- Gần 2 tuần nay, thị trường ngoại hối cầu tăng mạnh, trong khi cung hầu như không tăng.
Trong 2 tuần qua, các NHTM đồng loạt đưa giá bán USD lên kịch trần là 21.036 đồng. Thậm chí cuối tuần qua, tại Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước chiều bán ra USD đã tăng gần hết biên độ 1% khi chạm mức 21.360 đồng. Tỷ giá đang đứng trước đồn đoán có hay không sự điều chỉnh?
Nhân tố nào?
Sáng 12/6, giá giao dịch USD tại các NHTMCP lớn có điều chỉnh. Tại Vietcombank, tỷ giá USD được niêm yết ở mức 21.020 đồng/USD - 21.036 đồng/USD (mua vào – bán ra), tăng 35 đồng chiều mua vào so với ngày 11/6.
Tại BIDV, tỷ giá USD được yết mua vào ở mức 21.015 đồng/USD - bán ra ở mức 20.036 đồng/USD, giảm nhẹ 5 đồng chiều mua vào so với ngày 11/6. Còn VietinBank, niêm yết tỷ giá USD ở mức mua vào là 21.030 đồng/USD - bán ra là 21.036 đồng/USD… Thị trường tự do, giá USD phổ biến ở mức 21.250 đồng/USD chiều mua vào và 21.270 đồng/USD chiều bán ra.
Phó tổng giám đốc NHTMCP trên địa bàn Hà Nội cho hay: qua quan sát gần 2 tuần nay, thị trường ngoại hối cầu tăng mạnh, trong khi cung hầu như không tăng.
Sự mất cân đối này phản ánh qua cán cân thanh toán của Việt Nam trong tháng 5 chuyển từ trạng thái dương chuyển sang bị âm 1,5 tỷ USD. Nhưng ngay sau đó, NHNN đã bán ra 1 tỷ USD để cân bằng thị trường. Vị lãnh đạo này cũng bổ sung hai yếu tố tác động đến sự thay đổi của tỷ giá đó là chênh lệch lãi suất giữa USD và VND đang thu hẹp dần.
Việc tỷ giá biến động nhẹ do nhu cầu một số NHTM tăng để bù đắp trạng thái.Nhưng sự việc này chỉ diễn ra trong thời gian ngắn, và trạng thái ngoại tệ của hệ thống NHTM đã cải thiện.
TS chuyên gia ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu phân tích về sự tăng giá của đồng đô la như sau: thứ nhất, thời điểm này nhu cầu nhập khẩu hàng hóa của các DN tăng lên chuẩn bị chu kỳ sản xuất mới, cũng có không ít các DN muốn mua USD trả nợ. Và không thể bỏ qua yếu tố chênh lệch giá vàng cũng là một trong những tác động đến tỷ giá.
Lãnh đạo NHTMCP trên cho rằng, đúng là chuyện này có thể xảy ra, nhưng không phải ngân hàng nào cũng có thể làm. Bởi không dễ dàng mua USD từ NHNN. Chỉ có những ngân hàng bị âm trạng thái mới được “ưu tiên” mua USD từ NHNN.
Thực tế, dù không quá áp lực, nhưng nguồn cung ngoại tệ không phải quá dư dả để cho các ngân hàng làm liều. Dự báo, hoạt động xuất khẩu trong thời gian tới gặp nhiều khó khăn ngay cả những mặt hàng chủ chốt như nông sản, gạo, cà phê…
“Điều này đồng nghĩa ngoại tệ thu từ xuất khẩu không tăng mà thậm chí còn giảm. Vì ngoại tệ thu về các DN xuất khẩu sẽ bán lại ngân hàng, nhưng nếu không xuất được hàng, DN không những không có USD để bán lại cho ngân hàng, thậm chí họ không có tiền trả nợ ngân hàng. Trong khi đó, DN nhập khẩu vẫn phải vay USD thanh toán tiền hàng. Nếu điểm rơi cùng xảy ra vào cuối năm sẽ tạo áp lực lớn cho ngân hàng ”, một chuyên gia ngân hàng nhận định.
Sóng ngắn?
Giá mua bán đôla Mỹ trên thị trường tự do ở Hà Nội tăng vọt trong khoảng gần 1 tuần trở lại đây, trong khi từ đầu tuần, các ngân hàng thương mại cũng đẩy giá mua USD tăng vượt 21.000 đồng.
Thị trường tự do tại Hà Nội những ngày vừa qua cũng chứng kiến sự lên giá mạnh mẽ của đồng bạc xanh, khi giao dịch luôn phổ biến trên 21.200 đồng ở cả hai chiều mua và bán. Một chủ điểm thu đổi ngoại tệ tại phố Hà Trung (Hà Nội) chiều 12/6 thông báo, đang mua đôla vào với giá 21.240 đồng/USD và bán ra 21.250 đồng/USD.
“Tỷ giá luôn đứng trước sức ép từ cán cân thanh toán và lực cầu của thị trường”, Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa - nguyên Phó chủ tịch Ủy ban giám sát tài chính quốc gia nhận định. Ông phân tích, khi các ngân hàng thương mại hạn chế cho vay ngoại tệ, trên thị trường, ngoại tệ chủ yếu được mua bán thì trạng thái ngoại hối âm tăng lên khiến áp lực đè nặng lên tỷ giá. Bên cạnh đó, cán cân cân bằng là tín dụng ngoại tệ đang giảm mạnh, sự dịch chuyển ngoại hối để cân bằng rất bấp bênh dù Ngân hàng Nhà nước đã bán ra 1 tỷ USD để can thiệp thị trường.
Về băn khoăn của nhiều nhà đầu rằng tăng tỷ giá trong một vài tuần trở lại đây nên được coi là sóng hay xu thế, ôngNghĩa ho rằng: “Với mức thâm hụt thương mại như tháng 5, có thể đây là một yếu tố xu thế, thị trường bắt đầu có đầu cơ” và bổ sung, từ nay đến cuối năm, Ngân hàng Nhà nước phải duy trì tỷ giá 1%, nếu không thị trường sẽ có sóng.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cũng nhận định, nhiều khả năng, việc tăng tỷ giá trong những ngày gần đây liên quan tới việc các ngân hàng phải tất toán trạng thái vàng trước ngày 30/6. Theo đó, nhu cầu trả nợ các khoản vay đến hạn trả, hoặc nhập vàng, đầu cơ có thể khiến cho tỷ giá USD nhảy vọt lên.
Tuy vậy, ông Nguyễn Trí Hiếu kết luận, nếu tỷ giá bị đẩy lên bởi những nguyên nhân kể trên, thì áp lực sẽ không tồn tại lâu. Khi các ngân hàng hoàn tất cân bằng trạng thái vàng, tình trạng “căng” của tỷ giá cũng sẽ chấm dứt.
Một chuyên gia khác trong lĩnh vực tài chính ngân hàng thì cho biết, tỷ giá những ngày vừa qua dù tăng sốc song chưa “nóng” đến mức cần phải đưa ra cảnh báo và biên độ không quá 3% như tuyên bố của Thống đốc Nguyễn Văn Bình tuyên bố . Vị này cho rằng, đến hết tháng 6, có thể tình trạng này sẽ dịu lại vì nhu cầu vàng xuống thấp, áp lực lên tỷ giá cũng giảm dần, việc một số đối tượng cần nhập lậu vàng về bán trong nước cũng sẽ lắng xuống.
PV