- Thủ tục hành chính, chi phí ngầm và công chức hành hạ DN đang là những rào cản khiến cho chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của nhiều địa phương tụt hạng.
Ngủ không yên vì thanh tra
Nhằm thu hút đầu tư, các tỉnh thành đua nhau cải thiện môi trường kinh doanh để tăng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Chính quyền nhiều địa phương ở top dưới dù đã nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh, như: cải cách thủ tục hành chính, bớt nhũng nhiễu DN, giảm số lần thanh kiểm tra... song vẫn còn nhiều hạn chế. Tham nhũng, cải thiện thiết chế hành chính bảo vệ DN, tiếp cận đất đai... là những vấn đề khiến DN chưa hài lòng và lãnh đạo các tỉnh cũng đang đau đầu.
Năm 2012, Bắc Ninh lần đầu tiên bị tụt hạng xếp thứ 10/63 tỉnh, thành. Các chỉ số thành phần của tỉnh bị giảm điểm là thiết chế pháp lý giảm tới 3,32 điểm, chi phí thời gian 1,41 điểm, tiếp cận đất đai 1,24 điểm, dịch vụ hỗ trợ DN 0,63 điểm và chi phí không chính thức 0,06 điểm.
Tại Quảng Nam, qua điều tra, có tới 55% DN tỉnh này gặp khó khi thực hiện các thủ tục hành chính về đất đai; trên 27% đơn vị không dễ tiếp cận mở rộng mặt bằng kinh doanh.
Mặc dù các địa phương đã nỗ lực hành động nhằm tăng tính minh bạch và giảm tham nhũng, nhưng hầu hết DN vẫn thấy “chi phí không chính thức” gây không ít trở ngại cho hoạt động của họ. Báo cáo PCI năm 2012 do Phòng Thương mại và Công nghiệp VN (VCCI) triển khai, nhận định, có sự sụt giảm mạnh mẽ của “tham nhũng vặt”, với độ dốc khá lớn, từ tỷ lệ 70% trong chi phí không chính thức trong năm 2006 xuống còn khoảng 50% trong năm 2012.
Đổi lại, các khoản chi không chính thức đổ dồn vào hoa hồng cho cán bộ nhà nước để giành được hợp đồng, từ 23% năm 2011 lên 41% năm 2012. 42% DN cho biết phải trả hoa hồng cho cán bộ có liên quan để đảm bảo giành được hợp đồng với cơ quan nhà nước, tăng mạnh so với năm 2011.
Tại nhiều địa phương, thủ tục đầu tư đã được cải thiện nhiều nhưng nạn thanh tra, nhũng nhiễu DN vẫn còn (ảnh minh họa) |
Một nguyên nhân khác khiến hàng loạt DN không yên tâm hoạt động, sản xuất, kinh doanh do bị buộc phải tiếp nhiều đoàn thanh, kiểm tra chỉ trong một thời gian ngắn dẫn đến không còn thời gian để chú tâm vào việc kinh doanh, sản xuất.
Tại Bình Phước, có một số DN chỉ trong 1 năm phải tiếp đến 13 đoàn thanh tra. Tiến sĩ Hoàng Mạnh Bình, Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa tỉnh Bình Phước, cho hay, thậm chí, một công ty trong tỉnh chỉ một tháng phải tiếp đến 17 đoàn thanh tra của các ban, ngành từ huyện đến tỉnh và chỉ thanh tra đúng... một nội dung. Đặc biệt, quá trình thanh tra kéo dài từ tháng 6/2011 đến tháng 5/2013 vẫn... chưa xong. Giám đốc một DN tại Bình Phước nói rằng suốt hơn hai năm qua “ngủ không yên giấc” vì cứ lâu lâu phải tiếp một đoàn thanh tra đến làm việc.
Chủ tịch Hội DN trẻ tỉnh Bình Phước Vũ Mạnh Hùng bức xúc: “Từ năm 2009 đến nay, việc thanh tra DN tôi vẫn chưa kết thúc. Tỉnh cũng thanh tra, huyện cũng thanh tra, xã cũng thanh tra khiến DN gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình sản xuất, kinh doanh”.
Chính quyền địa phương “ra tay”
Tụt hạng PCI, chính quyền địa phương nhiều tỉnh thành phố đã vào cuộc với nhiều giải pháp khác nhau. Động thái mạnh mẽ nhất, đó là kỷ luật lãnh đạo nhũng nhiễu doanh nghiệp. Theo ông Nguyễn Lương Thành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh, tỉnh sẽ xử lý nghiêm những cá nhân, cơ quan, đơn vị và địa phương tùy tiện đặt ra các quy định trái pháp luật, thẩm quyền. Kiên quyết xử lý những hành vi kéo dài thời gian giải quyết hồ sơ, gây phiền hà, nhũng nhiễu, có thái độ cửa quyền, hống hách đối với nhân dân và doanh nghiệp.
