Theo CNBC, "siêu chu kỳ hàng hóa", "năm tốt nhất của hàng hóa trong vòng một thập kỷ", "thời kỳ vàng của vàng" là những cụm từ được dùng để mô tả hoạt động của thị trường vàng trong năm 2020.
Những bất ổn kinh tế do cuộc khủng hoảng vì dịch Covid-19, các biện pháp nới lỏng tài khóa và tiền tệ của hàng loạt ngân hàng trung ương trên khắp thế giới đẩy giá vàng lên ngưỡng cao kỷ lục trong năm 2020. Giá kim loại quý ghi nhận mức tăng giá gần 25% vào năm ngoái.
Tuy nhiên, đà tăng của giá vàng không kéo dài sang năm 2021. Tính từ đầu năm đến nay, vàng đã sụt giá 8% và hiện được giao dịch quanh mức 1.730 USD/ounce.
Theo dữ liệu của Kitco hôm 18/3 (theo giờ Việt Nam), giá vàng thế giới giao ngay đang ở mức 1.737,5 USD/ounce, giảm 0,43% so với mức đóng cửa của phiên giao dịch trước đó.
Theo dữ liệu của Kitco, giá vàng thế giới giao ngay đang ở mức 1.737,5 USD/ounce. Ảnh: Kitco. |
Lãi suất bật tăng, kinh tế phục hồi
Nguyên nhân đầu tiên khiến giá vàng sụt giảm là lãi suất trái phiếu kho bạc Mỹ phục hồi. Tính từ đầu năm, lãi suất thực bật tăng từ đáy -1% lên -0,6%. Trong khi đó, lãi suất tăng đồng nghĩa với chi phí cơ hội của việc nắm giữ vàng tăng lên.
Ngoài ra, lãi suất trái phiếu phục hồi cũng giúp thu hút dòng tiền đầu tư từ những tài sản rủi ro hơn (vàng, cổ phiếu, tiền mã hóa) vào các tài sản an toàn, dẫn đến việc đồng bạc xanh tăng giá. Trong năm 2020, khi lãi suất của Mỹ rơi xuống mức thấp kỷ lục, người Mỹ ồ ạt chuyển tiền khỏi tài khoản ngân hàng và đổ vào những tài sản như Bitcoin, vàng và cổ phiếu.
Diễn biến của thị tường trái phiếu gợi nhắc các nhà đầu tư về sự kiện "taper tantrum" hồi năm 2013. Vào thời điểm đó, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) công bố kế hoạch giảm mua trái phiếu, khiến lãi suất tăng vọt, dẫn đến sự tụt dốc mạnh của thị trường vàng, chứng khoán và giá trị đồng tiền của các nền kinh tế mới nổi.
Thêm vào đó, theo ông Amit Pabari, Giám đốc điều hành CR Forex Advisors, nền kinh tế Mỹ dường như đang trên đà phục hồi mạnh chưa từng thấy, tính cả trước thời điểm dịch Covid-19 bùng nổ.
Mối tương quan giữa lãi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Mỹ và giá vàng. Ảnh: CNBC. |
Giới quan sát lần lượt nâng dự báo tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ sau khi chính quyền Washington tăng tốc triển khai tiêm chủng Covid-19 và thông qua gói kích thích trị giá 1.900 tỷ USD. Quy mô gói cứu trợ lớn hơn nhiều dự đoán của vài tháng trước.
Goldman Sachs dự báo tăng trưởng GDP năm 2021 của Mỹ sẽ đạt 6,9%, mức cao nhất kể từ năm 1984. Morgan Stanley thậm chí còn lạc quan hơn. Tốc độ tăng trưởng được ngân hàng đưa ra là 7,3%.
Đối với các công dân Mỹ, những tín hiệu lạc quan này cho thấy một thị trường việc làm lành mạnh và triển vọng tốt hơn sau cuộc khủng hoảng năm 2020. Morgan Stanley dự báo tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ sẽ giảm xuống dưới 5% vào cuối năm 2021 và thấp hơn 4% cuối năm 2020.
Gói cứu trợ 1.900 tỷ USD được Tổng thống Mỹ Joe Biden ký ban hành bao gồm 1.400 USD chi phiếu, tăng cường trợ cấp thất nghiệp, giảm trừ thuế và 350 tỷ USD dành cho các bang và chính quyền địa phương.
Khả năng FED thắt chặt chính sách tài khóa và tiền tệ
Triển vọng kinh tế cũng được thúc đẩy bởi những tiến bộ trong việc đối phó đại dịch. Khi chiến dịch tiêm chủng được tăng tốc, ngày càng nhiều người hy vọng các hạn chế sẽ được dỡ bỏ, tạo điều kiện cho hoạt động kinh tế phục hồi.
Trong khi đó, vàng được coi là một trong những tài sản "trú ẩn" an toàn, vốn hưởng lợi khi nền kinh tế sa sút và triển vọng ảm đạm. Ngoài ra, theo giới phân tích, nền kinh tế Mỹ phục hồi có thể dẫn đến quyết định thắt chặt thị trường của FED.
Đó là thông tin tiêu cực đối với vàng. Nguyên nhân là khi FED "đóng van" bơm tiền, sức mạnh của đồng USD sẽ phục hồi và tạo áp lực lên giá kim loại quý. Theo báo cáo tuần tính từ ngày 2/3 đến ngày 9/3 của Ủy ban Giao dịch Hàng hóa Tương lai Mỹ (CFTC), các quỹ đầu cơ đang bán tháo vàng ồ ạt.
Số lượng hợp đồng mua tương lai của vàng trên sàn Comex giảm xuống còn 96.223 hợp đồng. Trong khi đó, số hợp đồng bán tăng từ 6.145 hợp đồng lên 66.793 hợp đồng.
"Động thái của các nhà đầu tư cho thấy vàng sẽ không phải một khoản đầu tư tốt trong tháng tới", ông Amit Pabari - Giám đốc điều hành CR Forex Advisors - bình luận.
"Tóm lại, triển vọng phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế toàn cầu, lãi suất trái phiếu của Mỹ phục hồi và khả năng FED thắt chặt các chính sách tài khóa và tiền tệ đã khiến giá vàng lao dốc", ông Pabari kết luận.
Vàng thường được coi là hàng rào chống lại rủi ro lạm phát. Tuy nhiên, vị giám đốc của CR Forex Advisors cũng cho rằng kim loại quý sẽ không thể là một biện pháp phòng ngừa tốt. Bởi lãi suất danh nghĩa đang gia tăng.
"Và do đó, từ góc độ lợi nhuận, vàng có thể không còn nhiều hấp dẫn đối với các nhà đầu tư. Đà giảm của giá vàng có khả năng kéo dài hơn nữa", ông Pabari đưa ra dự đoán. Theo ông, trong thời gian tới, vàng sẽ được giao dịch trong phạm vi 1.650-1.780 USD/ounce.
(Theo Zing)