Vợ chồng anh Khánh, chị Vân ở Văn Giang (Hưng Yên) kinh doanh ăn uống ở trung tâm thị trấn Văn Giang đã 7 năm. Tuy nhiên, từ đầu năm 2021 tới nay, do dịch Covid diễn biến phức tạp, nhiều nơi thực hiện giãn cách xã hội, chợ đóng cửa, học sinh nghỉ học, ngay cả khách vãng lai chạy xe từ các tỉnh về Hà Nội hay ghé vào quán cơm của anh ăn cũng giảm tới 70-80% nên nguồn thu của anh chị gần như không còn.

“Hết giãn cách xã hội, mình mở cửa quán cơm bán lại nhưng cũng chẳng có khách; trong khi vẫn phải nuôi nhân công, thuê mặt bằng. Hai vợ chồng quyết định đóng cửa quán, trả lại cửa hàng, thanh lý toàn bộ bàn ghế vì nhà mình chật, không có chỗ để”, anh Khánh kể.

Vợ chồng anh Khánh vốn không có nguồn thu nhập nào khác từ công việc kinh doanh quán cơm, nên khi đóng cửa tiệm ăn, anh chị rơi vào cảnh khó khăn tài chính bởi dù đã cắt giảm tối đa chi tiêu mùa dịch. 

{keywords}
 Vợ chồng anh Khánh làm quán cơm bụi di động trên chiếc xe tải cũ 

Nghỉ vài tháng không kinh doanh, anh chị buộc phải tiêu vào tiền tích kiết kiệm. ‘Miệng ăn núi lở’, nguồn dự phòng cũng có hạn, cả hai rất sốt ruột nên phải xoay xở nghĩ cách kiếm tiền nuôi con vì dịch không biết tới bao giờ mới hết.

Sau nhiều ngày trăn trở, vợ chồng anh Khánh quyết định làm một quán cơm bụi di động trên chiếc xe tải cũ mà lúc trước anh chị dùng để nhập thực phẩm.

“Do ngày trước mình thường xuyên đi qua đoạn đường nối cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình thuộc địa phận Hưng Yên, đường rộng, lượng xe đông, hai bên đường thi thoảng có người dân ngồi bán hoa quả như nhãn, mít,... Nhiều khi đi đường thấy đói, muốn tìm quán ăn tạm mà không có. Thế nên, mình nảy ra ý tưởng dùng luôn chiếc xe tải chở hàng của vợ chồng để làm quán cơm di động. Xe đậu bên vệ đường, tiện phục vụ đồ ăn cho khách".

Anh Khánh bắt đầu bán cơm bụi trên chiếc xe tải từ đầu tháng 8. Sáng ra, chị Vân đi chợ sớm mua thực phẩm rồi hai vợ chồng đánh xe đậu vào vệ đường, chỗ có bãi cỏ rộng. 

Mọi hoạt động chế biến, ướp tẩm gia vị món ăn chị làm trên thùng xe. Anh mang theo một bếp than hoa để nướng thịt. Vì nấu nướng ở vệ đường nên anh chị chỉ phục vụ những món đơn giản như thịt nướng, thịt xiên... Những món cầu kỳ hơn như sườn chua ngọt, nem rán, cá kho,... chị làm sẵn ở nhà từ tối hôm trước, hôm sau mang đi chỉ việc rán lại.

{keywords}
Vì nấu nướng trên đường nên món ăn cũng bị hạn chế

Với cơm, anh chị cũng nấu sẵn ở nhà rồi bỏ vào thùng giữ nhiệt bán từ sáng tới trưa vẫn còn nóng. Ngoài ra, vợ chồng anh tranh thủ luộc trứng vịt lộn, làm bánh bao, xôi, bánh mì kẹp trứng để phục vụ bữa sáng cho khách đi đường.

Anh Khánh cho hay, nhờ chọn được chỗ đất rộng nên việc để xe, kê bếp nướng khá thoải mái, không ảnh hưởng tới giao thông. Lúc đầu, anh chị cũng kê 1-2 chiếc bàn với kéo tấm bạt che mưa nắng cho khách ăn, nhưng để qua đêm bị mất trộm hết. Sau đó, anh chị không sắm lại nữa bởi thực tế khách đi đường đều vội, họ mua cơm xong thường lên xe đi luôn. Mùa dịch, mọi người cũng tránh tụ tập đông.

Theo chia sẻ của người đàn ông này, kinh doanh xe cơm di động như vậy không mất chi phí thuê mặt bằng, không mất tiền thuê nhân công, tuy nhiên lượt khách ít hơn, món ăn hạn chế.

“Mình chỉ bán từ 5h sáng tới 1h chiều, mỗi ngày được khoảng 30 tới 35 suất cơm cộng với đồ ăn sáng. Trừ mọi chi phí, mình thu về từ 300.000-400.000 đồng, doanh thu một tháng rơi trên dưới chục triệu đồng, bằng 1/3 so với doanh thu khi kinh doanh quán cơm ngày trước. Hôm nào trời mưa, khách ngại dừng xe thì hầu như chẳng bán được gì”, anh nói.

Với thu nhập như trên, anh chị cũng tạm chi tiêu đủ trong mùa dịch. Tuy nhiên, công việc kinh doanh này rất vất vả, ngày nắng thì gió bụi, mưa thì bị hắt nước rồi không có khách.

Khi được hỏi về dự định tương lai, anh Khánh bảo: “Tình hình dịch bệnh thế này, trước mắt, vợ chồng mình vẫn tạm thời duy trì xe cơm bụi để có khoản thu nhập nuôi con, chi tiêu sinh hoạt trong gia đình. Chỉ mong dịch được kiểm soát, khi ấy hai vợ chồng lại quay về thuê mặt bằng mở lại quán cơm phở như trước”.

Thu Giang

Vui mừng mở quán, 2 tháng vắng khách rồi đóng cửa, lỗ chồng thêm lỗ

Vui mừng mở quán, 2 tháng vắng khách rồi đóng cửa, lỗ chồng thêm lỗ

Hai tháng sau giãn cách xã hội, nhiều quán ăn nhậu, quán cafe đã mở cửa trở lại nhưng lượng khách chưa đông, phục vụ khoảng 30-50% công suất nên sau thời gian hoạt động cầm chừng, không ít quán phải đóng cửa.