Nhiều vụ mất tiền trong tài khoản ATM liên tiếp xảy ra thời gian gần đây làm dấy lên cảnh báo về loại tội phạm trộm cắp tiền trong tài khoản.

Những thủ đoạn lừa đảo đánh cắp thông tin tài khoản qua facebook, lừa người mua hàng thông qua các trang web nhái, lừa lấy mã OTP… tuy không mới nhưng do thiếu cảnh giác, không ít người dùng thẻ ATM vẫn bị lừa mất tiền trong tài khoản.

Nhận diện thủ đoạn

Là người bán hàng qua mạng, chị Nguyễn Hoài T (Hà Đông, Hà Nội) thường phải thực hiện các giao dịch qua Internet Banking. Giữa tháng 12-2016, có một khách hàng tự xưng là Việt kiều Canada đặt mua hàng với trị giá 13,5 triệu đồng và sẽ thanh toán qua dịch vụ MoneyGram.

Sau khi nhận được tin nhắn có nội dung thông báo chuyển khoản theo dịch vụ MoneyGram, kèm theo đường link yêu cầu chị xác nhận các thông tin cá nhân như số tài khoản, mật khẩu... chị nhận được tin nhắn thông báo mã OTP (mã khóa bí mật dùng 1 lần). Chị T điền mã này vào trang web trên thì lập tức nhận được tin nhắn bị trừ 24 triệu đồng - gần như toàn bộ số tiền trong tài khoản của chị. Liên hệ với ngân hàng, chị T mới biết mình bị lừa đánh cắp mã OTP do truy cập vào trang web giả mạo bằng đường link mà đối tượng lừa đảo gửi tới.

{keywords}

Thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tiền trong thẻ ATM ngày càng tinh vi

Gần đây, những thủ đoạn lừa đảo thông tin thẻ để đánh cắp tiền trong tài khoản như trường hợp chị T ngày càng gia tăng. Vì vậy, các ngân hàng liên tiếp gửi khuyến cáo đến khách hàng sử dụng thẻ về các thủ đoạn của loại tội phạm này.

Theo đó, các chiêu thức lừa đảo phổ biến như đánh cắp tài khoản mạng xã hội (facebook, zalo) rồi chat với bạn bè của người bị đánh cắp tài khoản nhờ gửi hoặc nhận một khoản tiền. Sau đó, đối tượng lừa đảo gửi đường link đính kèm số tiền sẽ được “ghi có” để khách hàng tin tưởng. Sau đó, đối tượng yêu cầu khách hàng nhập các thông tin user/password và OTP để nhận tiền.

Tuyệt đối không cho người khác mượn thẻ hạn chế dùng máy tính, mạng wifi công cộng khi truy cập vào hệ thống ngân hàng điện tử...

Ngoài ra, các đối tượng còn tạo ra website giả mạo rồi gửi lời cảnh báo đến người dùng về việc tài khoản đã bị khóa và đề nghị người dùng bấm vào đường link rồi thực hiện đăng nhập, cung cấp thông tin về thẻ tín dụng đang dùng để tiếp tục sử dụng dịch vụ.

Cũng có trường hợp, kẻ gian giả mạo ứng dụng, màn hình đăng nhập dịch vụ của các tổ chức tín dụng. Bằng cách gửi email từ một địa chỉ email mạo danh ngân hàng tới khách hàng, trong đó chứa đường link giả mạo, đối tượng lừa khách hàng tiết lộ các thông tin bảo mật sử dụng dịch vụ...

Nâng cao cảnh giác

Ông Phan Thái Dũng, Phó cục trưởng Cục Công nghệ tin học - Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, thời gian gần đây, NHNN đã có rất nhiều văn bản chỉ đạo đến các tổ chức tín dụng, tổ chức trung gian thanh toán về vấn đề đảm bảo an toàn thông tin, cung cấp dịch vụ cho khách hàng. Song song với việc ban hành văn bản, NHNN cũng tổ chức các kiểm tra, giám sát, kiến nghị các tổ chức tín dụng kịp thời xử lý những tồn tại tại các tổ chức tín dụng và trung tâm thanh toán.

Cùng với đó, thời gian gần đây, các ngân hàng cũng liên tục phát đi những khuyến cáo dành cho khách hàng. Cụ thể, khách hàng tuyệt đối không cho người khác mượn thẻ hoặc thông tin thẻ; không nên chia sẻ quá nhiều thông tin cá nhân trên mạng xã hội và các trang web tương tác; xem xét cẩn thận trước khi xác nhận các thông tin cá nhân qua tin nhắn điện thoại, thư điện tử, website; không bấm vào các đường link khả nghi, các website có dấu hiệu giả mạo; mua sắm, thanh toán trực tuyến tại những website uy tín; hạn chế dùng máy tính, mạng wifi công cộng khi truy cập vào hệ thống ngân hàng điện tử...

Hiện nay, NHNN cũng đã đặt ra lộ trình chậm nhất đến 2020, toàn bộ thị trường thẻ Việt Nam sẽ chuyển đổi sang thẻ chip. Theo đó, người sử dụng có thể nhập tất cả thông tin vào thẻ mà không lo bị sao chép, mất dữ liệu. Đặc biệt, đối với thẻ chip, khả năng làm giả thấp hơn so với thẻ từ tới 70%, do thẻ chip ứng dụng nhiều thuật toán mã hóa phức tạp.

(Theo An ninh Thủ đô)