Chỉ là chiếc điều khiển nhỏ gọn, nhưng nếu tìm hiểu kỹ các chức năng của chúng thì việc dùng điều hòa trong mùa hè nóng bức này có thể giúp gia đình bạn tiết kiệm điện rất nhiều, có thể giảm tới 50%.
Với thời tiết oi bức của mùa hè, việc phải dùng điều hòa liên tục là điều không thể tránh khỏi của các gia đình. Song, đi kèm theo đó, hóa đơn tiền điện trong những tháng mùa hè cũng tăng theo cấp số nhân. Vậy, làm thế nào để hóa đơn tiền điện không quá cao mà điều hòa vẫn được dùng thoải mái? Câu hỏi này khiến hầu hết các gia đình phải đau đầu suy nghĩ.
Hiện nay, trên các diễn đàn mạng xã hội, mọi người chia sẽ khá nhiều cách để giúp điều hòa tiết kiệm điện, nhưng đừng bỏ qua chiếc điều khiển nhỏ gọn, bởi, điều khiển không chỉ có chức năng tắt - mở mà còn rất nhiều thứ hay ho khác. Nếu tìm hiểu hết chức năng và sử dụng chúng hợp lý, chiếc điều khiển thần thánh này sẽ giúp tiết kiệm điện khá nhiều.
Đầu tiên, hãy quan tâm tới chế độ Dry (biểu tượng trên màn hình điều khiển chính là giọt nước). Muốn để điều hòa ở chế độ Dry, khi mở điều hòa chỉ cần chuyển từ chế độ “Cool” (hơi lạnh với biểu tưởng trên màn hình là bông tuyết). Thao tác đơn giản này sẽ giảm công suất tiêu thụ điện của điều hòa sẽ giảm đi 10 lần, hạn chế sốc nhiệt vì nhiệt độ phòng sẽ không thấp quá 23 độ C và không dao động lớn với nhiệt độ bên ngoài.
Sử dụng đúng cách giúp tiết kiệm tiền điện điều hòa ngày nắng nóng. |
Thực tế, mỗi chế độ Cool hay Dry đều có chức năng khác nhau. Với chế độ Cool giúp giảm nhiệt độ phòng xuống để làm lạnh và duy trì nhiệt độ đó ổn định, còn chế độ Dry chỉ thực hiện chức năng khử ẩm, duy trì nhiệt độ hiện tại của phòng chứ không có khả năng làm lạnh. Vậy nên, chế độ Dry thực sự có phần tiết kiệm hơn.
Ngoài ra, khi chuyển sang chế độ Dry cũng có thể cảm thấy mát hơn một chút do hơi ẩm trong phòng bị hạ xuống làm mồ hôi bay hơi nhanh hơn giúp cơ thể tỏa nhiệt nhanh theo và hiệu quả này cũng chỉ có thể cảm thấy trong những ngày trời mát, nhiệt độ không quá cao.
Thế nhưng, không phải lúc nào cũng sử dụng được chế độ Dry tiết kiệm điện 'thần thánh'. Chế độ này chỉ nên sử dụng khi mà độ ẩm trong phòng quá cao như những ngày mưa chẳng hạn (độ ẩm thích hợp là từ 60% đến 70%). Những nơi độ ẩm thấp, tuyệt không nên dùng chế độ Dry vì có thể làm khô da, gây nứt nẻ môi và tay chân.
Ngoài chế độ Dry, khi cầm chiếc điều khiển cũng nên điều chỉnh ở nhiệt độ phù hợp. Lý do đơn giản là, để nhiệt độ càng thấp sẽ khiến máy càng phải đẩy hoạt động của động cơ lên cao hơn, điện năng tiêu thụ cũng nhiều hơn. Hãy duy trì nhiệt độ phòng ở mức hợp lý, đủ để bạn cảm thấy mát chứ không phải quá lạnh, điều này vừa giúp máy tiết kiệm điện, vừa bảo vệ sức khỏe cho bạn.
Với khí hậu của Việt Nam, nhiệt độ nên điều chỉnh ở mức 25-27 độ C. Tại mức nhiệt này cường độ làm việc của máy sẽ giảm nên sẽ tiết kiệm điện hơn.
Trong quá trình sử dụng điều hòa, ngay cả chuyện cầm chiếc điều khiển để tắt - mở nếu làm đúng cách cũng có thể giúp điều hòa tiết kiệm điện năng tương đối.
Nhiều người sử dụng điều hòa với chiếc điều khiển nhỏ gọn có thể đem theo bất cứ đâu, nằm trên giường hay ngồi xem tivi cũng có thể cầm điều khiển để tắt mở điều hòa. Chính vì sự tiện dụng này mà khi sử dụng nhiều người có thói quen thấy phòng lạnh thì lập tức bấm tắt điều hòa, đến lúc phòng nóng lại cầm điểu khiển bật điều hòa lại. Cách này hoàn toàn sai lầm và còn khiến máy tiêu thụ nhiều điện hơn vì phải mất rất nhiều điện năng cho quá trình khởi động và làm lạnh lại từ đầu, ngoài ra còn làm giảm tuổi thọ, độ bền của chiếc điều hòa.
Cách tắt - mở điều hòa đúng nhất là trong quá trình sử dụng hãy luôn bật máy và chỉ tắt trước khi định ra ngoài khoảng 30-45 phút.
Một nguyên tắc nữa cũng giúp điều hòa tiết kiệm điện hiệu quả đó là chế độ hẹn giờ. Với chế độ này nên sử dụng vào ban đêm. Bởi, nhiệt độ càng về đêm càng giảm nên sử dụng chế độ hẹn giờ của máy điều hòa để lựa chọn thời gian tắt. Việc này sẽ đảm bảo gia đình vừa có giấc ngủ thật ngon, không bị lạnh về đêm, lại vừa tiết kiệm điện.
Còn với một số điều hòa mới được trang chế độ ngủ đêm thì nên tận dụng triệt để. Vì chức năng này hỗ trợ tăng dần nhiệt độ (thường mỗi giờ máy sẽ tăng 0,5 độ và tối đa là 2 độ C) để tránh cho người dùng tỉnh giấc về đêm do cảm thấy lạnh. Theo đó, khi máy tăng nhiệt độ cũng đồng nghĩa với công suất hoạt động giảm và tiết kiệm điện hơn.
Bảo Phương