- Một đợt sóng đang diễn ra trên thị trường ngoại hối khiến cho không ít người lo ngại về khả năng điều chỉnh tỷ giá. Tuy nhiên, nhìn sâu vào quan hệ cung cầu, đây có thể là một cơn “sóng ngắn” và cơ quan quản lý đã có cảnh báo đối với những ai muốn khuấy động thị trường này.
Giá tăng nhưng cầu thấp
Ngày 12/6, sau gần một năm, tỷ giá USD trên thị trường vượt trần ở mức 21.065 đồng so với trần là 21.036 đồng/USD. Người ta bắt đầu mơ hồ lo ngại về các phản ứng tiếp theo khi USD vượt trần như đã từng xảy ra trong lịch sử.
Tuy nhiên, sang ngày 13/6, khi giá USD lên đến 21.100 đồng/USD và thậm chí 21.145 đồng/USD vào 14/6 nhưng thị trường vẫn giữa được sự bình lặng vốn có.
Thông tin từ các ngân hàng cho biết, dù giá tăng nhưng có rất ít giao dịch thành công. Nhu cầu mua ngoại tệ của DN có tăng, nhưng không đáng kể, chủ yếu để trả nợ trước hạn, còn nhu cầu để thanh toán nhập khẩu hầu như không thay đổi.
Quan sát trên thị trường, có thể thất trong cơn sóng này, tỷ giá không chỉ tăng tại các ngân hàng thương mại mà NHNN cũng có sự điều chỉnh. Tính đến cuối tuần qua, NHNN đã tăng giá bán USD tại Sở Giao dịch từ 20.950 đồng/USD lên kịch trần là 21.036 đồng/USD, còn chiều mua vào niêm yết tại 20.850 đồng. Trong khi đó, một biểu hiện của những cơn khát USD trước đây đã lặp lại khi giá mua và bán của ngân hàng dường như cân bằng nhau. Nếu có chênh lệch chỉ ở mức rất thấp chỉ 6-10 đồng/USD.
Đã có rất nhiều đồn đoán về nguyên nhân tăng tỷ giá, trong đó tập trung nhiều vào lý do các ngân hàng cần tiền để tất toán vàng. Kéo theo đó, có thể NHNN phải chi ra khoảng 1 tỉ đô la Mỹ để nhập khẩu vàng sau khi đã cung cấp cho thị trường 30 tấn vàng thông qua đấu thầu.
Trong khi đó, chuyên gia Vũ Đình Ánh cho rằng chúng ta đã quay lại với thực tế quen thuộc là thâm hụt thương mại, khi nhập siêu tăng lên. Bên cạnh đó, không thể bỏ qua những diễn biến trong hoạt động đầu tư đang tăng lên trong khi tỷ giá đã được neo trong suốt hơn 1 năm qua khiến cho ngân hàng có động thái tăng trong biên độ kịch trần 1% thời gian qua.
Chuyên gia ngân hàng Lê Xuân Nghĩa - Viện trưởng Viện Nghiên cứu và phát triển kinh doanh, phân tích, “với mức thâm hụt thương mại như tháng 5, có thể đây là một yếu tố xu thế, thị trường bắt đầu có đầu cơ” và bổ sung "từ nay đến cuối năm, Ngân hàng Nhà nước phải duy trì tỷ giá 1%, nếu không thị trường sẽ có sóng".
Theo lãnh đạo một số ngân hàng thì tỷ giá cũng đang chịu ảnh hưởng của xu thế lãi suất. Trước đây, lãi suất tiền gửi tiết kiệm tiền đồng cao từ mức trần 14% và tuy có giảm dần sau đó nhưng vẫn “neo” ở mức tương đối cao, trong khi lãi suất tiền gửi USD bị khống chế ở trần 2%/năm, nhiều người dân bán ngoại tệ lấy tiền đồng để gửi tiết kiệm. Nhưng hiện nay sự điều chỉnh giảm lãi suất huy động tiết kiệm tiền đồng còn 7,5%/năm nên nhiều người đã rút tiền đồng mua USD gửi tiết kiệm, kéo theo cầu USD trên thị trường tăng theo. Trong khi đó, cũng không thể bỏ qua khả năng do lãi suất liên ngân hàng hiện nay chỉ có 1-2%/năm, nên các nhà băng chuyển qua mua USD để bù đắp trạng thái trước đó khi lãi suất VND cao nhiều ngân hàng bán USD để lấy VND, giờ lãi suất thấp mua USD.
