Tại TP.HCM, thị trường tiêu thụ sản phẩm gia cầm lớn nhất khu vực phía Nam, lại tồn tại thực trạng đáng báo động là trứng gia cầm chưa qua kiểm dịch bày bán tràn lan. Cơ quan thú y TP không thể kiểm soát được tình trạng vi phạm này.

Ra ngõ gặp trứng bẩn

Do bận việc, chị Hoàng, nhà đường Bùi Văn Ba, Q.7, tranh thủ chạy ra sạp rau trước cổng chợ tạm Bùi Văn Ba mua chục trứng gà thương hiệu Thanh Tùng, địa chỉ đóng gói ở P.Tân Kiểng, Q.7. Chiều đi làm về, chị lấy hộp trứng ra định làm món trứng rán nhưng đập đến quả thứ tư vẫn bị ung thối.

Mỗi sáng, trước cổng chợ Bùi Văn Ba, chợ Tân Thuận và nhiều con hẻm ở các P.Tân Thuận Đông, Tân Thuận Tây, Bình Thuận (Q.7) có rất đông người bán trứng dạo. Bà Chờ, một người bán trứng dạo ở P.Bình Thuận nói, trung bình mỗi ngày hai vợ chồng bà bán hết 3.000 quả trứng có đóng hộp mang thương hiệu Vĩnh Thành và Thanh Tùng. Hộp trứng của bà Chờ có thương hiệu, được giới thiệu có giấy kiểm dịch của thú y, nhưng khi nhặt từng quả ra mới thấy giật mình. Trứng còn dính nguyên phân gà, phân vịt, lông, thậm chí có hộp trứng bị vỡ bốc mùi hôi thối.

{keywords}

Tại các quận nội thành như chợ Thái Bình (Q.1), chợ Q.4, chợ Q.5… cũng bày bán trứng gia cầm thậm chí còn chưa đóng hộp, bán thành mớ trong chậu nhựa, cần xé. Ngay sát bên hông chợ Q.4 có tới bốn, năm sạp bán trứng không đạt tiêu chuẩn nhưng lực lượng quản lý thị trường đứng tụm ba tụm bảy kế bên không hề phản ứng. Thấy chúng tôi tỏ vẻ e ngại dịch cúm, người bán dùng tay bốc một mớ trứng lên xởi lởi: “Toàn trứng gà ta, người nhà dưới quê nuôi bằng thóc, gạo, làm gì có vi rút vi riếc gì mà sợ”.

Tại chợ trứng Phú Hữu (Q.5), là chợ bán sỉ trứng lớn nhất ở TP.HCM, dù đang có dịch cúm gia cầm, nhưng hoạt động buôn bán trứng ở đây vẫn nhộn nhịp, thậm chí có sạp còn đóng hộp ngay trên… vỉa hè. Cứ thế, trứng không hề được xử lý, không qua một khâu kiểm dịch nào. Đáng nói là nguồn trứng này sẽ theo những chiếc xe đẩy, xe đạp đi khắp thành phố.

Bà Chờ cùng chồng thuê căn phòng trọ chừng 10m2, nằm sâu trong một con hẻm ở P.Bình Thuận, dùng làm nơi ở và đóng hộp trứng. Nguồn trứng bà Chờ lấy từ hai đại lý là Vĩnh Thành (Q.5) và Thanh Tùng (Q.7). Trung bình, mỗi ngày hai cơ sở này cung cấp khoảng trên dưới 3.000 quả dưới dạng hàng cây và giao luôn nhãn mang thương hiệu của mình cho bà tự đóng hộp. Qua quan sát, sau khi nhận trứng từ xe tải chở đến khoảng 12g trưa, đến 14g vợ chồng bà Chờ bắt đầu công việc nhặt từng quả trứng chưa qua xử lý, kiểm dịch, còn nguyên phân dơ bẩn cho vào hộp. Bà Chờ là người bán lẻ, không có giấy phép kinh doanh, không được tự đóng hộp mà chỉ được bán trứng đã đóng hộp từ các cơ sở đủ điều kiện. “Ôi, sợ gì chứ, tui làm mười mấy năm mà có thấy ông thú y nào tới hỏi han gì đâu”, bà Chờ khẳng định.

Thú y bất lực?

