Chỉ tính riêng trong 4 tháng đầu năm 2013, giá trị các mặt hàng nằm trong nhóm hạn chế nhập khẩu có mặt tại Việt Nam đã lên tới hơn 1,6 tỷ USD.
Kinh tế khó khăn vẫn "ham" xài sang
Mặc dù tình hình kinh tế những năm gần đây, đặc biệt là 2013, được đánh giá là vô cùng khó khăn nhưng thói quen chi tiêu cho các mặt hàng xa xỉ của người Việt vẫn tăng đều đặn.
Theo số liệu của Bộ Công thương, trong 4 tháng đầu năm 2013, Việt Nam đã chi ra tới hơn 1,6 tỉ USD dành cho việc nhập khẩu các mặt hàng như ôtô, thuốc lá, rượu bia và đặc biệt là điện thoại di động.
Con số trên sẽ đáng "giật mình" hơn khi nếu biết nó đã tăng tới 17,5% so với cùng kỳ năm ngoái mặc dù năm nay tình hình tài chính bi đát hơn nhiều. Bên cạnh đó việc nhập khẩu các mặt hàng này cũng góp phần không nhỏ làm tăng tỷ lệ nhập siêu trong 4 tháng đầu năm khi khiến tổng giá trị nhập khẩu nâng lên tới 40,2 tỉ USD, còn xuất khẩu chỉ đạt 39,5 tỉ USD.
Trong số các mặt hàng xa xỉ, mặc dù ôtô nguyên chiếc dưới 9 chỗ và xe máy nguyên chiếc đều có tỷ lệ nhập khẩu giảm so với cùng kỳ năm ngoái nhưng điện thoại di động lại đã vươn lên đứng đầu khi tăng đột biến hơn 22% và "ngốn" tới 239 triệu USD trong 4 tháng đầu năm 2013.
Nhưng con số 239 triệu USD trên chưa phản ánh đúng số tiền mà người Việt bỏ ra để nhập khẩu điện thoại nguyên chiếc bởi, ngoài việc mang về theo đường chính ngạch qua hải quan thì vẫn còn một số lượng không nhỏ được tuồn qua đường xách tay hoặc buôn lậu.
Mặc dù vậy, các số liệu thống kê cũng phần nào cho thấy thói quen xài sang của người Việt trong năm 2013 dần chuyển sang các loại điện thoại cao cấp thay vì ôtô như những năm trước.
Quan sát thị trường điện thoại tại Việt Nam có thể dễ dàng nhận thấy, các mẫu máy dù mới ra mắt trên thế giới nhưng đã ngay lập tức xuất hiện tại Việt Nam.
Với mức giá đội lên hàng triệu đồng, tiêu biểu như iPhone 5 đợt mới có hàng xách tay đã lên tới hơn 30 triệu đồng, nhưng nhìn chung các loại điện thoại cao cấp này đều được tiêu thụ nhanh tới chóng mặt.
Không chỉ có thế, các thương hiệu điện thoại siêu sang trên thế giới cũng góp mặt khá nhiều tại Việt Nam.
Có thể kể đến các cái tên như Vertu, Mobiado hay Tag Heuer ... với những sản phẩm rẻ nhất cũng từ 2.000 USD, còn cao thì có thể lên tới hàng triệu USD. Việc những tên tuổi này thiết lập hệ cửa hàng đại diện tại Việt Nam cho thấy, nhu cầu xài sang của người Việt vẫn còn rất lớn.
Thậm chí, ngay tại buổi lễ ra mắt sản phẩm mới hồi đầu năm 2013 của hãng điện thoại siêu sang Tag Heuer, ông Serge Simon, tổng giám đốc của thương hiệu này còn không ngại ngần cho biết, hiện Việt Nam đang là thị trường hấp dẫn cho các hãng điện thoại hạng sang, cho dù nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn.
Xài điện thoại là phải... chạy đua
Muốn có ví dụ rõ nét về thói quen hoang phí khi sử dụng điện thoại của người Việt, chỉ cần đến các quán trà chanh hoặc cafe dành cho tuổi teen, tại những nơi này có thể chiêm ngưỡng được đủ loại điện thoại từ đắt tiền cho đến những mẫu máy mới ra trên thị trường.
Mặc dù không xuất hiện những loại điện thoại có giá trị hàng trăm triệu đồng nhưng tại nơi mà phần lớn các bạn trẻ này hầu hết đều là những người chưa có thu nhập hoặc đang phụ thuộc tài chính vào bố mẹ thì những mẫu điện thoại có giá từ 20 triệu trở xuống vẫn chiếm số đông.
Một ví dụ khác là Khánh có tuổi đời khá trẻ, hiện là nhân viên của một công ty tư nhân, người này không chỉ sở hữu iPhone 5 mà bên cạnh đó còn là những mẫu máy mới như HTC One và Galaxy S4.
Lý giải về số lượng điện thoại có giá trị lên tới gần 50 triệu đồng trên, Khánh cho biết mình có sở thích về công nghệ, mẫu máy mới ra không mua thì không chịu được, dù có phải tiết kiệm, nhịn ăn tiêu mấy tháng cũng đành cố. Mặc dù về sau, chính Khánh cũng thú nhận mình chả mấy khi tận dụng hết các chức năng tiện lợi của những chiếc máy trên.
Theo ý kiến của các chuyên gia kinh tế, thói quen vung tay cho các loại điện thoại đắt tiền của người Việt, trong tức thời có thể có tác dụng tốt khi kích thích tiêu dùng của thị trường. Nhưng trong giai đoạn kinh tế khó khăn hiện nay, thói quen này không chỉ thúc đẩy tư tưởng "sùng ngoại", khiến các thương hiệu điện thoại trong nước khó tiêu thụ hơn mà còn khiến nền kinh tế thêm phần khó khăn khi tỷ lệ nhập siêu gia tăng.
(Theo Thanhnien)