Hiện nay, người Sài Gòn chỉ cần “lướt smartphone” là có ngay xe ôm Grab, Uber vừa giá rẻ vừa lịch sự đến rước tại chỗ. Chính vì thế, xe ôm truyền thống ngày càng ế ẩm, quạnh hiu và chỉ trông chờ vào khách quen.

Cạnh tranh nên đành chịu khổ

Mặc dù chỉ mới du nhập vào Việt Nam một vài năm, thế nhưng xe ôm công nghệ lại chiếm ưu thế và đang bùng nổ.

Đối tượng tham gia chủ yếu là những người chưa có công việc ổn định, người lớn tuổi, sinh viên ra trường không có việc làm hay đi làm thêm.

{keywords}

Xe ôm truyền thống ế ẩm, lao đao vì xe ôm công nghệ.

Từ khi mới xuất hiện, được rất nhiều người dân Sài Gòn sử dụng bởi xe ôm công nghệ tiện lợi, rẻ hơn, an toàn hơn... cách sử dụng cũng rất đơn giản chỉ cần đặt (book) trên app của smartphone, người dùng có thể khởi hành trong giây lát và cũng như một quy luật tất yếu của kinh tế thị trường, xe ôm công nghệ đang dần lấy đi “nồi cơm” của những người chạy xe ôm truyền thống.

Vào một buổi sáng đầu tuần, tôi tìm đến trạm xe buýt chợ Bến Thành (Q.1, TP.HCM) nơi tụ họp rất nhiều bác chạy xe ôm truyền thống. Tôi chào hỏi, bắt chuyện với một bác xe ôm đang ngồi trên xe phì phà điếu thuốc nhìn theo những chuyến xe buýt đợi khách đến hỏi đi.

Bác xe ôm ấy tên là Cổ Phu Thuận (65 tuổi, ngụ tại khu Mã Lạng, Q.1, TP.HCM), bác Thuận đã có 17 năm gắn bó với nghề xe ôm. Khi được hỏi về xe ôm công nghệ, bác Thuận chỉ cười và chia sẻ: “Thời buổi nó như vậy đấy con ơi, bác chạy lâu rồi giờ ai kêu thì chạy thôi chứ giờ người ta đi xe ôm công nghệ không à”.

Được biết, bác Thuận là nguồn thu nhập chính trong gia đình, lúc trước khi chưa có xe ôm công nghệ thì chỉ cần chạy từ 6h sáng đến 17h chiều là đã có đủ tiền để trang trải cho gia đình, nhưng hiện nay bác Thuận ngồi từ sáng đến chiều chỉ được vài người đi, không đủ tiền cho một ngày.

Bác Thuận chia sẻ: “Ế thì đành chịu thôi con ơi, xe nào rẻ thì người ta đi thôi, đi xe ôm công nghệ chỉ có 3.000 đồng/km nên rẻ còn xe ôm của bác thì truyền thống chỉ chào giá được là đi à".

Cũng không riêng gì bác Thuận, một tài xế xe ôm khác cũng có cùng nỗi khổ, chú Lê Phước Thành (53 tuổi, ngụ ở đường Dương Bá Trạc, Q.8, TP.HCM) chạy xe ôm 15 năm, cứ mỗi sáng phải dậy sớm để chạy lên khu phố Tây (Bùi Viện) ngồi chờ đợi khách.

Chú Thành cũng chia sẻ: “Lúc trước chưa có xe ôm công nghệ, một ngày chú chạy được hơn 300.000 đồng tính ra một tháng cũng đủ lo cho gia đình rồi, nhưng giờ thì chỉ biết lắc đầu thôi, nhằm khi thấy khách đi bộ chú hỏi nhưng không chịu đi rồi thấy có một xe ôm công nghệ đến rước thế là thôi đành chịu, cũng chỉ biết trông vào những mối khách quen”.

Thất thủ vì xe ôm “lướt smartphone”

Đa số người chạy xe ôm truyền thống đều là những người lớn tuổi nên ai ai cũng đều hơn chục năm gắn bó với nghề chênh vênh.

{keywords}

Tuổi đã lớn không thể làm nghề gì khác nên đành phải chịu mưa chịu nắng để đợi có một chuyến xe khách thuê. Còn xe ôm công nghệ đa phần là người trẻ tuổi.

Về giá cả thì xe công nghệ rẻ gần phân nửa giá của xe ôm truyền thống mà dịch vụ lại tốt, tiện lợi và nhanh nên người dùng thường sử dụng nhiều hơn.

Khi hỏi về thu nhập hàng ngày, bác Thuận chia sẻ: “Lúc trước, bác chạy một ngày gần 300.000 đồng đủ lo cho gia đình nhưng giờ xe ôm công nghệ xuất hiện nhiều nên xe ôm của bác ít người đi, một ngày giờ chỉ kiếm được gần 100.000 đồng có khi 150.000 đồng là nhiều nhất, mà tiền xăng, ăn uống gần 100.000 đồng rồi”.

Chú Thành cũng chia sẻ: “Thu nhập của chú khi chưa có xe ôm công nghệ thì cũng kha khá, tầm ngày hơn 300.000 đồng, giờ thì giảm 50% có khi một ngày không có một người khách nào nhưng biết phải làm sao nên đành chịu, cuộc sống mà”.

Không chỉ riêng gì bác Thuận và chú Thành, hầu hết những người trong nghề xe ôm truyền thống đều bị giảm thu nhập, chỉ biết trông chờ vào khách quen. Còn muốn chở khách thì phải xuống giá thấp, chở hàng thuê nhưng tiền thì chỉ lai rai đủ ăn cơm một bữa.

Cuộc sống của họ cũng lao đao vì nhiều người chọn xe ôm công nghệ, có người cũng muốn đổi nghề nhưng ngặt nỗi các bác xe ôm đều lớn tuổi, không sử dụng công nghệ rành, nhanh như những anh xe ôm trẻ.

Một phần cũng không có đủ vốn để sắm một chiếc smartphone, bởi họ là nguồn thu nhập chính trong gia đình chỉ trông chờ vào những chuyến xe.

Khi nghe những lời các bác xe ôm truyền thống tâm sự, tôi cảm thấy ở thời đại mới thì những cái gì cũ cũng phải bị đào thải nhưng vẫn có những người chọn gắn bó với nghề chỉ vì không biết làm nghề nào khác hơn với tuổi tác, đành chịu ngồi trông chờ những người khách kêu gọi.

Chính vì thế, cùng với sự lên ngôi của smartphone, hàng ngàn dịch vụ cũng được “thông minh hóa”, mà tiêu biểu là xe ôm công nghệ. Nhưng song hành với sự hiện đại này, có những câu chuyện dở khóc dở cười từ nghề xe ôm truyền thống.

(Theo Người tiêu dùng)