Ngoài tỉnh, vẫn được vào để thu mua nông sản
Ông Huỳnh Ngọc Nhã, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Sóc Trăng cho biết: “Sở NN&PTNT Sóc Trăng đã có hướng dẫn thu hoạch, thu mua, vận chuyển nông sản, thủy sản (gọi chung là nông sản) trong thời gian áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 bắt buộc theo mức độ nguy cơ tại các xã, phường, thị trấn trên địa bàn”.
Vụ Hè Thu này sản lượng lúa Sóc Trăng tương đối lớn, trên 80% các đơn vị ngoài tỉnh đến thu mua. Đối chủ phương tiện, lực lượng tham gia đi cùng ở ngoài tỉnh vào trong tỉnh Sóc Trăng mua nông sản phải có giấy kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 không quá 72 giờ kể từ khi có kết quả xét nghiệm. Trường hợp không có giấy xét nghiệm kết quả âm tính với virus SARS-CoV-2, phải liên hệ với các chốt kiểm soát hoặc cơ quan y tế gần nhất để được hướng dẫn thực hiện việc khai báo y tế, xét nghiệm SARS-CoV-2.
Thu mua lúa ở Sóc Trăng. Ảnh: Vũ Phong
Chủ phương tiện và lực lượng lao động tham gia thu hoạch nông sản phải đảm bảo thực hiện 5K theo hướng dẫn của Bộ Y tế về công tác phòng, chống dịch Covid-19. Phương tiện được cấp mã QR để nhận diện phương tiện (luồng xanh) do Tổng cục Đường bộ Việt Nam cấp.
Đối với các phương tiện đường thủy nội địa chuyển hàng hóa thiết yếu và hàng hóa phục vụ sản xuất kinh doanh, chủ phương tiện và lực lượng tham gia đi cùng thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch. Có giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 và thực hiện nghiêm các quy định phòng, chống dịch Covid-19 tại các địa điểm tập kết, giao nhận trung chuyển hàng hoá, có sự giám sát của địa phương. Các tổ chức, cá nhân sử dụng phương tiện và lực lượng lao động tham gia đi cùng phải có giấy đăng ký lịch trình nơi đi - nơi đến và có xác nhận của địa phương để quản lý, theo dõi.
Chủ động liên hệ nơi đến với chủ hộ để bố trí, sắp xếp nơi tập kết hàng hóa phù hợp, nhưng phải đảm bảo công tác phòng chống dịch theo qui định. Nếu tổ chức, cá nhân thu mua thời gian từ 2 ngày trở đi thì phải đảm bảo “3 tại chỗ” trong suốt quá trình thu mua nông sản tại khu vực đã đăng ký, dưới sự hướng dẫn và giám sát của địa phương.
Theo hướng dẫn của Sở NN&PTNT tỉnh Sóc Trăng, đối với chủ phương tiện và lực lượng lao động tham gia đi cùng để thu hoạch, thu mua, vận chuyển nông sản được lưu thông qua lại giữa các vùng xanh (vùng an toàn) với nhau phải có giấy đăng ký và thực hiện đúng lộ trình di chuyển được xác nhận của địa phương nơi đi - nơi đến. Lực lượng lao động tham gia thu hoạch, thu mua, vận chuyển nông sản phải đảm bảo thực hiện 5K theo hướng dẫn của Bộ Y tế về công tác phòng, chống dịch Covid-19. Thực hiện giãn cách và không bố trí tập trung nhóm thu hoạch, thu mua, vận chuyển nông sản quá 20 người.
Đối với chủ phương tiện và lực lượng lao động di chuyển từ vùng có nguy cơ cao hơn sang vùng có nguy cơ thấp hơn (trừ “Vùng đỏ”) và ngược lại để thu hoạch, thu mua, vận chuyển nông sản phải có giấy đăng ký và thực hiện đúng lộ trình di chuyển được xác nhận của địa phương nơi đi - nơi đến. Phải chủ động liên hệ nơi đến với chủ trang trại, gia trại, chủ ruộng (gọi tắt là chủ hộ) bố trí, sắp xếp nơi tập kết hàng hóa phù hợp.
