Sự cố mất điện toàn miền Nam gây thiệt hại lớn nhưng liệu đây có phải là sự cố bất khả kháng và không có phương án nào phòng ngừa?

Trao đổi với báo chí về sự cố dây 500KV gây cúp điện toàn miền Nam, ông Vũ Ngọc Minh, Phó Tổng Giám đốc Tổng Cty Truyền tải Điện Quốc gia (EVN-NPT) cho biết, vì sự cố bất khả kháng nên đã gây thiệt hại rất lớn về kinh tế.

Trên thực tế, sự cố tương tự cũng đã từng xảy ra ở đường dây 220kV. Với đường dây 500kV đây là lần đầu tiên xảy ra. Chỉ cần khoảng cách khoảng 4m là đã xảy ra phóng điện, gây mất điện.

Đường dây 500 kV trước đây cũng từng gặp sự cố. Cụ thể là lúc 7 giờ 26 ngày 4.10.2012, các tổ máy của Nhà máy điện Cà Mau 2 (công suất 750 MW) đang vận hành đã đột ngột ngừng do sự cố bên trong nhà máy. Sự cố này đã khiến hệ thống điện dao động mạnh và gây nhảy 2 đường dây 500 kV Đắk Nông - Phú Lâm và Di Linh - Tân Định, hệ thống điện miền Nam vận hành độc lập, tần số sụt giảm. Để tránh rã lưới hệ thống điện khu vực miền Nam, các rơ le bảo vệ được chỉnh định tự động đã sa thải phụ tải gây mất điện ở một số nơi thuộc khu vực miền Nam như: Đồng Nai, TP.HCM, Vũng Tàu, An Giang, Long An…

{keywords}

Về quy trình xử lý sau khi xảy ra sự cố, các chuyên gia EVN cho biết, để khắc phục sự cố, Trung tâm Điều độ Hệ thống Điện Quốc gia phải xử lý theo quy trình. Do đó, việc đóng điện phải đóng dần dần chứ không đóng được cùng một lúc. Ngay sau khi sự cố xảy ra, đã khôi phục và đóng điện được; tuy nhiên để đóng điện hoàn toàn cần có thời gian và phụ thuộc thao tác trên lưới.

Những rủi ro của đường dây 500 KV

Theo ông Vũ Ngọc Minh, thực tế, đường dây 500kV rất là quan trọng, đặc biệt là việc cung cấp điện vào mùa khô cho khu vực phía Nam. Đường dây 500kV kéo dài từ Nho Quan (Ninh Bình) đến Hà Tĩnh, từ Hà Tĩnh đến Đà Nẵng và từ Đà Nẵng vào các tỉnh miền Nam. Vì là đường độc đạo nên lúc nào cũng trong tình trạng quá tải. Do đó, để hạn chế sự cố chủ quan, Tổng Cty đã giao cho các đơn vị đi kiểm tra từng khu vực, từng vị trí cột; thậm chí soi cả việc phát nhiệt để tránh sự cố chủ quan gây ra. Tuy nhiên, sự cố xảy ra là khách quan, bất khả kháng nên đã gây hậu quả khôn lường.

Theo ông Trần Quốc Lẫm, Phó tổng giám đốc Tổng công ty truyền tải điện quốc gia (EVN NPT): “Về mặt nguyên tắc, ngành điện khi cắt điện phải báo trước 1 tuần, nếu không báo trước sẽ phải đền bù thiệt hại cho khách hàng, nhưng đây là sự cố bất khả kháng nên không thể báo trước, chỉ mong khách hàng thông cảm”, ông Lẫm nói.

Trong khi đó, trao đổi với báo chí, một cán bộ EVN HCMC nói: đây là sự cố bất khả kháng đặc biệt nên ngành điện không thể có phương án phòng ngừa.

Ông Trần Quốc Lẫm cũng cho hay, hiện tại mạng lưới truyền tải điện cả nước phụ thuộc chính vào 2 đường truyền 500 kV mạch 1, mạch 2 truyền tải điện từ bắc vào nam. Ngoại trừ các trường hợp sự cố xảy ra, 2 đường dây này đảm bảo cung ứng điện ổn định. EVN NPT đang triển khai thêm 1 đường truyền 500 kV mạch 3 từ miền Trung vào miền Nam, dự kiến cuối năm 2013 sẽ đi vào hoạt động.

“Hiện tại, trường hợp sự cố xảy ra trên 1 đường dây 500 kV thì đường dây còn lại không thể gánh được”, ông Lẫm nói. Theo ông, khi đường truyền 500 kV mạch 3 đi vào hoạt động sẽ đảm bảo cung cấp ổn định hơn cho hệ thống điện cả nước.

Ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng VN cho biết, về lâu dài, khi các nhà máy nhiệt điện chạy than miền Bắc, miền Trung hoàn thành, sẽ hình thành hệ thống mạch vòng (các nhà máy phát điện được đấu nối lên đường dây 500 kV, liên kết bằng mạch vòng), khi ấy truyền tải điện sẽ giảm gánh nặng do không phải truyền tải thẳng.

Thế nhưng, trước khi hệ hống mạch vòng có thể triển khai, việc mạng lưới điện quốc gia phụ thuộc lớn vào đường dây 500 kV để truyền tải điện từ miền Bắc vào miền Nam tiềm ẩn nguy cơ rủi ro cao khi 1 trong 2 đường dây, thậm chí cả 2 đường dây gặp sự cố. Nhất là khi ngành điện đang thiếu khả năng phòng ngừa, giảm thiểu các sự cố tương tự vừa qua.

Rất dễ xảy ra vi phạm

Trở lại với sự cố lần này, theo luật Điện lực VN và Nghị định hướng dẫn về bảo vệ an toàn công trình lưới điện cao áp, khoảng cách tối thiểu từ dây dẫn điện đến điểm gần nhất của thiết bị, dụng cụ, phương tiện làm việc trong hành lang bảo vệ an toàn công trình lưới điện cao áp với đường dây 500 kV là 8 m. Ngoài ra, khoảng cách từ độ võng thấp nhất của đường dây 500 kV đến điểm cao nhất của phương tiện giao thông đường bộ (4,5 m) phải cách 5,5 m mới đảm bảo an toàn.

Tuy nhiên, ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng VN, cho rằng với ý thức kém và thiếu hiểu biết về các quy định trên nên rất dễ xảy ra các trường hợp vi phạm hành lang an toàn điện, dẫn đến các sự cố trên đường dây 500 kV cũng như các đường dây khác. “Nếu cần cẩu cách đường dây chỉ 5 m là có thể xảy ra phóng điện tại chỗ, đứt dây, vì điện trường tỏa ra của đường dây 500 kV rất mạnh”, ông Ngãi nói.

Hiện chưa cơ quan nào có thể đưa ra đánh giá thiệt hại chung do sự cố mất điện này gây ra. EVN cho biết do sự cố đang trong quá trình khắc phục nên chưa tính toán được thiệt hại về mặt kinh tế. Riêng với ngành điện thì căn cứ trên lượng điện phát bị mất mà EVN công bố (9.400 MW), ước tính sơ bộ thiệt hại gần 14 tỉ đồng.

PV (TH)