Trong bối cảnh các DN đang khó khăn, họ rất cần sự hỗ trợ của chính quyền địa phương trong việc tiếp cận đất đai, thông tin minh bạch... (ảnh SGTT) |
Để giải quyết chi phí không chính thức, Bắc Ninh thực hiện công khai, minh bạch các chủ trương, chính sách, thủ tục hành chính và thực hiện tốt mô hình một cửa liên thông hiện đại ở cấp huyện, tỉnh, nhất là trong lĩnh vực đầu tư, xây dựng, đất đai, thuế và tài chính. Đối với cán bộ công chức cần trấn chỉnh thái độ làm việc, đạo đức nghề nghiệp, năng lực, nhận thức và kỹ năng đáp ứng nhu cầu công việc trong hướng dẫn, xử lý hồ sơ cho tập thể và cá nhân khi liên hệ công tác.
Lãnh đạo tỉnh này cũng chỉ đạo, hệ thống thanh tra các sở, ngành, huyện, thị cần thống nhất thanh tra DN mỗi năm một lần, trừ trường hợp thanh tra đột xuất khi DN có dấu hiệu vi phạm pháp luật hoặc theo chỉ đạo của các cấp thẩm quyền.
Đặc biệt, nếu sở, ngành, lãnh đạo địa phương nào để giảm điểm số thành phần trong bộ chỉ số PCI mà không có lý do thuyết phục, UBND tỉnh sẽ có hình thức xử lý kỷ luận nghiêm khắc, nhất là người đứng đầu.
Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam thì quyết tâm thực hiện tốt việc gắn trách nhiệm của người đứng đầu các ngành, các cấp trong việc cải thiện môi trường đầu tư; tăng cường tuyên truyền về chủ trương chính sách của tỉnh trong phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn mới, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, phát triển doanh nghiệp và đồng hành cùng doanh nghiệp; tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, nâng cao thái độ phục vụ, minh bạch tạo ra một bộ máy chính quyền “thân thiện, chuyên nghiệp” phục vụ người dân và DN.
Theo lãnh đạo địa phương, bên cạnh sự nỗ lực từ phía cơ quan chức năng, các doanh nghiệp cũng cần tự chủ và đưa ra những ý kiến đóng góp để cho địa phương có những thay đổi phù hợp và kịp thời.
Ông Đậu Anh Tuấn cho rằng, các địa phương cần nỗ lực nhiều hơn nữa trong việc tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi hấp dẫn cho các DN. Những cải cách của nhiều địa phương thời gian qua như giảm rào cản gia nhập thị trường, cải cách thủ tục hành chính... rất quan trọng nhưng chưa đủ. Các tỉnh thành phố cần hướng đến các nhóm cải cách “khó hơn”, liên quan nhiều đến thể chế như tiếp cận đất đai thuận tiện, hệ thống tư pháp minh bạch ít tham nhũng, nguồn lao động dồi dào.
Bắc Ninh nỗ lực tăng hạng chỉ số PCI Theo kết quả khảo sát PCI năm 2012, Bắc Ninh xuống hạng xếp thứ 10/63 tỉnh, thành phố. Mặc dù vậy, tỉnh vẫn dẫn đầu khu vực Đồng bằng sông Hồng và khu vực kinh tế trọng điểm Bắc Bộ về môi trường kinh doanh. Đây cũng là tỉnh duy nhất thuộc vùng Đồng bằng sông Hồng nằm trong nhóm 10 tỉnh tốt nhất; tỉnh xếp thứ 2 của miền Bắc, chỉ sau Lào Cai. Bắc Ninh phấn đấu duy trì và cải thiện chỉ số xếp hạng PCI của tỉnh năm 2013 ở nhóm 10 tỉnh có chỉ số PCI tốt nhất, hướng đến đưa Bắc Ninh vào nhóm 5 tỉnh có chỉ số PCI tốt trong các năm tiếp theo. Về thu hút đầu tư nước ngoài, năm 2013, tỉnh đặt trọng tâm xây dựng lại danh mục kêu gọi đầu tư FDI theo hướng không dàn trải, tập trung vào một số ngành theo mục tiêu phát triển; xây dựng đề án về thu hút đầu tư có chọn lọc và hình thành các đối tác chiến lược trong thu hút đầu tư. |
Duy Anh