Chủ phương tiện và lực lượng lao động tham gia thu hoạch, thu mua, vận chuyển nông sản phải đảm bảo thực hiện 5K theo hướng dẫn của Bộ Y tế về công tác phòng, chống dịch Covid-19. Thực hiện giãn cách và bố trí tập trung nhóm thu hoạch, thu mua, vận chuyển nông sản không quá 10 người đối với “Vùng vàng”; không quá 4 người đối với “Vùng cam”.
Thu hoạch cá tra ở Sóc Trăng. Ảnh: Vũ Phong
Đối với chủ phương tiện và lực lượng lao động thu hoạch, vận chuyển tại vùng “nguy cơ rất cao” (“Vùng đỏ”), đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố có hướng dẫn quy định cụ thể tổ chức tạo điều kiện thuận lợi về lưu thông, vận chuyển, thu hoạch, thu mua, nơi giao nhận hàng hóa… giữa “Vùng đỏ” với các vùng và ngược lại, nhưng phải tuân thủ đảm bảo công tác phòng chống dịch theo qui định với sự giám sát của địa phương.
Xây dựng phương án, phát huy các Tổ chỉ đạo sản xuất nông nghiệp, Tổ giám sát cộng động tại các huyện, thị xã, thành phố. Thành lập các tổ, đội thu hoạch, thu mua, vận chuyển hàng hóa nông sản phải đảm bảo công tác phòng chống dịch theo qui định. Có giấy đăng ký và thực hiện đúng lộ trình di chuyển được xác nhận của địa phương nơi đi - nơi đến. Sát khuẩn phương tiện và thực hiện nghiêm hướng dẫn 5K của Bộ Y tế và các qui định về công tác phòng chống dịch.
Đối với chủ trang trại, gia trại, chủ hộ hoặc người đại diện chủ hộ sản xuất (gọi tắt là chủ hộ), trong quá trình tham gia thu hoạch nông sản chỉ có chủ hộ không thuộc đối tượng có liên quan đến bệnh nhân Covid-19 (được cơ quan y tế giám sát, theo dõi sức khỏe và hướng dẫn cách ly tại nhà) mới được tham gia theo dõi thu hoạch và bán nông sản của mình.
Đối với trường hợp chủ hộ thuộc đối tượng đang theo dõi sức khỏe và cách ly tại nhà, phải nhờ người thân (không mắc bệnh Covid-19) theo dõi, tham gia thu hoạch hộ. Trường hợp không thể nhờ người thân thu hoạch hộ được, liên hệ với UBND xã, phường, thị trấn hoặc Ban chỉ đạo phòng chống Covid-19 xã, phường, thị trấn để có giải pháp hỗ trợ, kịp thời.
Ở Bạc Liêu, Phó chủ tịch UBND tỉnh - Lê Tấn Cận cũng đã có chỉ đạo, trước mắt, các địa phương cần hỗ trợ lẫn nhau trong việc thu hoạch, vừa đảm bảo an toàn, vừa tạo công ăn việc làm cho lao động địa phương.
“Các địa phương cần thống kê chính xác diện tích và thời gian thu hoạch lúa, kết nối với các mối lái truyền thống trong và ngoài tỉnh để thu hoạch, tiêu thụ lúa thông thương cho nông dân. Khẩn trương xây dựng những “vùng xanh” vừa phục vụ thu hoạch, vừa tiêu thụ nông sản cho địa phương mình được an toàn, hiệu quả và nhanh chóng”, ông Cận lưu ý.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu cũng yêu cầu, Sở GTVT đề xuất và đưa ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho người dân trong việc vận chuyển hàng hóa lưu thông (cả đường bộ và đường thủy).
Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Nguyễn Trường Hận - Phó giám đốc Sở GTVT tỉnh Bạc Liêu cho biết, sau khi có chỉ đạo của Thường trực UBND tỉnh, Sở đã xây dựng xong dự thảo “luồng xanh” đường thủy nội địa trên địa bàn tỉnh dựa trên cở sở lấy ý kiến đóng góp của các Sở, ban, ngành và địa phương có liên quan, sau đó trình UBND tỉnh xem xét có ý kiến chỉ đạo.
