Vợ chồng chị Bình, anh Hà ở Nam Từ Liêm, Hà Nội cưới nhau năm 2016. Anh chị có một bé trai 5 tuổi và đã có nhà riêng.

Anh Hà là nhân viên kinh doanh với mức lương 15 triệu đồng/tháng. Sau khi cưới, anh chị mở cửa hàng tạp hóa bán tại nhà, mỗi tháng chị kiếm được khoảng 10-12 triệu đồng từ việc buôn bán này. Vợ chồng chị Bình quy định rõ, tiền sinh hoạt của gia đình sẽ chi tiêu từ tiền bán hàng của chị mỗi tháng. Lương của anh Hà được giữ lại để tích lũy dự phòng.

“Việc buôn bán cũng đều đều, tháng này bù tháng kia, trừ mọi chi phí mình thu được về khoảng 10-12 triệu tiền lời. Riêng tháng Tết thì cao hơn. Mọi chi tiêu, sinh hoạt của cả nhà gói gọn trong khoản này. Lương của chồng mình mua vàng tích lũy, chứ không gửi ngân hàng vì thấy lãi suất thấp. Hơn nữa, tích vàng mình cũng chủ động hơn, khi nào vàng lên thì thì mình bán ra, vàng xuống lại mua vào kiếm lời”, chị Bình kể.

{keywords}
Tháng 9/2020, vợ chồng chị Bình mua mảnh đất dịch vụ ở Hoàng Mai giá 1,9 tỷ đồng

Đến tháng 10/2019, sau 3 năm kết hôn, vợ chồng chị Bình tích lũy được 13 cây vàng. Lúc này, anh chị muốn chuyển sang kinh doanh bất động sản nên bán hết số vàng tích lũy đó được 728 triệu đồng rồi vay mượn thêm, mua một căn chung cư cũ rộng 80m2 với giá 1,1 tỷ đồng, sau đó cho thuê lại với giá 6 triệu đồng/tháng.

Mua căn hộ được 9 tháng, đến tháng 7/2020 chính khách thuê đề nghị vợ chồng anh chị để lại căn hộ cho họ với giá 1,4 tỷ đồng. Chị Bình với chồng đồng ý bán ngay.

Nhận thấy đầu tư vào mảng bất động sản sinh lời nhiều hơn, vợ chồng chị Bình bắt đầu chuyển hướng tập trung tìm mua đất để kinh doanh.

Tháng 9/2020, tìm được mảnh đất dịch vụ ở Hoàng Mai rộng 40m2, vị trí đẹp, ngõ rộng, ô tô vào được có giá 1,7 tỷ đồng, vợ chồng chị Bình quyết định vay thêm tiền của người thân để có đủ tiền lấy mảnh đất.

“Khi đó, vợ chồng mình mới có 1,5 tỷ trong tay, vay mượn anh em trong nhà thêm 200 triệu để lấy đất. Đúng như dự tính, mảnh đất có vị trí đẹp nên mua được 2 tháng, có khách đã trả mình với giá 1,9 tỷ nhưng hai vợ chồng chưa bán”.

Sang đầu tháng 7 năm nay, qua người quen giới thiệu, vợ chồng chị Bình tìm được một căn nhà 4 tầng, rộng 35m2, hai mặt tiền gần chợ, gần trường học có giá 3,8 tỷ đồng. Chị kể, vì chủ nhà có việc gấp cần tiền mới bán giá đó chứ bình thường, theo khảo sát giá thị trường, nhà đó phải có giá 4 tỷ đồng.

Nhận thấy tiềm năng lợi nhuận, vợ chồng chị Bình bàn nhau quyết định đầu tư lớn một phen. Chị Bình bán mảnh đất dịch vụ ở Hoàng Mai được 2,3 tỷ đồng. Còn thiếu 1,5 tỷ, anh chị cắm sổ đỏ căn hộ vợ chồng đang ở, mượn thêm sổ đỏ của bố mẹ chồng để vay ngân hàng trong vòng một năm, dồn tiền lấy căn nhà. Anh chị tính trong thời gian ngắn bán được nhà, vợ chồng sẽ trả nợ ngân hàng, chấp nhận chịu phí tất toán trước hạn.

{keywords}
Vợ chồng chị Bình vừa từ chối bán nhà cho khách được 4 ngày thì dịch Covid-19 bùng phát, giá giảm thê thảm 

Đúng như dự đoán, vị trí đẹp, nhà vẫn còn mới, tường nền đẹp, kiến trúc không quá cũ nên chị Bình vừa rao bán lên trang cá nhân được 5 ngày đã có khách hỏi mua lại, giá 4,3 tỷ đồng. Tuy nhiên, anh chị không đồng ý vì kỳ vọng có thể bán được 4,5 tỷ đồng.

Điều không ngờ, 4 ngày sau, dịch Covid-19 bùng phát trở lại, Hà Nội phải thực hiện giãn cách xã hội khiến căn nhà của chị trượt giá không phanh. Nếu trước đó, rất nhiều khách hỏi mua căn với giá từ 4,1-4,3 tỷ thì về sau khách hỏi thưa thớt.

Buồn hơn, mức giá khách đưa ra thấp hơn cả giá anh chị mua vào. Hầu hết đều trả ở mức giá 3,4 tỷ đến 3,6 tỷ đồng, trong khi đó nợ ngân hàng mỗi tháng vợ chồng chị phải trả 137 triệu đồng/tháng cả vốn lẫn lãi. Chưa kể, giãn cách xã hội, cửa hàng tạp hóa của chị phải đóng cửa, lương chồng chị giảm 30% khiến tài chính gia đình khốn khó.

“Không còn cách nào khác, sau 2 tháng không có khách trả cao hơn, vợ chồng mình đành chấp nhận bán nhà với giá 3,6 tỷ đồng, lỗ 200 triệu, cùng 274 triệu trả nợ ngân hàng. Tính ra, mình lỗ tổng cộng 474 triệu đồng. Nếu trước đó mình bán thì lãi 500 triệu. Từ hôm bán nhà tới giờ, hai vợ chồng như người mất hồn vì lẽ ra đã lời to mà cuối cùng lại lỗ đậm”, chị Bình chia sẻ.

Theo các chuyên gia tư vấn tài chính và tư vấn bất động sản có kinh nghiệm, khi đầu tư mua đất trong thời gian sốt, phải tuỳ tình hình, quan sát biến động của thị trường để xác định được biên lợi nhuận đạt đến và chốt lời. Đặc biệt, nếu vay vốn ngân hàng lại càng phải nhanh chóng thu dòng tiền về, tránh rủi ro đáng tiếc có thể xảy ra.

Thu Giang

Cắm sổ đỏ vay tiền tỷ ôm đất: Vợ chồng trẻ mất việc, lại lo mất nhà

Cắm sổ đỏ vay tiền tỷ ôm đất: Vợ chồng trẻ mất việc, lại lo mất nhà

Vay vốn ngân hàng đầu tư lướt sóng bất động sản, nhưng chưa kịp gặp khách đã gặp dịch, khiến vợ chồng trẻ mất ăn mất ngủ lo ngân hàng xiết nợ.