Sóng không dài
Trong tỷ giá được các ngân hàng và DN dõi theo với tâm lý lo ngại thì NHNN vẫn khẳng định chắc chắn sẽ không phá giá VND. Tuy nhiên, cơ quan này cho biết sẽ không cố giữ tỷ giá USD/VND bằng mọi giá mà sẽ có những điều chỉnh linh hoạt, phù hợp với yêu cầu của thị trường trong từng thời điểm. Năm 2013, tỷ giá có thể tăng trong biên độ 2-3% nhưng về cơ bản ổn định.
Năm 2013, thay vì dự báo chúng ta thặng dư thương mại 1 tỷ USD như năm 2012, thì con số thặng dư có thể lên tới 12 tỷ USD. Hiện nay, dự trữ ngoại hối cũng được NHNN cho biết đã tăng mạnh trong thời gian qua. Từ đầu năm 2013 đến nay, dòng vốn gián tiếp liên quan đến thị trường chứng khoán đổ vào Việt Nam. Theo ước tính, dòng vốn này hiện đang là 243 triệu USD, và có thể tăng lên 500 triệu USD vào cuối năm.
Những con số này cho thấy, nguồn cung ngoại tệ rất khả quan và cơ quan quản lý có cơ sở để tin vào khả năng bình ổn của mình. Trong khi đó, với nguyên nhân tăng giá do tất toán vàng thì chắc chắn USD sẽ khó biến động mạnh và con “sóng” tăng giá vừa qua chỉ là cơn gió thoảng qua. Có thể sau thời hạn 30.6, khi các nhà băng tất toán xong trạng thái vàng cầu ngoại tệ của thị trường sẽ ổn định.
Lý giải nguyên nhân tăng tỷ giá từ tháng 4 đến nay, ngoài yếu tố tâm lý, áp lực cầu ngoại tệ xuất hiện khi nhập siêu tăng trở lại, Thống đốc Bình cũng thẳng thắn thừa nhận, chủ yếu do các ngân hàng gây ra chứ không phải từ thị trường. Bởi các ngân hàng thừa tiền không cho vay ra được nên muốn cải thiện trạng thái thông qua việc trao đổi mua bán.
“Tuy giao dịch giữa các ngân hàng vẫn trong khuôn khổ quy định cho phép nhưng nếu cứ như vậy sẽ tạo sức ép lên lãi suất. Không nên vì lợi ích cá nhân mà triệt tiêu toàn bộ kết quả đã đạt được trước đó. Vì vậy, các ngân hàng nên tuân thủ nghiêm ngặt hơn”, ông Bình bày tỏ.
Theo các chuyên gia thì nếu tỷ giá bị đẩy lên bởi những nguyên nhân kể trên, thì áp lực sẽ không tồn tại lâu. Khi các ngân hàng hoàn tất cân bằng trạng thái vàng, tình trạng “căng” của tỷ giá cũng sẽ chấm dứt. Tỷ giá những ngày vừa qua dù tăng song chưa “nóng” đến mức cần phải đưa ra cảnh báo. Có thể đến hết tháng 6/2013, có thể tình trạng này sẽ dịu lại.
Nếu những nhận định trên là đúng, có thể đợt tăng tỷ giá này cũng lại như cơn gió thoảng qua như hai lần tăng trước. Tuy nhiên, dưới lăng kính của nhiều chuyên gia kinh tế để hỗ trợ cho xuất khẩu, năm 2013 vẫn cần phải điều chỉnh tỷ giá hối đoái hợp lý.
Ngọc Sơn