Tình hình tiêu thụ sẽ khả quan
Ông Huỳnh Ngọc Nhã, Giám đốc Sở NN&PTNT Sóc Trăng cho biết: “Diện tích gieo trồng của tỉnh đến nay đạt 329.703ha, giảm 3,1% so cùng kỳ, sản lượng đạt 1,27 triệu tấn. Trong đó, vụ Hè Thu 2021 141.154 ha, ước sản lượng trên 800.000 tấn. Trong thời gian thực hiện giãn cách, sản lượng thu hoạch 33.480 tấn, được các cơ sở thu mua, nhà máy trên địa bàn tỉnh tiêu thụ hết. Dự kiến sản lượng lúa cả năm toàn tỉnh đạt 2,058 triệu tấn (kế hoạch là 2,023 triệu tấn), đạt kế hoạch đề ra trên 2 triệu tấn”.
Đối với thủy sản, đến nay toàn tỉnh đã thả nuôi 51.749ha (tôm nước lợ 39.130ha), ước sản lượng 98.322 tấn, trong đó, diện tích thu hoạch tôm nước lợ 16.184ha, sản lượng 85.400 tấn (tôm thẻ chân trắng 81.519 tấn). Thiệt hại 1.992ha, chiếm 5,1% thấp hơn cùng kỳ 1,4%. Sản lượng ước cuối năm 337.400 tấn (tôm nước lợ 183.000 tấn).
Sóc Trăng có 22 nhà máy, cơ sở chế biến tôm xuất khẩu, nên đầu ra của nông dân sẽ ổn. Ảnh: Vũ Phong
“Nhìn chung, tình hình sản xuất và tiêu thụ tương đối ổn định, vận chuyển hàng hóa phục vụ nuôi thủy sản được hỗ trợ đăng ký cấp mã QR “luồng xanh với Sở GTVT nên vẫn chuyển hàng qua các chốt đến nhà máy được thuận lợi. Các nhà máy chế biến xuất khẩu thủy sản trên địa bàn tỉnh vẫn hoạt động và đảm bảo năng lực thu mua tôm”, ông Nhã cho biết thêm.
Bà Quách Thị Thanh Bình, Phó chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Sóc Trăng cho biết: “Nhìn chung tiêu thụ tôm tạm ổn vì tỉnh có 22 nhà máy, cơ sở chế biến tôm xuất khẩu, nên nguồn lực thu mua có. Để phương tiện thu mua nông sản, thủy sản hoạt động thuận lợi trong thời gian giãn cách xã hội, ngành nông nghiệp đã phối hợp Sở GTVT cấp thẻ nhận diện phương tiện vận chuyển hàng hóa hoạt động trên “luồng xanh” và hướng dẫn lập phiếu vận tải cho các trường hợp vận tải hàng hóa trong tỉnh”.
Ông Nhã chia sẻ: “Chúng tôi thường xuyên phối hợp với Tổ 970 của Bộ; kết nối với các Sở NN&PTNT các tỉnh và tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm để hỗ trợ tiêu thụ nông sản của tỉnh. Đề nghị Hiệp hội Lương thực Việt Nam hỗ trợ tiêu thụ lúa Hè Thu; liên hệ các doanh nghiệp và tạo điều kiện thuận lợi cho họ đến thu mua lúa cho nông dân; thành lập các nhóm Zalo về tiêu thụ nông sản và HTX liên kết, cũng góp phần tiêu thụ lượng lớn nông sản…”.
Còn tại Bạc Liêu, theo báo cáo của Sở NN&PTNT về tình hình sản xuất và tiêu thụ lúa gạo vụ lúa Hè Thu 2021: xuống giống được gần 59.000ha, sản lượng ước đạt trên 330.000 tấn.
Hiện nay, máy gặt đập trong tỉnh hiện có hơn 250 máy, với diện tích thu hoạch lúa rất lớn, nếu thực hiện điều phối máy cắt trong tỉnh hoạt động thì chỉ mới đáp ứng được 50 - 60%, cần hỗ trợ máy cắt ngoài tỉnh khoảng 40 - 50% số máy mới đảm bảo tiến độ thu hoạch lúa trên địa bàn.
(Theo Báo Giao Thông)
Đừng 'trăm dâu mà đổ đầu tằm', chuyện gì cũng nói thương lái ép giá
Phải đưa đội ngũ thương lái vào hệ thống quản lý, coi họ là đối tác đồng hành. Nếu thương lái không xuống được cánh đồng để thu mua nông sản vận chuyển về nhà máy thì doanh nghiệp cũng gặp khó.