Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia nhấn mạnh, việc kiên định điều hành chính sách tiện tệ với mục tiêu nhất quán, xuyên suốt là ổn định giá cả, chống lạm phát của NHNN hiện nay hoàn toàn đúng đắn, nó phù hợp với bản chất của ngân hàng trung ương là ổn định giá cả, ổn định lãi suất và đảm bảo an ninh tài chính.
IMF mới đây cho rằng, có dấu hiệu cho thấy hoạt động kinh tế Việt Nam có thể đang hồi phục từ mức đáy, lạm phát đã giảm, thị trường tài chính đã bình ổn trở lại… Trên thực tế, điều này có thể được nhìn nhận điều này thế nào?
- Tính đến hết tháng 4/2013, CPI tăng 6,4% so với cùng kỳ năm 2012, thấp hơn nhiều so với mức 14,1% của tháng 4/2012. Điều này cho thấy việc kiểm soát lạm phát đã đạt được những kết quả khá vững chắc, các yếu tố có thể dẫn đến tái lạm phát đã được kiểm soát khá tốt.
Tăng trưởng kinh tế trong tháng 4 có dấu hiệu phục hồi từ đáy, rõ ràng nhất là tăng trưởng công nghiệp và xây dựng có dấu hiệu được cải thiện, chỉ số PMI (chỉ số quản trị mua hàng của HSBC) đã đạt 50 điểm từ mức 48 điểm của tháng 3. Chỉ số hàng tồn kho cũng giảm đáng kể từ mức 19% tháng 3 xuống còn 13% trong tháng 4.
Xuất khẩu tăng trưởng mạnh hơn nhiều so với dự kiến đạt xấp xỉ 19,5% (dự kiến 10%) về giá trị và trên 25% về số lượng. Đặc biệt là xuất khẩu của các DN nội địa đã tăng trở lại 4% sau nhiều tháng âm. Cán cân vãng lai tiếp tục được duy trì tương đối cân bằng, một phần nhờ nhập khẩu tăng trưởng thấp (do sản xuất khó khăn) nhưng yếu tố tăng trưởng xuất khẩu đóng vai trò tích cực, nhất là trong điều kiện cầu quốc tế suy giảm mạnh. Đầu tư trực tiếp nước ngoài được cải thiện đáng kể cả về số vốn đăng ký và thực hiện. Đây là yếu tố quan trọng chứng tỏ lòng tin của các nhà đầu tư đã bắt đầu được phục hồi và sẽ có tác động lan tỏa đối với đầu tư nội địa.
Ông Lê Xuân Nghĩa |
Thanh khoản các hệ thống ngân hàng đã được cải thiện rõ rệt, thị trường liên ngân hàng đang được phục hồi với thanh khoản ngày càng lớn; các NHTM yếu kém đang được xử lý theo hướng sáp nhập, mua lại và tăng mạnh vốn tự có. Xu hướng này vẫn còn tiếp tục diễn ra sâu rộng hơn trong thời gian tới.
Thâm hụt ngân sách tiếp tục được kiểm soát dưới 5%, việc bù đắp thâm hụt chủ yếu dựa vào vay nội địa ( trái phiếu Chính phủ) với mức rủi ro khá thấp. Lãi suất, đặc biệt là lãi suất cho vay tiếp tục có xu hướng giảm và dần hội tụ quanh mức quân bình 12%/năm, các NHTM lớn có mức lãi suất cho vay thấp hơn (từ 9% đến 11%). Tỷ giá hối đoái khá ổn định trên nền tảng cán cân thanh toán tiếp tục thặng dư và dự trữ ngoại tệ tăng mạnh.
Có ý kiến cho rằng Việt Nam đang khá chậm chạp trong vấn đề xử lý nợ xấu. Vì sao lại có sự chậm chạp này? Nút thắt của vấn đề?- Việc xử lý nợ xấu qua Công ty mua bán nợ Quốc gia mà không dung nguồn ngân sách nhà nước hay vay nợ bên ngoài chắc chỉ có đặc thù ở Việt Nam.
