Theo các nhà khoa học, không bao giờ tồn tại một kho trầm trong tự nhiên. Trầm ở Việt Nam rất hiếm, trong khi làm trầm giả rất dễ.
Trầm sẽ mục nát trong 5 năm
Ngày 7/5, tại khu vực Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng (huyện Bố Trạch, Quảng Bình) lại rộ tin hai người dân ở thôn Trằm Mé, xã Sơn Trạch đi rừng đã "đạp trúng" một kho trầm ở khu vực Sa Lu trong Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng đã chết rục.
Một thương lái trong vùng nói, người được cho là trúng kho trầm đã ra điều kiện nếu chồng đủ 100 tỷ đồng thì cho xem một nửa hàng. Ông này gọi những người bạn lái trầm khác đến góp vốn được 50 tỷ đồng mang đến, nhưng ông này cương quyết không cho xem. Nhiều người trong vùng nghe tin có người trúng trầm trăm tỷ cũng đã kéo nhau vào khu vực Vườn Quốc gia Phong Nha để mót trầm. Nhiều nguồn tin cho biết, những người này cũng đã mót được một lượng trầm khá lớn, bán được mấy chục triệu đồng.
Theo GS Phan Trường Thị, Viện trưởng Viện Đá quý Trang sức, không bao giờ tồn tại một kho trầm trong tự nhiên. Số tiền người dân này bán trầm càng khó để khẳng định phần trăm thực tế. Cây trầm mọc trong tự nhiên giống như nhiều loài cây khác. Hình dáng của chúng to vừa phải, tầm như cây dung, cây phượng, chứ gần như không có cây nào to như cây đa cổ thụ. Không ai tích trầm trong lòng đất cả. Trầm có 2 giá trị. Vỏ thì sử dụng làm nguyên liệu của hương đốt. Gỗ có thể sử dụng để ốp tường trong những khách sạn sang trọng, những biệt thự của người có nhiều tiền hoặc làm quan tài cho vua quan ngày trước do nó tỏa ra mùi thơm vĩnh viễn.
Một mẩu trầm do phu trầm xứ Quảng tìm được. |
Việc người nông dân tìm được trầm ở Phong Nha - Kẻ Bàng có thể do đây là nơi cất giấu trầm của ai đó. Tuy nhiên, trầm là một loại gỗ thông thường, nếu để trong lòng đất thì sau 5 năm là nó sẽ mục nát. Tối đa nhất là 10 năm. Để trầm không mục nát thì người ta có những kỹ thuật rất đặc biệt như để trong nhiều lớp đất sét.
Trầm giả bay hương sau thời gian ngắn
Ở Việt Nam, cây trầm phân bố chủ yếu ở những cánh rừng miền Tây hoặc miền Trung phía giáp Lào. Đây là những nơi chưa chịu sự tác động của con người. Vùng Phong Nha - Kẻ Bàng ở trên những dãy núi cao cũng có thể tồn tại trầm tự nhiên. Kho cất giữ trầm này có thể do ai đó khai thác và giấu vào, vì đây là vùng có nhiều núi đá, hang hốc. Tuy nhiên, số lượng cây còn trong tự nhiên cũng rất hiếm. Những câu chuyện ly kỳ về những người đi tìm trầm dù có được thêu dệt thì cũng đầy gian nan thử thách. Người tìm trầm có thể dựa vào hình dáng lá, mùi của vỏ cây để phát hiện ra cây trầm khi chúng sống trong rừng. Tuy nhiên, do số lượng rất hiếm nên việc tìm ra cây trầm trong tự nhiên là vô cùng khó khăn.
GS Phan Trường Thị cho biết, khoa học hiện nay đã có thể làm ra hương liệu có mùi giống hệt gỗ trầm. Tuy nhiên, độ bền của mùi thì không thể bằng gỗ trầm tự nhiên được. Ngoài ra, có một số nơi họ cũng sản xuất bột trầm bằng cách nghiền một ít trầm thật trộn lẫn với gỗ và hương liệu khác. Tuy nhiên, chỉ trong một thời gian ngắn, mùi hương sẽ không còn. Thậm chí có người còn ướp mùi hương trầm vào gỗ thông thường nhằm bán hàng để trục lợi. Người có nhu cầu mua trầm cũng rất dễ bị mắc lừa bởi việc phân biệt gỗ trầm thật và gỗ trầm giả là rất khó.
Đối với những sản phẩm gỗ trầm giả, dù có sơ chế, tẩm ướp kỳ công thế nào thì chỉ sau một thời gian ngắn là sẽ mất mùi trầm. Hơn nữa, mùi trầm hương liệu nếu ngửi gần sẽ xộc vào mũi giống như mùi hóa chất chứ không có mùi thơm thoang thoảng.
Theo ông Nguyễn Hoài Nam, Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm Trộ Mợơng (Hạt Kiểm lâm Phong Nha - Kẻ Bàng) sau khi nhận được thông tin chỉ đạo từ lãnh đạo Hạt Kiểm lâm, trạm đã siết chặt công tác kiểm tra, kiểm soát tất cả các hoạt động của những ai đi qua khu vực quản lý của chốt, kể cả khách du lịch. Bên cạnh đó, phân công người trực ở các ngả ra vào rừng để phát hiện và ngăn chặn việc người dân kéo nhau vào rừng tìm trầm. |
(Theo Kiến Thức)