Đông dược nhập lậu không có nguồn gốc rõ ràng, lại được bảo quản bằng hóa chất độc hại, đó là thực trạng tại “thủ phủ” đông dược ở xã Ninh Hiệp (H.Gia Lâm, TP.Hà Nội).
Không chỉ nổi tiếng khắp cả nước bởi nghề buôn bán vải, từ nhiều đời nay Ninh Hiệp còn được biết đến như một trung tâm buôn bán và sơ chế đông dược được liệt vào hàng lớn nhất, nhì cả nước. Trước đây, dược liệu được trồng và thu mua chủ yếu ở vùng chùa Hương, chùa Thầy, Lào Cai, Yên Bái, Thái Nguyên… Còn bây giờ, hầu hết chúng được nhập về từ Trung Quốc (TQ).
Từ khi dân mình ồ ạt nhập nguyên liệu thuốc đông y, họ (Trung Quốc - PV) cũng đã dùng nhiều loại thuốc hóa học để kích thích cây dược liệu tăng trưởng nhanh... Do vậy, việc tồn dư các loại chất hóa độc hại trên chính những cây dược liệu là điều không tránh khỏi
Sản xuất nhưng không dám dùng !
Trong vai một người đi tìm mua cây thuốc đông y thô (chưa qua sơ chế), tôi được Sơn (người xã Yên Thường, H.Gia Lâm, Hà Nội), một tài xế xe tải chuyên chở mặt hàng này, dẫn về Ninh Hiệp. Sơn cho biết, cứ độ vài ba ngày, anh cùng chủ hàng đánh xe lên cửa khẩu thuộc tỉnh Lạng Sơn để chở vài tấn thuốc về làng. “Ở Ninh Hiệp hiện có khoảng 300 hộ kinh doanh, chế biến dược liệu và mỗi tháng nguyên liệu đông dược nhập về không dưới 500 tấn”, Sơn khẳng định.
Tại nhà ông Nguyễn Văn T. (ở xóm 8, xã Ninh Hiệp), chúng tôi thấy các loại dược liệu vừa nhập về chất cao tới gần trần nhà. Ngoài ngõ, cả chục nhân công tất bật đứng ngồi sơ chế nguyên liệu. Nghề sơ chế, kinh doanh đông dược được lưu truyền trong gia đình ông T. đã tới đời thứ tư. Theo ông T., hiện nhu cầu sử dụng đông dược rất lớn, trong khi diện tích đất dành cho trồng cây thuốc bị thu hẹp đáng kể, nên hầu hết nguyên liệu làm đông dược đều nhập từ TQ.
Thậm chí, một số vị thuốc truyền thống của nước ta như thục địa, hoài sơn, sinh địa… hiện cũng nhập từ TQ. Tuy nhiên, ông T. thừa nhận chính những người làm thuốc như gia đình ông và nhiều hộ khác trong làng cũng không dám dùng một số vị dược liệu để ngâm rượu hay bồi bổ cơ thể được nhập từ TQ, bởi họ không dám chắc những vị thuốc này liệu có an toàn!
“Theo thông tin tôi nắm được từ mấy lần sang tận bên kia để thiết lập mối quan hệ thì từ khi dân mình ồ ạt nhập nguyên liệu thuốc đông y, họ cũng đã dùng nhiều loại thuốc hóa học để kích thích cây dược liệu tăng trưởng nhanh. Ngay sau khi thu hoạch, các thương lái tập trung thu mua rồi xuất qua VN. Do vậy, việc tồn dư các loại chất hóa độc hại trên chính những cây dược liệu là điều không tránh khỏi”, ông T. tiết lộ.
Tại một cơ sở chế biến dược liệu có tiếng nằm ngay đầu xóm 8, tôi được biết để tìm được những lô nguyên liệu làm thuốc đông dược thuộc loại 1, loại 2 là rất khó. Thay vào đó, các loại cây dược liệu nhập về từ TQ phần lớn là loại 3, loại 4. “Đó là những cây dược liệu non, chưa sinh trưởng đủ ngày để đạt chất lượng nhưng đã cho thu hoạch. Vì vậy khi xuất đi, bên kia họ đã tẩm ướp hương liệu để tránh bị phát hiện”, chủ cơ sở này cho hay. Vẫn theo chủ cơ sở này, trước khi xuất qua biên giới, những hoạt chất quý trong dược liệu đã bị chiết xuất hết. Không những thế, họ còn trà trộn lẫn những dược liệu giả, đặc biệt với những dược liệu quý hiếm như nhân sâm, đông trùng hạ thảo…
Dùng lưu huỳnh chống ẩm mốcSau khi sơ chế, thái lát, người dân sẽ cho phơi khô số nguyên liệu ở bất cứ nơi đâu: ven đường làng, quốc lộ đầy bụi đường, khói xe, hay ven mương nước thải đen ngòm của nhà văn hóa xóm. Tất cả những khoảng không đều được tận dụng, bất chấp tình trạng ô nhiễm bụi bẩn. Khi được hỏi về tình trạng trên, chủ một cơ sở thừa nhận: “Đúng là không vệ sinh, nhưng sau đó thuốc còn phải qua công đoạn xông khô nên chắc vi khuẩn sẽ chết hết!”.
