Trong tay chỉ có vỏn vẹn 200 triệu đồng tiết kiệm, vợ chồng tôi đánh liều vay thêm để mua căn chung cư rộng hơn 100 mét vuông với giá 1,7 tỷ đồng. Đến giờ, sau gần 4 năm chắt bóp ăn tiêu, lao đầu vào làm kiếm tiền, cuối cùng vợ chồng tôi cũng thở phào nhẹ nhõm khi khoản tiền nợ 1,5 tỷ đã được trả hết.

Lương 25 triệu/tháng: 7 năm vẫn trắng tay, tôi xấu hổ ăn bữa cơm nhà bạn

Dưới đây là chia sẻ về câu chuyện liều mình vay tiền mua nhà chung cư cách đây 4 năm của vợ chồng anh Lương Ngọc Quyền ở Hà Đông (Hà Nội):

Tôi năm nay 28 tuổi, đã kết hôn được gần 5 năm nay. Hai vợ chồng đều là dân tỉnh lẻ lên Hà Nội lập nghiệp. Vợ tôi có công việc ổn định tại một công ty với mức lương 14 triệu đồng/tháng tính cả tiền phụ cấp, còn tôi làm nghề kinh doanh buôn bán tự do.

Sau một thời gian kết hôn, vào đầu năm 2015, vợ chồng tôi quyết định mua lại căn hộ chung cư rộng hơn 100 mét vuông ở Hà Đông của một chị đồng nghiệp cùng cơ quan vợ.

Tâm lý đang phải đi ở trọ, nghĩ đến mình có một căn nhà mới rộng rãi để ở khiến vợ chồng tôi quyết định đặt cọc 100 triệu đồng để mua ngay sau lần đầu đến thăm mà không kịp bàn bạc với bố mẹ ở quê.

Giá chủ cũ bán là 1,7 tỷ đồng. Lúc đó, do mới kết hôn chưa được bao lâu nên vợ chồng tôi chỉ có vỏn vẹn 200 triệu đồng tiết kiệm được từ tiền mừng cưới và tiền lương hàng tháng. Song, chúng tôi tính, sẽ nhờ bố mẹ 2 bên hỗ trợ một nửa số tiền còn thiếu, phần còn lại đi vay lãi.

Thế nhưng, đến lúc bàn chuyện mua nhà với hai bên gia đình, vợ chồng tôi mới hay tin khoản tiền 300 triệu bố mẹ vợ hứa hỗ trợ khi chúng tôi mua nhà ở Hà Nội đã đầu tư cho em trai vợ ở quê mở quán game. Còn bố mẹ tôi cũng thông báo, bao nhiêu tiền tích cóp ông bà đã dùng để lo đám cưới cho tôi, rồi cho vợ chồng tôi 2,5 lượng vàng làm của hồi môn, chưa kể, nhà vừa có người nằm viện nửa năm trời nên cũng tiêu hết sạch số tiền tích cóp bao năm.

{keywords}
Vay 1,5 tỷ mua nhà chung cư, vợ chồng anh Quyến trả hết nợ trong vòng gần 4 năm (ảnh minh họa)

Vậy là, kế hoạch không thuận lợi như dự tính ban đầu nên tôi bàn với vợ thôi không mua nhà nữa. Thế nhưng, tiền cọc đã đặt 100 triệu đồng, giờ hủy kèo thì mất hết. Mà 100 triệu là khoản tiền không hề nhỏ với một cặp vợ chồng chân ướt chân ráo lên Hà Nội lập nghiệp.

Tiếc tiền, chúng tôi mất ăn mất ngủ mấy đêm liền, sau đó quyết định lại bắt xe về quê, nhờ bố mẹ hai bên chạy vạy vay tiền để mua căn nhà như đã định. Kết quả, sau một tuần ngược xuôi hỏi vay anh em trong gia đình, bạn bè, người thân, bố mẹ 2 bên cũng vay giúp vợ chồng tôi 15 cây vàng và khoản tiền 1 tỷ đồng.

Vay vàng trả bằng vàng nên không lo chuyện gánh lãi. Còn 1 tỷ đồng kia, vợ chồng tôi phải chịu lãi 10%/năm. Nhưng đổi lại, số tiền này là vay bạn bè của bố mẹ nên chúng tôi có thể trả dần và cũng không phải cầm cố nhà cửa của bố mẹ.

Vay được đủ tiền, vợ chồng tôi hoàn thành thủ tục mua nhà trong vòng 1 tháng. Song, dọn về nhà mới ở cũng là lúc chúng tôi phải lên kế hoạch làm ăn để có thể trả được khoản nợ khổng lồ đang gánh trên vai.

