Chỉ số chứng khoán VN Index vừa chạm mốc 500 điểm. Nhưng khi thị trường chưa kịp vui mừng thì đã vội đảo chiều với nhiều biểu hiện lạ.
Các tin liên quan |
Trong khoảng 2 tuần gần đây, TTCK diễn biến khá lạ, nhiều khi phản ứng ngược với tin xấu, và có lúc giảm tệ hại khi các thông tin bung ra đều tốt. Sự loạn nhịp mua bán khiến nhiều người không biết đâu là giá trị trên thị trường, tăng hay giảm đều bị nghi ngờ.
Bị đánh úp
Trái ngược với không khí lạc quan, hứng khởi và diễn biến tăng điểm khá mạnh trong buổi sáng, chỉ trong 15 phút cuối phiên giao dịch ngày 10/4, hàng loạt cổ phiếu chuyển trạng thái sang giảm mạnh khiến chỉ số VN Index bất ngờ giảm 14 điểm vào cuối phiên.
Trước đó, trong những ngày đầu tháng 4, đã có nhiều phiên, VN Index đã vượt qua ngưỡng 500 nhưng rồi lại hạ nhanh chóng.
Trong ngày 10/4, trong nhóm 30 cổ phiếu lớn và thanh khoản cao trên thị trường (VN30), 5 mã BVH, VCB, PVF, OGC, CSM chốt phiên giảm hết biên độ cho phép. Rất nhiều cổ phiếu lớn chuyển từ trạng thái tăng sang giảm khá mạnh khiến cho Nhiều nhà đầu tư mua cổ phiếu blue-chips có cảm giác bị đánh úp vào cuối phiên bởi họ không hình dung một số lượng rất nhiều các lệnh lớn vài ba trăm nghìn cổ/lô bất ngờ được tung ra bán trong thời điểm 15 phút cuối ATC - khi mà các lệnh mua bán không kịp hủy.
Bên bán chủ động xả hàng cùng với hành động bán theo của nhiều người đã nhấn chìm hàng loạt cổ phiếu blue-chips và kéo VN Index từ mức gần 515 điểm rớt khỏi ngưỡng 500 điểm vừa đạt được xuống còn 496,5 điểm.
Phiên giảm điểm ngày 10/4 diễn ra trong bối cảnh giới đầu tư chứng khoán đang kỳ vọng vào khả năng dòng tiền quay trở lại thị trường với cơ sở là khối lượng giao dịch tăng vọt ở rất nhiều mã cổ phiếu trong hai ngay qua. Bên cạnh đó, thông tin giá xăng dầu bất ngờ được điều chỉnh giảm 500 đồng/lít; Ngân hàng Nhà nước có thể tiếp tục cắt giảm lãi suất; thị trường vàng đang được bình ổn; cán cân thương mại được cải thiện… cũng là những yếu tố tích cực cho kênh đầu tư này.
Tuy nhiên, TTCK đã diễn biến phức tạp và “khó chơi” đúng như lo ngại của nhiều người.
Trước đó, hồi đầu tháng 4/2013, TTCK đã có những pha ngược dòng ngoạn mục khi chỉ số VN Index có lúc tăng gần 15 điểm cho dù hàng loạt tin xấu được bung ra. Thông tin giá xăng dầu tăng sốc khi đó, cùng thông tin VAMC chưa được thông qua theo đúng lộ trình, và CPI tháng 4 có thể nhích lên… đã không những không gây ra tình trạng hoảng loạn, tháo chạy như hàng loạt biến cố trong năm 2012, mà TTCK còn chứng kiến sự tăng điểm đầy ngoạn mục.
Tăng giảm là… may rủi?
Giải thích về hành động bán ồ ạt của nhiều nhà đầu tư lớn, trong đó có khối ngoại và hiện tượng bán theo một cách bầy đàn của các nhà đầu tư nhỏ lẻ được cho là phản ứng tâm lý khi một số quỹ đầu tư xả hàng sau khi sau khi phát hành thêm nhiều chứng chỉ quỹ. Trong khi đó, một số khác thì cho rằng, đây là hiện tượng đồng thời chốt lời ngẫu nhiên của một số nhà đầu tư lớn và kéo theo đó là hiện tượng bán theo của các nhà đầu tư nhỏ lẻ.
Lý giải được đề cập nhiều nhất là khả năng đánh gãy một số trụ để kéo thị trường đi xuống được đưa ra trong bối cảnh gần đây, nhiều nhà đầu tư lao vào rất nhiều cổ phiếu tốt, toàn full margin các mã cơ bản. Mỗi đợt tháo chạy với nhiều mã tăng giảm cả 10 -20% có thể khiến nhiều người cháy tài khoản. Và tất nhiên, trong cuộc chơi win-lose, có kẻ thua, ắt sẽ có người thắng.
Qua phiên giao dịch ngày 10/4, điều mà một số chuyên gia lo ngại là TTCK tập trung trên cả hai sàn TP.HCM và Hà Nội diễn biến ngày càng bất thường. Cụm từ sòng bạc và úp sọt lẫn nhau được các nhà đầu tư chứng khoán dùng nhiều hơn bao giờ hết.
Vấn đề được đặt ra là, TTCK liệu có còn được coi là kênh dẫn vốn cho nền kinh tế hay không khi mà rất nhiều doanh nghiệp không huy động được vốn tại đây. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp đang tìm cách rời sàn. Trên thị trường, giá cổ phiếu biến động nhiều phần theo đỏ đen, chẵn lẻ, tin tốt không lên, tin xấu không xuống.
Phải chăng giờ đây các nhà đầu tư đã trơ với các thông tin tốt? Họ nghi ngờ tin tốt và bất chấp tin xấu?. Phải chăng nhà đầu tư (trong và ngoài nước) không phải sợ hay vui mừng vì tin xăng dầu tăng hay giảm giá, mà là cách thức điều hành giá?
Trên cái “chợ” chứng khoán này có thể còn không ít các cổ phiếu lởm, cổ phiếu giấy vụn… một thời lên sàn được là nhờ cơ chế phát triển thị trường theo chiều rộng. Điều này được phản ánh là trong nhiều đợt sóng lên, các chỉ số chứng khoán lên nhưng có tới 80-90% các mã vẫn bất động, thậm chí giảm. Mỗi lần thị trường co giật “xả giấy lộn”, cổ phiếu tốt xấu sẽ đồng loạt giảm.
Mặc dù vậy, có thể thấy, trong nhiều quãng thời gian khi mà TTCK liên tục đi xuống, nhiều cổ phiếu tốt vẫn tăng giá. Chặng đường leo dốc bao giờ cũng phải có dừng chân nhưng nhìn chung vẫn lên.
Bên cạnh đó, tình hình kinh tế vẫn còn ảm đạm.Sức ì của cả một mạng lưới lớn đã khiến sự bứt phá của một số cổ phiếu, được coi là trụ cột của thị trường không giúp thị trường lên nhiều được.
Nếu xét theo khía cạnh này, với nhiều người, TTCK phản ứng như gần đây không có gì khó hiểu. Các đại gia vẫn đang nắn dòng tiền vào “hàng” cơ bản, làm ăn đang hoàng. Đây là điều tốt cho sự phát triển dài hạn của thị trường. Và nếu vậy, thị trường biến động lên xuống không có ảnh hưởng nhiều tới các nhà đầu tư.
Mạnh Hà