Từ Sài Gòn, chè khúc bạch nhanh chóng ra Hà Nội và tạo nên cơn sốt ẩm thực lớn nhất trong mùa hè này nhưng tín đồ của món ăn này vẫn canh cánh nỗi lo ung thư.

Sốt hầm hập

Từ tháng 5 tới nay, tại Hà Nội, món ăn được giới trẻ nhắc tới nhiều nhất chính là chè khúc bạch. Học sinh, sinh viên, dân văn phòng, hầu hết đều được bạn bè “rủ rê” đi thưởng thức món ăn không mới lạ nhưng mới sốt nóng này. Dù không có nhiều cửa hàng chuyên bán khúc bạch nhưng các quán chè, cửa hàng, quán café, thậm chí các cửa hàng cơm trưa văn phòng máy lạnh cũng đưa thêm khúc bạch vào thực đơn của mình.

Để thu hút sự chú ý của người đi đường, không ít cửa hàng còn cắt chữ Chè khúc bạch to nhất, nổi bật nhất, màu sắc đậm nhất dán lên biển hiệu.

Khúc bạch len lỏi tới khắp ngõ phố Hà Nội, thậm chí các gánh hàng rong cũng bán loại chè này. Nhưng tập trung nhất có lẽ chính là phố cổ như Hàng Bạc, Hàng Điếu,…, nơi thu hút được giới trẻ, dân văn phòng và những người ưa “chém gió”.

{keywords} 

Chính vì vậy, khúc bạch bước vào thế giới ảo với tốc độ nhanh chóng. Các diễn đàn nổi tiếng thi nhau bàn tán, những bài báo chia sẻ kinh nghiệm làm chè khúc bạch và các “phiên bản” khác nhau của món ăn này liên tục được cập nhật.

Dù có nhiều “phiên bản” khác nhau nhưng về cơ bản, khúc bạch thường làm từ gelatin, sữa tươi và dầu hạnh nhân. Nước chè nấu từ đường, cho thêm hạnh nhân cắt lát, dừa tươi, nhãn hoặc vải. Nhiều nơi còn cho thêm hạt é, một loại hạt của cây húng quế hay cây rau é. Hạt é có chức năng giải nhiệt rất tốt.

Không phải món ăn xa xỉ nhưng so với các loại chè khác, khúc bạch có mức giá tương đối cao, từ 20.000 đồng/bát trở lên. Trong khi các loại chè khác được bán khoảng 12.000 đồng tới 20.000 đồng/cốc.

Dạo qua phố cổ vào khoảng 14h chiều, thời điểm không phải “giờ hoàng đạo” của giới trẻ, phóng viên vẫn thấy không khí khá tấp nập. Tại các quán chè nhỏ, hơn 10 khách hàng ngồi thưởng thức, trong đó, hầu hết đều là ăn khúc bạch.

Chị Lê (Hàng Bông - Hà Nội) cho biết: “Giờ này vắng vẻ đấy chị ạ. Vào chiều tối, khách ngồi kín phòng, tràn ra cả vỉa hè. Bình thường, các quán ở đây đã rất đông, nay lại thêm cơn sốc khúc bạch, quán có khi đuổi khách không hết”.

{keywords}
Tại nhiều quán chè, khúc bạch bán chạy nhất 

“Làm sao mà cô dám đuổi khách chứ. Quán của cô lúc nào cũng đông. Họ ăn nhiều loại chè. Nhưng đúng là đợt này, khúc bạch vẫn bán chạy nhất. Nhà cô phải đóng sẵn rất nhiều hộp để khách hàng mua mang về có thể đi ngay không thì tắc đường” - Cô chủ của một quán chè trên phố Hàng Bạc chia sẻ.

Đúng như lời cô nói, trên kệ, lúc nào cũng có trên 20 hộp chè đóng sẵn để chờ khách mang về. Đó là thời điểm vắng khác. Còn khi đông khách, cô cũng chẳng biết hộp dự trữ là bao nhiêu nữa.

Hiệu ứng truyền miệng?

