Clip: Xót xa nông dân Đà Lạt nhổ bỏ hàng chục tấn rau vì không bán được
Mặc dù rau, hoa đã đến lúc thu hoạch nhưng người dân buộc phải nhổ bỏ vì không bán được. Đó là câu chuyện xót xa đang xảy ra trên những cánh đồng rau, hoa tại TP Đà Lạt (Lâm Đồng).
Theo ghi nhận, cánh đồng trồng rau xà lách caron của bà Nguyễn Thị Thanh Ngà (phường 8, TP.Đà Lạt) phải thuê người nhổ bỏ hàng chục tấn rau rồi cho máy cày chở đổ bỏ.
Trao đổi với phóng viên, bà Ngà chua xót cho biết giá bán thấp nhưng phí vận chuyển lại tăng gấp 2-3 lần khiến người dân không dám bán vì nắm chắc thua lỗ.
"Gia đình tôi có 1,2 ha đất trồng rau, toàn bộ là xà lách caron. Trước đó, 2.500 m2 trồng rau này, tôi đã cho các đoàn thiện nguyện đến cắt rau đưa đi hỗ trợ bà con ở vùng dịch như TP HCM, Đồng Nai, Bình Dương. Hiện 4.000 m2 này tôi chờ để đưa đi bán nhưng dịch ảnh hưởng quá nên rau không thể đưa đi được, buộc lòng phải nhổ bỏ làm đất chuẩn bị cho vụ sau" - bà Ngà nói.
Nông dân Đà Lạt thu gom rau xà lách caron lên xe máy cày đem đi đổ bỏ. |
Theo nhiều người dân trồng rau, trước kia xe tải chở rau đi một chuyến thì phải trả phí 1 triệu đồng. Hiện nay, dịch Covid-19 bùng phát kéo theo nhiều phí cho tài xế như: phải xét nghiệm, khử khuẩn rồi mọi thứ đều tăng nên phải 2-3 triệu đồng.
"Hiện giá ra xà lách ca-ron chỉ giao động mức dưới 5.000 đồng/kg, giá thuê xe tải vận chuyển cao như hiện nay thì nhà vườn thua lỗ nặng sau khi trừ các chi phí" - bà Ngà thông tin.
Trung bình, 1 sào (1.000 m2), nhà vườn sẽ mất khoảng 25 triệu đồng tiền đầu tư giống, phân bón, thuốc, chưa tính công trồng, chăm sóc, thu hoạch.
Nhẩm tính, với 4.000 m2, hiện tại bà Ngà đã mất 100 triệu đồng chưa tính tiền công chăm sóc và cả công thuê người nhổ bỏ.
Hàng chục tấn rau bị người dân bỏ đống ở bờ vì không bán được. |
Không chỉ rau là không bán được, hoa cũng lâm cảnh tương tự. Bà Nguyễn Thị Đức Tình (ngụ đường Mai Anh Đào, TP Đà Lạt) chia sẻ: "Vào thời điểm này năm ngoái, hoa đồng tiền có giá khoảng 1.500 đồng/bông, thế nhưng hiện nay thương lái không mua hoa nữa. Vì vậy, tôi vẫn phải thu hoạch những bông đã to rồi xếp đống bên bờ vườn, chiều tối sẽ đưa đi đổ".
Cũng theo bà Tình, hiện nay gia đình bà đang canh tác 1.200 m2 hoa đồng tiền trên 1 năm tuổi. Trung bình, mỗi tuần chị phải cắt bỏ khoảng 6.000 bông rồi đem đổ bỏ. "Giờ cuốc bỏ thì tiếc vì hoa đồng tiền này thu hoạch được trong 3 - 4 năm. Trồng rau, trồng hoa giờ giống như canh bạc, hên xui lắm, đến vụ thì vẫn phải xuống giống, không thể để đất trống được" - bà Tình nói như mếu giữa vườn.
Xót xa |
Ông Đa Cát Vinh, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Lâm Đồng, cho biết trong thời gian vừa qua, đơn vị cũng đã làm cầu nối để kết nối những doanh nghiệp muốn mua rau, củ, quả của người dân trên địa bàn để đưa đến các vùng dịch làm từ thiện với giá khá ưu đãi.
"Đây là cách làm giúp cho người dân không bị ảnh hưởng quá nặng nề do dịch Covid-19. Đồng thời, cũng giúp các đoàn làm thiện nguyện có nông sản để cung cấp, hỗ trợ cho vùng dịch. Thế nhưng, dịch bệnh bùng phát phức tạp kéo theo nhiều hệ lụy, giá cả xuống quá thấp, người nông dân lâm cảnh thua lỗ là không thể tránh khỏi" - ông Vinh phân trần.
Người trồng rau Đà Lạt lỗ nặng vì rau không bán được. |
(Theo Người Lao Động)
Khoai tây Trung Quốc lại đổ về xứ rau Đà Lạt
Cơ quan chức năng TP.Đà Lạt đang lấy mẫu khoai tây có xuất xứ từ Trung Quốc, do xe container chở từ Lào Cai vào để kiểm nghiệm dư lượng thuốc bảo vệ thực vật.