam. Tuy nhiên, có doanh nghiệp nhập và “biến” các loại yến sào nói trên thành yến sào Việt khiến người tiêu dùng bị thiệt thòi.
Ông Nguyễn Phước Trung, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT TP.HCM cho biết sẽ đề xuất cơ quan quản lý ngăn chặn thực trạng yến sào nước ngoài “đội lốt” yến sào Việt Nam. Ông Trung cũng khuyên những hộ nuôi yến cần lập hội nuôi yến TP.HCM để bảo vệ quyền lợi của mình.
Nhị Anh (tổng hợp)