Khi được hỏi vì sao chè khúc bạch lại sốt như vậy, cô chủ quán giải thích khúc bạch giải nhiệt rất tốt, ngon miệng, miếng khúc bạch giòn, giai, rất hợp khẩu vị với giới trẻ. Trong thời tiết mùa hè nóng bức như hiện nay, chẳng có gì thú vị hơn một cốc chè mát lạnh, hấp dẫn.

Nhưng cô chốt lại một câu khiến khách hàng ngạc nhiên: “Các ưu điểm này nhiều loại chè khác cũng có, đâu chỉ mỗi mình khúc bạch. Thấy nhiều người hỏi mua thì cô bán, chứ thật lòng, cô thấy chè cũng… bình thường thôi”.

Đồng quan điểm với cô, chị Phương, một vị khách đang ngồi trong quán cho rằng khúc bạch cũng ngon, mát, dễ chịu nhưng thực sự không nổi bật so với nhiều loại chè bình dân, giá chỉ 12.000 đồng/cốc mà chị hay ăn.

“Thấy dư luận xôn xao về khúc bạch, tôi tò mò từ lâu lắm rồi. Hôm nay ba chị em cùng phòng có việc ra ngoài nên tranh thủ ăn thử xem thế nào. Nói thật, tôi hơi thất vọng. Thất vọng không phải vì chè không ngon mà vì tôi thấy độ ngon của nó chưa đủ để tạo nên cơn sốt như vậy”.

Hai người bạn đi cùng chị Phương cũng đưa ra nhận xét như vậy. Và khi được hỏi liệu có muốn ăn khúc bạch lần thứ hai không, cả nhóm chị Phương đều cho rằng đây là món ăn đáng để thưởng thức lại dù nó không đáng để nổi tiếng như vậy.

Dường như, rất nhiều khách tìm đến khúc bạch vì tò mò, vì độ nóng mà nó đang tạo nên trong giới trẻ.

{keywords}

Công nghệ sản xuất gelatin độc hại tại Trung Quốc khiến không ít người lo ngại khi ăn thực phẩm có gelatin

Lo ngay ngáy về gelatin

Khúc bạch được làm từ nhiều nguyên liệu khác nhau nhưng nguyên liệu quan trọng nhất để tạo nên “linh hồn” của món ăn này chính là gelatin. Gelatin là một chất rắn không màu, không vị, trong mờ, giòn (khi để khô), làm từ collagen lấy trong da lợn và xương gia súc. Nó thường được dùng làm chất làm đông trong thực phẩm, dược phẩm.

Cách đây khoảng 1 năm, dư luận quốc tế xôn xao về vụ sản xuất gelatin tại Trung Quốc. Báo chí ngày ấy đưa tin phần lớn gelatin công nghiệp ở Trung Quốc được sản xuất tại các lò thuộc da lậu. Tùy theo phương pháp chiết xuất và nguyên liệu đầu vào, gelatin có thể ăn được hoặc trở thành chất độc hại, có thể gây ung thư.

Phóng viên Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) đã quay được quy trình sản xuất gelatin công nghiệp tại một số lò thuộc da. Đầu tiên, người ta ngâm da phế liệu trong nước vôi từ 3 đến 4 giờ rồi cho vào máy làm sạch và lại ngâm trong bồn nước lớn từ 3 đến 5 ngày. Sau đó vớt da mang đi phơi. Cuối cùng thành phẩm được nấu thành gelatin. Mọi thứ đều diễn ra trong môi trường vô cùng bẩn thỉu.

“Khi nhớ lại scandal gelatin năm 2012, tôi cũng thấy rùng mình. Nếu tự làm, nhiều chị em mua gelatin của Pháp, Mỹ với giá hơi cao một chút nhưng quán chè chắc chắn họ không đầu tư nhiều tơi vậy đâu. Chẳng ai có thể đảm bảo gelatin mà họ sử dụng đều là gelatin sạch. Bao nhiêu vụ thực phẩm bẩn bị phanh phui rồi nên tôi cũng hơi lo ngại khi ăn thức ăn đường phố nói chung, chứ không riêng gì chè khúc bạch” - chị Lê bày tỏ sự lo lắng với món khoái khẩu mới.

(Theo VTC)