1. Không lập danh sách thực phẩm cần mua
Kiểm tra lại thực phẩm còn trong tủ lạnh là công đoạn rất quan trọng trước khi đi siêu thị nhưng nhiều người tiêu dùng thường bỏ qua. Việc làm này giúp cho chúng ta nắm được số lượng thực phẩm còn lại hoặc những đồ vẫn có thể tiếp tục sử dụng. Từ đó lên danh sách các đồ dùng, vật dụng còn thiếu cần được bổ sung. Nếu không có danh sách hợp lí, người tiêu dùng sẽ dễ dàng chi tiêu quá tay, đôi khi đồ dùng còn thiếu lại không mua mà lại mua những thứ không hay sử dụng đến.
Chính vì vậy, việc kiểm tra lại thực phẩm, đồ dùng trước khi quyết định đi mua sắm là vô cùng cần thiết. Căn cứ vào những gì còn lại, người tiêu dùng hãy lập danh sách các món đồ thiết yếu cần phải bổ sung. Cách làm này sẽ giúp chúng ta mua đủ những thứ mình cần, không thừa cũng không thiếu.
2. Cái gì cũng mua nhiều để tích trữ
Quy tắc mua hàng với số lượng lớn để tích trữ không áp dụng với các mặt hàng tươi sống, đồ đông lạnh hay ngũ cốc. Chúng thường rẻ hơn khi mua lẻ. Hơn nữa, những món đồ này cũng có thời hạn sử dụng ngắn, không hợp để lưu trữ.
3. Thói quen làm đầy giỏ hàng
Nhiều người trong số chúng ta mắc phải một thói quen khó bỏ khi đi mua sắm tại siêu thị đó chính là phải làm đầy giỏ hàng khi mua sắm. Khi bước vào cửa hàng, bạn thường có thói quen bước vào những quầy bánh kẹo, đồ trang trí lặt vặt, nước uống trước rồi sau đó mới tới các quầy hàng mua sắm đồ cần thiết. Điều này vô hình trung làm việc mua sắm của bạn bị chệch đường ray so với dự định và phát sinh những món hàng không cần thiết.
Thay vì vậy, khi đi vào siêu thị, điều đầu tiên bạn cần làm là bước vào quầy bán đồ ăn. Mua sắm những món đồ như rau, củ quả, thịt, cá mà cần cho bữa ăn hàng ngày của gia đình mà bạn đã tính toán trước. Những thực phẩm này sẽ nhanh chóng làm đầy giỏ hàng và khiến tâm lý mua sắm của bạn thỏa mãn. Việc không còn nhiều chỗ trống trong giỏ hàng cũng khiến bạn ngừng tâm lý mua sắm thêm và tránh mua thực phẩm thừa không tốt cho sức khỏe.
4. Không giới hạn thời gian đi siêu thị
Nhiều người có thói quen dạo khắp siêu thị trong nhiều giờ xem các loại hàng hóa mặc dù không có nhu cầu mua chúng. Điều này tưởng như bình thường vì các siêu thị thường không giới hạn thời gian với khách hàng trong mỗi lần mua sắm. Thế nhưng, nhiều nghiên cứu thực tế đã chỉ ra rằng, chúng ta có xu hướng tiêu nhiều tiền hơn khi ở lại cửa hàng hoặc siêu thị quá lâu.
Nếu muốn "bảo vệ" túi tiền của mình, người tiêu dùng nên hạn chế việc nhàn nhã dạo quanh các kệ hàng mà không để ý thời gian. Điều này vô tình sẽ khiến chúng ta dễ tiêu tiền cho những món đồ mà bản thân không thật sự cần đến. Do đó, chúng ta nên giới hạn thời gian cho mỗi lần đi siêu thị của bản thân. Khi đã mua đủ đồ dùng cần thiết, hãy đến quầy thanh toán thay vì tiếp tục dạo quanh siêu thị để ngắm các món đồ mà chúng ta không có nhu cầu dùng đến.
5. Tập trung vào quầy hàng ở ngang tầm mắt
Những sản phẩm rẻ hơn thường được bày bán ở quầy dưới cùng. Trong khi đó, người tiêu dùng có thói quen mua đồ ở những kệ hàng phía trên hoặc ngang tầm mắt họ. Hãy chịu khó quan sát một chút, bạn sẽ tìm thấy những món đồ hữu dụng với mức giá thấp hơn. Từ đó, bạn sẽ tiết kiệm được một khoản chi phí đáng kể trong sinh hoạt hàng tháng.
6. Thói quen tiện tay mua mà không chú ý tới các chương trình sale
Việc cập nhật giá cả thường xuyên và các chương trình giảm giá có thể tốn thời gian cá nhân của bạn nhưng lại có lợi ích nhất định. Cụ thể, các siêu thị thường chạy rất nhiều các khuyến mại mỗi tháng để kích cầu mua sắm của người tiêu dùng, chính vì thế, bạn cũng không nên để lỡ cơ hội có lợi này cho bản thân.
Thay vì vào siêu thị trong tình thế bị động, nhìn thấy món đồ không cần mua nhưng lại được giảm giá khiến bạn phải tốn tiền oan, thì bạn có thể tự chủ động chọn thời gian sale cụ thể để mua một lượng vừa đủ dùng dần. Cách làm này sẽ khiến bạn không tốn tiền oan mà còn được hưởng lợi nhiều hơn.
7. Tần suất đi siêu thị quá nhiều
Cũng giống như việc ở lại siêu thị quá lâu, tần suất đi siêu thị càng lớn (nhiều hơn 1 lần / tuần) thì khả năng đưa ra các quyết định mua sắm thừa thãi ngày càng cao. Lí do bởi vì, khi trong nhà thiếu thứ gì đó, chúng ta thường muốn đi mua ngay lập tức để bổ sung. Điều này vô tình khiến cho tần suất ghé thăm siêu thị ngày một tăng lên. Trong những lần "vô tình" ghé thăm siêu thị ấy, thay vì chỉ mua món mình cần, nhiều người dễ có xu hướng mua thêm những thứ không cần thiết với lý do "mua thừa còn hơn thiếu".
Để giải quyết vấn đề này, người tiêu dùng có thể trì hoãn kế hoạch mua sắm nếu món đồ đó không thực sự cần thiết. Nên giới hạn số lần đi siêu thị là 1 lần / tuần, nếu gia đình có nhu cầu mua sắm lớn cũng chỉ nên dừng ở con số 2.
(Theo Gia Đình và Xã Hội)
Những bí mật mà các siêu thị luôn cố gắng che giấu khách hàng
Các siêu thị có nhiều mánh khóe thông minh khiến khách hàng thường xuyên mua nhiều hơn số lượng họ thực sự cần.