Vợ chồng chị Loan, anh Hùng ở Trung Liệt, Đống Đa, Hà Nội kết hôn năm 2015. Sau cưới, anh chị ở chung với bố mẹ chồng, hiện có một bé trai 4 tuổi. Chị Loan làm văn phòng lương tháng được 10 triệu đồng, anh Hùng chồng chị làm giám sát thị trường cho một doanh nghiệp tư nhân, thu nhập trung bình 15 triệu đồng/tháng.
Sống cùng bố mẹ, không phải lo tiền nhà nên tổng thu nhập 25 triệu đồng một tháng là khá thoải mái với một cặp vợ chồng trẻ. Tuy nhiên, ngay sau cưới, vợ chồng chị Loan đã lập ra kế hoạch chi tiêu cụ thể, với những mục tiêu rõ ràng, để cả hai cùng phấn đấu.
Sau cưới, vợ chồng chị Loan đã thiết lập kế hoạch chi tiêu rõ ràng (Ảnh minh họa) |
“Vợ chồng mình thống nhất tài chính thu về một mối. Hàng tháng nhận lương, chồng mình sẽ chuyển khoản cho vợ 13 triệu, anh ấy chỉ giữ 2 triệu để đổ xăng xe, ăn trưa và cà phê bạn bè. Mình sẽ để ra 1,5 triệu chi tiêu bản thân. Số tiền 21,5 triệu sẽ được chia thành từng khoản”, chị Loan chia sẻ.
Cụ thể, các khoản tiền chi tiêu trong gia đình chị như sau: Tiền ăn uống sinh hoạt góp với bố mẹ chồng: 4 triệu đồng; Tiền bỉm sữa, thuốc men của con: 3 triệu đồng; Đối nội đối ngoại: 2 triệu đồng, khoản này có tháng không dùng hết hoặc không dùng đến, chị Loan dồn vào khoản tiết kiệm dự phòng.
Sau khi trừ mọi khoản chi phí, vợ chồng chị Loan để dành được 12,5 triệu đồng một tháng. Số tiền này chị Loan chia ra thành 3 giỏ tiết kiệm riêng biệt. Chị Loan cho biết, sau cưới anh chị đặt mục tiêu 5 năm lần thứ nhất là phải mua được nhà riêng, nếu không ở sẽ cho thuê.
Giỏ 1: Sổ tiết kiệm, tích lũy dự phòng: 3 triệu đồng/tháng
Giỏ 2: Bảo hiểm nhân thọ đề phòng rủi ro cũng như bảo vệ sức khỏe: 2,5 triệu đồng/tháng.
Nếu nhiều người vẫn còn băn khoăn, không dám đầu tư vào bảo hiểm nhân thọ thì ngược lại, chị Loan có cách nhìn khác.
Chưa đủ tiền mua nhà như mong muốn, vợ chồng chị Loan mua đất dịch vụ kinh doanh sinh lời (Ảnh minh họa) |
“Tính mình luôn phòng xa, mặc dù đi làm được công ty đóng bảo hiểm đầy đủ, cả nhà đều có bảo hiểm y tế. Nhưng mình muốn cả tài chính và sức khỏe gia đình được bảo vệ ở mức cao hơn nên đã tìm hiểu rất kỹ về bảo hiểm nhân thọ, tìm tư vấn lâu năm trong nghề mua 3 gói bảo hiểm cho cả vợ chồng và con. Tuy nhiên, mình cũng chỉ đầu tư 10% thu nhập vào bảo hiểm, tương đương 2,5 triệu đồng/tháng cho cả 3 hợp đồng”, chị Loan kể.
Giỏ 3: Tiết kiệm mua nhà.
7 triệu đồng là số tiền hàng tháng chị Loan để riêng vào giỏ tiết kiệm mua nhà. Riêng giỏ tiền này, chị dồn cả tiền cưới, tiền thưởng quý, thưởng cuối năm của hai vợ chồng vào đó.
Ngoài lương, mỗi quý chồng chị nhận được khoảng 30 triệu tiền thưởng doanh số, ngoài ra còn có tiền thưởng tháng lương thứ 13, thưởng Tết của hai vợ chồng mỗi năm cũng được khoảng 60 triệu. Những khoản này vợ chồng chị dồn cả vào để tích lũy mua nhà, tuyệt đối không tiêu phạm vào.
Chị Loan cho hay, giữ đúng nguyên tắc chi tiêu đặt ra, tháng 2/2019, sau 3 năm, vợ chồng chị có 800 triệu đồng trong giỏ tiền tiết kiệm mua nhà. Với số tiền này, anh chị chưa mua được căn nhà như mong muốn nên quyết định mua 1 mảnh đất dịch vụ rộng 35m2 ở khu Hoài Đức, giá 850 triệu đồng để kinh doanh. May mắn, tháng 2/2021, có người trả 1,5 tỷ đồng cho mảnh đất đó nên anh chị quyết định bán.
Ảnh minh họa |
Thêm nữa, trong vòng 2 năm sau khi mua đất, chị Loan cũng để dành thêm được 550 triệu đồng trong giỏ tiền tiết kiệm mua nhà. Vợ chồng chị dồn với số tiền bán đất mua một căn chung cư 3 phòng ngủ với giá 2,7 tỷ đồng. Trong đó, anh chị vay ngân hàng 650 triệu đồng trả trong 5 năm. Tính ra mỗi tháng, vợ chồng chị Loan phải trả cả gốc lẫn lãi là 16 triệu đồng.
“Sau khi mua chung cư, vợ chồng mình không ở mà cho thuê với giá 9 triệu đồng/tháng. Khoản tiền này sẽ được dồn với 7 triệu đồng trong giỏ tiền tiết kiệm mua nhà mỗi tháng coi như là đủ tiền trả nợ ngân hàng”.
Chị Loan chia sẻ thêm, dù đã mua nhà nhưng anh chị vẫn duy trì 3 giỏ tiết kiệm như trước. Trong đó, tạm thời giỏ tiết kiệm mua nhà sẽ chỉ có khoảng 200 triệu đồng mỗi năm, chủ yếu từ nguồn thưởng quý và thưởng năm của hai vợ chồng.
Sau khi đã đạt mục tiêu 5 năm lần thứ nhất, để có động lực phấn đấu hơn, vợ chồng chị Loan lại tiếp tục đặt ra mục tiêu 5 năm lần thứ hai là mua ô tô và sinh thêm 1 bé nữa.
Thu Giang
Sai lầm mua nhà ven đô: Ngày đi 40km, 10 năm vật vã trả nợ ngân hàng
Dù đã có nhà biệt thự ven đô sau 10 năm lo trả lãi ngân hàng, nhưng anh Trần Anh Tuấn vẫn thấy quyết định mua nhà 10 năm trước là sai lầm lớn trong đời.