TP.HCM đang tồn tại khoảng 70 cơ sở trứng cấp một, hàng trăm cơ sở cấp hai. Mỗi đầu mối kinh doanh trứng đều có thương hiệu riêng của mình. Theo quy định của cơ quan thú y thì hầu hết các cơ sở này đều không đủ điều kiện kinh doanh, nhưng vì nhiều lý do nên vẫn cứ tồn tại. Giới kinh doanh trứng gia cầm nhỏ lẻ tiết lộ, mỗi cơ sở kinh doanh như vậy thường có lãnh địa riêng. Họ giao hàng cây, nhãn mác cho đội quân bán lẻ tự đóng gói mà không hề bị thú y kiểm tra, nhắc nhở bởi đã được bảo kê. “Làm nghề gì ăn nghề đó, nếu chủ cơ sở không biết điều với thú y, quản lý thị trường thì làm sao chúng tôi có thể làm được” - bà Chờ buột miệng. Không rõ thực hư việc “bao” lãnh địa như thế nào, nhưng rõ ràng ở khu vực Q.7, Q.4 chỉ thấy xuất hiện một số thương hiệu trứng như Chín Thu, Thanh Tùng, Vĩnh Thành. Xuống xa hơn nữa là khu vực huyện Nhà Bè có Mười Phiên, Đức Lộc… Người bán lẻ khẳng định, nếu có một thương hiệu nào ở quận khác lấn sân, chắc chắn thú y, quản lý thị trường sẽ không để yên!

Theo quy định của cơ quan thú y, những người bán trứng dạo về nguyên tắc không được phép tự đóng hộp. Tuy nhiên, họ vẫn phải lệ thuộc vào nguồn trứng nguyên liệu của các cơ sở cấp một, cấp hai như Vĩnh Thành hay Thanh Tùng. Nếu họ tự tiện xuống tận trại lấy trứng về đóng hộp sẽ không thể tồn tại được. Một người bán trứng dạo giải thích: đại lý có trong tay giấy phép kinh doanh, họ lấy trứng từ trại, giao cho mình ăn chênh lệch giá, không cần xử lý, nhưng nếu mình tự xuống tỉnh lấy về bán thì chúng nó (đại lý) báo cơ quan thú y vào hốt sạch.

Ông Phan Xuân Thảo, Chi cục trưởng Chi cục Thú y TP thừa nhận đang xảy ra tình trạng kinh doanh trứng gia cầm không đảm bảo điều kiện vệ sinh thú y trên địa bàn TP. Hiện thành phố có hơn 70 cơ sở kinh doanh trứng cấp một và hơn 100 đại lý cấp hai, cấp ba, cung cấp khoảng 50% số lượng mỗi ngày (khoảng hai triệu quả). Hầu hết các cơ sở này không đáp ứng các điều kiện như: phải ở cách biệt khu dân cư và các nguồn gây ô nhiễm, nguồn điện nước ổn định, đảm bảo xử lý chất thải, kho bảo quản, xử lý và chế biến đóng gói… Theo ông Thảo, vừa qua Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã soạn thảo thông tư quy định điều kiện kinh doanh trứng gia cầm, nếu không có gì thay đổi, sẽ được ban hành và có hiệu lực trước ngày 1/7.

“TP ủng hộ chủ trương sắp xếp lại các cơ sở kinh doanh trứng gia cầm. Phải đưa các cơ sở trong nội thành ra xa khu dân cư, định hình lại các quy định ràng buộc để loại bỏ hẳn tình trạng bán trứng chưa qua kiểm dịch, mất vệ sinh thú y, vệ sinh an toàn thực phẩm. Việc sắp xếp nhằm tạo ra môi trường kinh doanh lành mạnh” - ông Thảo nói.

Chi cục Thú y TP cũng cho biết, những trường hợp bán trứng chưa vào hộp, người bán lẻ tự lấy trứng về đóng gói là sai quy định và số trứng này chưa qua kiểm dịch, xử lý nên có nhiều nguy cơ lây nhiễm cúm, mất an toàn. “Chúng tôi sẽ cho kiểm tra và có biện pháp xử lý đội ngũ thú y khu vực Q.7, Q.4, Q.5 và các cơ sở kinh doanh tiếp tay cho vi phạm” - ông Thảo khẳng định.

(Theo phunuonline)