Thông tin gây sốc không hẳn là toàn bộ số trứng gà bị thu giữ, mà đằng sau nó ẩn chứa bao nguy cơ, hiểm họa, không phải doanh nghiệp nào, người tiêu dùng nào cũng biết.

Theo lời khai của chủ lô hàng, số trứng này được mua ở Móng Cái - Quảng Ninh với giá cực rẻ: 200.000 đồng/thùng 420 trứng. Tính ra, mỗi quả trứng có giá chưa đến 500 đồng (5.000 đồng/chục).

Mức giá này rẻ đến mức phó giám đốc một doanh nghiệp (DN) kinh doanh trứng gia cầm (có trại chăn nuôi) tại TPHCM phải kinh ngạc: Vào đến Việt Nam mà trứng gà Trung Quốc chỉ 500 đồng/quả, vậy giá thu mua ngay tại Trung Quốc còn rẻ hơn nữa…

Đó là chuyện ở Trung Quốc. Tại Việt Nam, giá trứng gà, vịt bán trên thị trường vừa tăng thêm 2.000 - 3.000 đồng/chục, lên trung bình khoảng 35.000 đồng/chục trứng vịt và 27.000 đồng/chục trứng gà. Giá thu mua trứng từ các hộ chăn nuôi cũng tăng 14,9% - 21,7% so với đầu tháng 4, ở mức bình quân 19.270 đồng/chục trứng gà và 23.500 đồng/chục trứng vịt. Điều đáng nói là mức tăng giá này chỉ mới bảo đảm cho các hộ chăn nuôi “sống được” sau một thời gian dài lao đao vì chi phí sản xuất tăng, lợi nhuận thấp hoặc không có lợi nhuận. Đây cũng là tình trạng chung của toàn ngành chăn nuôi. Vì sao như vậy?.

{keywords}
Một loại trứng gà Trung Quốc có lòng đỏ bất thường

 Lâu nay, Việt Nam tuy là quốc gia nông nghiệp nhưng không có các vùng nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi. Năm 2012, Việt Nam phải chi trên 3 tỉ USD để nhập trên 8 triệu tấn nguyên liệu gồm khô đậu tương, lúa mì, ngô…

Do phụ thuộc nhiều vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu nên giá thức ăn chăn nuôi bị chi phối bởi biến động giá nguyên liệu trên thế giới. Thêm vào đó là sự thao túng thị trường, làm giá, o ép người chăn nuôi của các DN sản xuất thức ăn chăn nuôi ngoại. Dù chỉ chiếm chưa đến 20 trong tổng số hơn 230 DN sản xuất thức ăn chăn nuôi cả nước nhưng các DN có vốn đầu tư nước ngoài và liên doanh sở hữu đến 44 nhà máy, chiếm trên 56% thị phần cả nước và làm chủ hoàn toàn giá bán thức ăn chăn nuôi.

Nông dân bị kẹp chặt giữa việc mua thức ăn chăn nuôi giá cao, bán thành phẩm giá thấp. Đó là chưa kể các loại phí, thuế, chi phí thú y, con giống, lãi suất… đè nặng lên giá thành sản xuất. Vòng tròn luẩn quẩn chi phí, nguyên liệu đầu vào tăng cao; nông dân không có lãi phải bỏ đàn hoặc giảm đàn gia cầm; giá thành sản phẩm cao dẫn đến giá bán cao, người tiêu dùng lãnh đủ… cứ kéo dài, lặp đi lặp lại. Kết quả không dừng lại ở thiệt thòi nhìn thấy được đối với nông dân và người tiêu dùng mà còn là những tổn thất của ngành sản xuất chăn nuôi: ì ạch không phát triển được.

Bài toán phát triển bền vững ngành chăn nuôi trên cơ sở bảo đảm lợi nhuận chính đáng của nông dân, giảm giá thành, cung cấp sản phẩm chất lượng, giá cả ổn định cho người tiêu dùng đã được bàn bạc, thảo luận từ nhiều năm nay nhưng vẫn chưa đi vào thực tế.

(Theo Người lao động)