Do đó, hệ thống ngân hàng một mặt tiếp tục củng cố vững chắc thanh khoản, mặt khác tiếp tục xử lý nợ xấu bằng các nguồn lực tự có như dự phòng rủi, tái cơ cấu lại nợ....Đồng thời chuẩn bị ban hành để thực hiện hàng loạt các qui định như chuẩn mực quản trị doanh nghiệp, chuẩn mực an toàn và quản lý rủi ro, chuẩn mực kế toán báo cáo tài chính và phân loại tài sản....
Ngoài ra, NHNN cần thêm điều kiện gì để đẩy mạnh xử lý nợ xấu?
Xử lý nợ xấu là vấn đề phức tạp nhất và là trọng tâm của chương trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng và phục hồi tăng trưởng kinh tế.
Có rất nhiều vấn đề đặt ra đối với việc xử lý nợ xấu mà quan trọng nhất là nguồn lực tài chính rất lớn, cơ sở pháp lý để mua, bán nợ đặc thù, năng lực quản lý và gia tăng giá trị tài sản và đặc biệt là khả năng tiếp cận trở lại vốn ngân hàng của các Doanh nghiệp đang hoạt động nhưng có lịch sử tín dụng xấu.
Đây là những vấn đề gây tranh cãi gay gắt ở hầu hết các nước, và những quốc gia thành công là nhờ sự đồng thuận chính trị sâu rộng để giải quyết nhanh, dứt điểm nợ xấu, trái lại không đồng thuận, không giải quyết nhanh, dứt điểm sẽ thất bại. Vì vậy ở Việt Nam vấn đề xử lý nợ xấu không nên coi là việc riêng của NHNN và hệ thống ngân hàng mà là việc chung của của cả hệ thống chính trị, của các Doanh nghiệp và các Ngân hàng thương mại hay nói cách khác là xử lý cho cả nền kinh tế.
Chính sách quản lý vàng của NHNN đang theo đuổi tác động thế nào đối với phục hồi, tăng dự trữ ngoại hối của quốc gia?
- Nquyết 24 của Chính phủ về quản lý thị trường vàng khẳng định quyền cất trữ, mua, bán vàng của dân chúng là hợp pháp, đồng thời khẳng định vai trò quản lý kinh doanh vàng và tạo lập thị trường vàng của NHNN nhằm đảm bảo tính minh bạch, công bằng của các giao dịch vàng, tránh đầu cơ, lũng đoạn thị trường. Nghị định cũng có tác động bảo vệ thanh khoản, của hệ thống ngân hàng trước những rủi ro lớn từ biến động giá vàng và bảo vệ cán cân thanh toán quốc tế, trên cơ sở đó phục hồi và tăng trưởng dự trữ ngoại tệ và ổn định tỷ giá hối đoái.
Ông đánh giá thế nào về cách thức điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước hiện nay?
- Việc kiên định điều hành chính sách tiện tệ với mục tiêu nhất quán, xuyên suốt là ổn định giá cả, chống lạm phát phù hợp với bản chất của ngân hàng trung ương là ổn định giá cả, ổn định lãi suất và đảm bảo an ninh tài chính. Chính sách tiền tệ theo hướng lạm phát mục tiêu dù chỉ mới là bước đầu nhưng đã phát huy tác dụng tích cực đưa lạm phát từ 2 con số xuống dưới 8%, góp phần quan trọng ổn định kinh tế vĩ mô và tái cơ cấu nền kinh tế.
Đương nhiệm Ngân hàng Nhà nước còn nhiều việc khác, đặc biệt là chương trình tái cấu trúc hệ thống Ngân hàng vô cùng khó khăn. Dù sao tôi cũng thích cách điều hành minh bạch, nhất quán, đối diện trực tiếp với vấn đề và có tầm nhìn chiến lược như hiện nay.
Ngọc Sơn