Chứng khoán toàn cầu chao đảo hôm qua và trong sáng nay 25-6 khiến thị trường chứng khoán trong nước cũng rực lửa trước áp lực bán tháo. VN-Index lao dốc thảm hại, đã có lúc mất gần 23 điểm.

Hiệu ứng “domino” của làn sóng giảm giá dường như đã tới Việt Nam trong phiên hôm nay khi thị trường chứng khoán trong nước chứng kiến một đợt tháo chạy hoảng loạn của giới đầu tư.

Đồ thị các chỉ số phiên sáng nay gần như dựng đứng trong 2 tiếng giao dịch đầu ngày. Trong phiên buổi sáng, lực bán mạnh khiến VN-Index có lúc giảm đến hơn 22 điểm, tức mất đến 4,5% so với đầu phiên. Cho đến trước 10h30, thị trường tiếp nằm trong trạng thái điều chỉnh bình thường với lực kéo chủ yếu ở các cổ phiếu lớn. 

Đến khoảng 11 giờ trưa, VN-Index đánh mất gần 23 điểm xuống mức đáy 466,78 điểm. Tạm nghỉ buổi sáng, sàn HSX có tới gần 210 mã chứng khoán giảm, đặc biệt 29 mã trong rổ VN30 mất điểm và không có mã nào tăng giá, khiến chỉ số VN30 cũng giảm đến 15,53 điểm. 

{keywords}

Nhà đầu tư hoảng loạn bán tháo

Cổ phiếu lớn bị bán mạnh nên làm giá trị giao dịch buổi sáng tăng vọt lên 924,96 tỉ đồng dù khối lượng chỉ đạt 56,72 triệu cổ phiếu. Những cổ phiếu được xem là tốt như Vinamilk (VNM), Masan (MSN), Vingroup (VIC), Bảo Việt (BVH), Vietcombank (VCB)... đều giảm giá khá mạnh.

Trên sàn Hà Nội, áp lực bán cũng rất mạnh khiến chỉ số HNX-Index mất 1,59 điểm, tức 2,5% so với đầu phiên, xuống 61,96 điểm. Giao dịch trên sàn này đạt 37,37 triệu cổ phiếu, tương đương 285,52 tỉ đồng. Thị trường ghi nhận đến 181 mã cổ phiếu giảm giá.

Việc thị trường có 30 phút lao dốc kinh hoàng xuất phát đầu tiên là trạng thái rất yếu của các cổ phiếu lớn. Mức ảnh hưởng lên Index là quá cao nên thị trường thể hiện mức điểm số mất quá nhiều. Điều này gây tác động tâm lý lan tỏa. Biến động của độ rộng hai sàn cũng thể hiện sự suy sụp ở rất nhiều cổ phiếu, mặc dù chậm hơn một nhịp so với các mã vốn hóa lớn.

Không xuất phát từ những thông tin tiêu cực cụ thể, thị trường sáng nay bị chi phối bởi tâm lý lo sợ rất rõ. Đơn giản chỉ là các lệnh cắt lỗ khi độ giảm giá quá mạnh tạo nên hiệu ứng tuyết lở càng lúc càng mạnh. Mặt khác, lo ngại về khối lượng cổ phiếu khổng lồ về tài khoản trong phiên ngày mai, khiến áp lực bán càng dứt khoát.

Giữa đỉnh điểm của cơn hoảng loạn này là một đợt bắt đáy đầy dũng cảm. Nhiều cổ phiếu ngay lập tức nhận được lực mua lớn khi giá sụt mạnh. Tuy không đủ lực kéo giá phục hồi trở lại tham chiếu, nhưng cầu bắt đáy cũng tạo hiệu ứng phục hồi tốt. Ngay cả các mã vốn hóa lớn sụt mạnh nhất nói trên cũng thu hẹp được mức giảm. Đà phục hồi bị chặn lại khi phiên sáng tạm dừng. 

Trong khi nhà đầu tư trong nước đánh mất bình tĩnh và liên tục xả hàng thì khối ngoại không diễn ra hoạt động bán ròng trên HSX. Một số mã bị bán ròng trên HNX là PVX, PVS và VCG.

Thị trường chứng khoán thế giới ngày hôm qua cũng chứng kiến sự sụt giảm mạnh. Chỉ số Down Jones của thị trường Mỹ mất đến gần 140 điểm; chỉ số Hang Seng của Hồng Kông mất gần 450 điểm, tương đương 2,22%; chỉ số Shanghai của Trung Quốc giảm gần 110 điểm, tức 5,29%; chỉ số Nikkei 225 của thị trường Nhật giảm 167,35 điểm, ứng với 1,26%. 

Các thị trường khác như Anh, Pháp, Đức, Hàn Quốc, Singapore... đều mất từ 1% đến xấp xỉ 2%. Điều này đã tác động rất lớn đến thị trường chứng khoán Việt Nam.

Anh Vũ (tổng hợp)