Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM vừa chuyển hồ sơ vụ sữa dê Mỹ GmB sản xuất tại TP.HCM nhưng lại thông tin xuất xứ Hà Lan, Mỹ... sang cơ quan công an để điều tra về hành vi giả xuất xứ hàng hóa. Thực tế tình trạng nhập nhèm xuất xứ, thương hiệu ở thị trường sữa nhập khẩu đang diễn ra khá phổ biến.

Các tin liên quan

Sữa tăng giá, đắt như hàng xa xỉ

Sữa giá khủng do chi tiền hoa hồng đa cấp

Công ty 'ma' thổi phồng sữa non thành 'thần dược'

2.000 USD thuê bác sĩ đi… quảng cáo sữa

Qua phản ảnh của người tiêu dùng và tìm hiểu của PV, không ít nhãn sữa nhập khẩu đã cho thấy nhà nhập khẩu thông tin không đầy đủ, không đúng sự thật khi giới thiệu, quảng cáo sản phẩm. Đó là những nhãn hiệu sữa như Danlait, Frezzi, Alpha Lipid, GmB...

Vỏ một đằng, ruột một nẻo

Sữa dê GmB của Công ty TNHH quốc tế Đại Hùng Tinh (trụ sở tại đường Nguyễn Xiển, Q.9, TP.HCM) được quảng cáo là sữa dê Mỹ do Công ty GmB Food (trụ sở tại Mỹ), sản xuất tại Hà Lan và nhập về VN. Tuy nhiên, thực tế không hề tồn tại Công ty GmB Food hay nhà máy tại Hà Lan. Công ty này đã nhập nguyên liệu sản xuất sữa bột từ Hà Lan, Malaysia và thực hiện đóng hộp tại VN. Thương nhân xuất khẩu là một công ty có tên viết tắt trên tờ khai hải quan là CBM B.V., địa chỉ Bedrijvenpark Twen 54, 7602 KC Almelo, The Netherlands, không phải địa chỉ mà Công ty Đại Hùng Tinh giới thiệu với khách hàng.

Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM hiện đã kết luận chính thức hành vi quảng cáo của Đại Hùng Tinh là lừa đảo khách hàng, giả mạo thông tin xuất xứ nên chuyển toàn bộ hồ sơ vụ việc cho cơ quan công an điều tra.

{keywords}
Cơ quan Quản lý thị trường TP.HCM kiểm tra cơ sở sản xuất sữa GmB của Công ty Đại Hùng Tinh.

Đáng lưu ý, kết quả kiểm nghiệm sữa dê GmB tại Viện Vệ sinh y tế công cộng TP.HCM đối với bột sữa nguyên kem hiệu GmB dành cho trẻ 1-3 tuổi, sữa dành cho trẻ trên 3 tuổi và sữa cho người cao tuổi hiệu GmB cho thấy các chỉ tiêu về năng lượng, protein, DHA... không đạt chất lượng như công bố của nhà sản xuất. Sữa GmB cho trẻ 1-3 tuổi thực tế chỉ tiêu năng lượng chỉ đạt 484,2 kcal/100g so với công bố 500-550 kcal/100g.

Chưa kể, mặc dù thành phần dinh dưỡng trên các hộp sữa GmB ghi có vitamin A, D, B1, B12... nhưng trong bản công bố các chỉ tiêu chất lượng, giá trị dinh dưỡng đơn vị này chỉ ghi một số thành phần như hàm lượng đạm, chất béo, năng lượng... chứ không hề có các vitamin trên.

Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, đến thời điểm này, Công ty Đại Hùng Tinh đã nhập khẩu tổng cộng 15 tấn bột sữa nguyên liệu từ Hà Lan. Sau khi đóng hộp, từ tháng 10-2012 đến tháng 3-2013, Công ty Đại Hùng Tinh đã bán ra thị trường 3.426 hộp sữa thành phẩm các loại (trọng lượng 425g/hộp)...

Thông tin thiếu trung thực

Một trường hợp khác là sữa non Frezzi của Công ty TNHH Fansi VN (đường Đội Cấn, Q.Ba Đình, Hà Nội). Tại show room của Frezzi trên đường Nguyễn Kiệm (Q.Phú Nhuận, TP.HCM), các loại sữa non Frezzi vẫn được giới thiệu là hàng của New Zealand và Công ty Fansi VN chỉ là nhà nhập khẩu.

Trong khi đó, Cục An toàn thực phẩm vừa ra một thông báo về “lý lịch” của các sản phẩm mang nhãn hiệu Frezzi. Đại sứ quán New Zealand tại VN khẳng định các sản phẩm nhãn hiệu Frezzi là do Công ty dược phẩm GMP của New Zealand sản xuất và đóng gói để xuất khẩu cho Công ty TNHH Fansi VN. Hiện nay nhãn hiệu Frezzi hoàn toàn thuộc về Công ty Fansi VN.

Tương tự, sữa dê Danlait - sản phẩm đang dính vào xìcăngđan quảng cáo gian dối, lừa người tiêu dùng. Mặc dù Công ty TNHH Mạnh Cầm (trụ sở tại đường Nguyễn Viết Xuân, Q.Thanh Xuân, Hà Nội) tự xưng là nhà nhập khẩu và phân phối độc quyền sữa dê Danlait tại VN, sản phẩm của tập đoàn sản xuất sữa dê hàng đầu châu Âu - FIT... nhưng thực tế lại là nhãn hiệu của Công ty Mạnh Cầm và chỉ bán ở VN. Theo thông tin từ Cục Sở hữu trí tuệ, ngày 30-1-2013, cơ quan này đã có thông báo cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu Danlait cho Công ty Mạnh Cầm.

Theo các chuyên gia, việc doanh nghiệp đặt hàng gia công ở nước ngoài và nhập về VN là bình thường, nhưng thông tin phải trung thực với người tiêu dùng. Chị Hoàng Vy, chuyên bán sữa và thực phẩm chức năng ở đường Nguyễn Thị Minh Khai, Q.1, TP.HCM, cho biết bên cạnh các hãng sữa lớn đã có văn phòng đại diện tại VN, thị trường sữa bột hiện nay có rất nhiều loại sữa bò, sữa dê là hàng được các công ty thương mại nhập khẩu và bán tại các cửa hàng, siêu thị. Trong đó có những mặt hàng là doanh nghiệp đặt gia công ở nước ngoài hoặc nhập khẩu nguyên liệu về đóng gói nhưng sau đó đã quảng cáo vống lên, không đúng sự thật, gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng.

Người tiêu dùng đang bị “móc túi”

Theo quy định của Bộ Y tế, chỉ những sản phẩm có độ đạm từ 34% trở lên mới được gọi là sữa. Ông Nguyễn Anh Tuấn - phó cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) - cho biết nhiều doanh nghiệp đã đổi tên sản phẩm thành thực phẩm bổ sung, sản phẩm dinh dưỡng, thức ăn công thức, thực phẩm chức năng... do độ đạm không đạt tiêu chí của sữa bột. Cũng vì thế, hàng không còn thuộc danh mục quản lý giá của Bộ Tài chính.

Trong khi đó, hàng loạt mặt hàng được gắn tên thực phẩm bổ sung, thực phẩm chức năng đang được bán với giá cao ngất ngưởng. Nhà sản xuất dùng đủ các chiêu để đẩy giá lên cao nhằm “móc túi” người tiêu dùng.

Theo Tuổi trẻ