Công thức tính tỷ lệ lương hưu sẽ có thay đổi, với cùng một số năm đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) thì người nghỉ hưu trước tuổi vào năm 2017 sẽ có lợi nhất. Tuy nhiên, chỉ trong trường hợp suy giảm khả năng lao động đến 61% thì người lao động mới có thể xin nghỉ hưu trước tuổi.

Theo quy định của Điều 56 Luật BHXH 2014, từ năm 2018 trở đi công thức tính tỷ lệ lương hưu sẽ có thay đổi, hệ quả của việc thay đổi này là với cùng một số năm đóng BHXH thì người nghỉ hưu vào năm 2018 sẽ hưởng tỷ lệ lương hưu thấp hơn người nghỉ hưu vào năm 2017.

{keywords}

Người nghỉ hưu trước tuổi vào năm 2017 sẽ có lợi nhất

Ví dụ, với 25 năm đóng BHXH thì lao động nữ sẽ được hưởng tỷ lệ lương hưu là 75% nếu nghỉ hưu vào năm 2017, nhưng nếu nghỉ hưu vào năm 2018 thì tỷ lệ hưởng lương hưu chỉ còn 65% (từ 2018, mỗi năm đóng BHXH vượt 15 năm chỉ tính bằng 2% so với trước đây là 3%).

Trường hợp năm 2017 lao động nữ được 54 tuổi, đóng BHXH 25 năm, nếu nghỉ hưu trước tuổi, mức lương hưu thấp nhất họ có thể được sẽ là 73% (trừ 2% cho mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi).

Trong khi đó nếu đóng BHXH thêm 1 năm cho đến 2018 để đủ tuổi nghỉ hưu thì người lao động chỉ được hưởng lương hưu ở mức 67% (tương đương 26 năm đóng BHXH của nữ vào 2018). Vì vậy, để có “lợi” nhất khi hưởng chế độ hưu trí thì người lao động (đặc biệt là lao động nữ) nên nghỉ hưu trước tuổi vào năm 2017.

Tuy nhiên, khi nghỉ hưu trước tuổi vào những giai đoạn khác nhau của 2017 thì chế độ hưu trí cũng có sự khác nhau. Cụ thể theo quy định của Khoản 3 điều 56 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định như sau: Mức lương hưu hằng tháng của người lao động đủ điều kiện quy định tại Điều 55 của Luật này được tính như quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, sau đó cứ mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi quy định thì giảm 2%.

Trường hợp tuổi nghỉ hưu có thời gian lẻ đến đủ 6 tháng thì mức giảm là 1%, từ trên 6 tháng thì không giảm tỷ lệ phần trăm do nghỉ hưu trước tuổi. Theo quy định này, nếu người lao động sinh vào tháng 5 vậy thì khi nghỉ hưu trước tuổi vào tháng 12-2017, người lao động được hưởng lương hưu ở mức cao hơn 2% so với việc nghỉ hưu ở tháng 11.

Ví dụ, lao động nữ sinh vào ngày 1-5-1963, có 25 năm đóng BHXH, nếu làm thủ tục đề nghị được nghỉ hưu trước tuổi từ ngày 1-11-2017 thì tỷ lệ lương hưu như sau: 15 năm đóng BHXH tương đương 45%, 10 năm đóng vượt tương đương 30% (mỗi năm bằng 3%), nghỉ hưu trước tuổi vào lúc 54 tuổi 6 tháng bị trừ 1% lương hưu do số tháng lẻ là 6 tháng. Tổng lại, người lao động sẽ được hưởng lương hưu ở mức 74%.

Cũng trường hợp trên, nếu người lao động làm thủ tục đề nghị nghỉ hưu trước tuổi từ ngày 1-12-2017 thì tỷ lệ lương hưu như sau: 15 năm đóng BHXH tương đương 45%, 10 năm đóng vượt tương đương 30% (mỗi năm bằng 3%), nghỉ hưu trước tuổi vào lúc 54 tuổi 7 tháng không bị trừ lương hưu do số tháng lẻ là 7 tháng. Tổng lại NLĐ sẽ được hưởng lương hưu ở mức 75%.

Mặc dù vậy, không phải là trong trường hợp nào người lao động cũng có thể nghỉ hưu trước tuổi. Theo quy định thì chỉ trong trường hợp bị suy giảm khả năng lao động đến 61% thì người lao động mới có thể xin nghỉ hưu trước tuổi.

Để xác định việc suy giảm khả năng lao động thì người lao động có thể yêu cầu công ty làm giấy giới thiệu theo mẫu ở Phụ lục 3 của Thông tư 14/2016/TT-BYT và gửi đến Hội đồng Giám định y khoa yêu cầu thực hiện giám định. Kết quả giám định này sẽ là cơ sở để thực hiện hồ sơ xin nghỉ hưu trước tuổi.

(Theo An ninh Thủ đô)