Mới đầu, chúng tôi dự kiến trả trong 7 năm sẽ hết. Nhưng áp lực gánh lãi khiến 2 vợ chồng tôi đứng ngồi không yên, bởi vay càng lâu thì tiền lãi phải trả càng nhiều. Thế nên, chúng tôi quyết tâm lên kế hoạch ăn tiêu thật tiết kiệm, đồng thời lao vào làm việc như điên để kiếm tiền. Theo đó, vợ tôi ngoài công việc chính còn đi làm thêm, rồi kế hoạch sinh con cũng hoãn lại để tập trung thời gian kiếm tiền trả bằng hết nợ.

Vợ tôi, ngoài công việc hành chính ở công ty, tất cả các buổi tối trong tuần đều đi gia sư tiếng Anh (vợ tôi tốt nghiệp ĐH Ngoại ngữ) cho các em nhỏ trong khu chung cư. Cộng cả tiền lương và tiền làm thêm của vợ lại mỗi tháng cũng được 19 triệu đồng. Tiền này, mỗi tháng chúng tôi chi tiêu hết 6 triệu cho sinh hoạt hàng ngày và các khoản khác, còn 13 triệu tích cóp lấy tiền để trả nợ. Tính ra mỗi năm cũng để được khoảng 160 triệu đồng, đó là chưa tính tiền thưởng lễ Tết.

Tôi tốt nghiệp Đại học Nông nghiệp, trước buôn bán thực phẩm sạch và cây cảnh online. Song mảng thực phẩm lời lãi không được bao nhiêu, trong khi mảng kinh doanh cây cảnh online của tôi lại cho thu nhập khá ổn định. Do đó, tôi quyết định dừng việc bán thực phẩm online để chuyên tâm kinh doanh cây cảnh văn phòng.

Tuy giá trị chỉ từ vài chục ngàn đến vài trăm ngàn một sản phẩm, nhưng đổi lại, nhu cầu mua cây của dân văn phòng, dân ở chung cư rất cao. Nguồn hàng lại từ các nhà vườn ở Hưng Yên, Trung Quốc khá phong phú, giá lại rất hợp lý.

Chuyển sang kinh doanh cây cảnh, nửa năm đầu tiên mỗi tháng thu nhập được khoảng 20 triệu đồng do chỉ bán được cho khách lẻ. Sau đó, tôi quyết định thuê một cửa hàng nhỏ trên phố gần nhà nhập thêm cây về bán, đồng thời mở dịch vụ thiết kế, thi công vườn ở ban công, công sở,... Nhờ vậy, thu nhập cũng tăng lên trung bình 30-40 triệu đồng/tháng.

Năm đầu tiên, cả tiền tiết kiệm của vợ và của tôi kinh doanh, chúng tôi để dành được 550 triệu đồng để trả lãi và trả bớt tiền gốc của khoản vay 1 tỷ đồng lúc mua nhà.

Để có khoản tiền này, vợ chồng tôi “cày cuốc” ngày đêm không nghỉ. Trong khi, mỗi tháng chỉ dám tiêu vỏn vẹn 6 triệu đồng cho tất cả các khoản xăng xe, điện thoại, điện nước, tiền ăn uống (gạo được bố mẹ gửi lên cho),... Tất cả tiền kiếm được đều ưu tiên cho việc trả nợ. Thậm chí, chúng tôi còn không dám ra ăn ngoài, tiền biếu bố mẹ 2 bên cũng chỉ vài triệu đồng vào dịp Tết.

Cứ thế, suốt 3 năm tiếp theo, chúng tôi duy trì công việc như vậy và nỗ lực hết mình để có thể trả hết nợ càng sớm càng tốt. Tiền nợ phải gánh lãi nên ưu tiên trả trước, vàng thì trả sau, trừ khi chủ nợ có việc cần gấp thì tôi phải đi mua vàng trả luôn.

Đến nay, sau gần 4 năm lao đao vì mua căn hộ, vợ chồng tôi thở vào nhẹ nhõm vì trả hết nợ. Hiện vợ tôi nghỉ làm gia sư, chỉ tập trung cho công việc ở công ty, còn tôi thì vẫn giữ nguyên việc kinh doanh cây cảnh văn phòng của mình, thuê thêm đội thợ để thực hiện các hợp đồng thi công vườn cây, sân thượng,...

Với thu nhập ổn định, nợ trả hết, việc chi tiêu sinh hoạt hàng ngày cũng thoải mái hơn. Chúng tôi dự định sẽ sinh con vào cuối năm sau, khi đã có một khoản tích lũy kha khá.

Lâm Phương ghi

Vay 400 triệu mua ô tô: Mỗi năm đi 10 lần, tiêu tốn 120 triệu, tôi khánh kiệt

Vay 400 triệu mua ô tô: Mỗi năm đi 10 lần, tiêu tốn 120 triệu, tôi khánh kiệt

Quyết định vay 400 triệu đồng để mua chiếc ô tô cũ vì nghĩ có xe thì về quê hay đi lại đỡ vất vả hơn. Thế nhưng, đó là sai lầm khiến tôi mất gần 120 triệu đồng sau một năm với chỉ khoảng chục lần sử dụng.