Đáng lưu ý, việc sử dụng lưu huỳnh để sao chế, xông khô, bảo quản đông dược ở Ninh Hiệp đã trở nên rất phổ biến. Chủ một cơ sở kinh doanh đông dược có tiếng ở Ninh Hiệp (đề nghị không nêu tên), tiết lộ nếu chỉ dùng một liều lượng nhỏ lưu huỳnh, các vị thuốc bảo quản được từ 4 - 5 tháng. Nhưng nếu dùng với liều lượng lớn, thuốc để được vài năm mà không bị nấm mốc. “Một cân dược liệu quý có giá vài triệu, trong khi một cân lưu huỳnh chỉ 5.000 đồng. Như thế liệu có chủ cơ sở nào không xông khô quá liều lưu huỳnh để bảo quản dược liệu được đôi năm”, ông chủ này nói.
Bà Nguyễn Thị Hoa, người dân sống ở xóm 8, bức xúc cho biết trong xã, bất cứ lúc nào, đi tới đâu cũng ngửi thấy mùi khói lưu huỳnh xông dược liệu. Do vậy, giờ không riêng gì bà mà nhiều cụ cao tuổi, trẻ nhỏ trong xã mỗi khi ra đường hít phải khói lưu huỳnh đều cảm thấy đau đầu và choáng váng. Các hộ dân đã nhiều lần kiến nghị lên xã về tình trạng ô nhiễm không khí do khói lưu huỳnh, nhưng tới nay vẫn chưa được giải quyết.
Chưa đến 1/10 số hộ có phép hành nghềTrao đổi với PV Thanh Niên, ông Lê Văn Điện, Chi hội trưởng Chi hội Làng nghề xã Ninh Hiệp, cho biết mỗi tháng các cơ sở sơ chế, kinh doanh ở Ninh Hiệp xuất đi thị trường TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng… trên 500 tấn dược liệu. Hiện Ninh Hiệp được coi là đầu mối cung cấp đông dược lớn nhất cả nước.
Về tình trạng sử dụng lưu huỳnh để xông khô, bảo quản thuốc, ông Điện thừa nhận là có thật và diễn ra từ nhiều năm nay. Trên thực tế, trước nay người làm thuốc Ninh Hiệp vẫn dùng một lượng lưu huỳnh rất nhỏ để xông khô dược liệu. Nhưng hiện tại, để bảo quản đông dược được lâu, nhiều hộ kinh doanh, chủ cơ sở đã bất chấp sức khỏe người dân mà sử dụng lưu huỳnh quá liều khi xông khô. Theo ông Điện, toàn xã có 300 hộ kinh doanh buôn bán đông dược, nhưng chỉ có đúng 20 hộ được cấp giấy phép hành nghề. Ông Điện cho biết thêm, trường hợp cơ quan chức năng phát hiện, xử phạt các hộ làm nghề thuốc có sử dụng lưu huỳnh quá liều lượng, không phải là hiếm ở Ninh Hiệp.
Có thể gây rối loạn tiêu hóa, thần kinh, thậm chí tử vong
PGS-TSKH Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm (ĐH Bách khoa Hà Nội), cho rằng ở Ninh Hiệp, quá trình sản xuất, sơ chế thuốc đều bằng phương pháp thủ công, trong khi nguyên liệu nhập từ Trung Quốc không rõ nguồn gốc, nên người dân không thể phát hiện hàm lượng kim loại nặng, thuốc trừ sâu còn tồn dư trong thuốc. Ngoài ra, việc sơ chế thuốc thủ công sẽ tạo điều kiện để các hộ gia đình, cơ sở lạm dụng lưu huỳnh xông khô, bảo quản đông dược được lâu, điều này nguy hiểm vô cùng. “Những trường hợp ngâm thuốc đông dược để uống, hoặc tán nhỏ để dùng sẽ dẫn tới hậu quả khôn lường. Vì khi đó khói lưu huỳnh bám trên thuốc do dùng quá liều lượng sẽ trực tiếp đi vào cơ thể gây rối loạn tiêu hóa, ảnh hưởng tới hệ thần kinh cũng như các bộ phận khác trên cơ thể, thậm chí gây tử vong”, PGS Thịnh nói.
Còn theo thạc sĩ Hoàng Khánh Toàn, Chủ nhiệm Khoa Y học cổ truyền thuộc Bệnh viện T.Ư Quân đội 108, rất khó xác định được nguồn gốc rõ ràng của dược liệu nhập khẩu từ TQ, cũng như không thể đảm bảo khâu kiểm nghiệm dược liệu. Nếu dược liệu bị tẩm quá liều, có nấm mốc... khi dùng sẽ gây nguy cơ tai biến, dị ứng, suy thận, gan, rối loạn tiêu hóa.
(Theo Thanh Niên)