Theo quy định của TP. Hà Nội, các nhà hàng, quán ăn được phép kinh doanh tại chỗ, mở cửa đến 22h nhưng không quá 50% chỗ ngồi và phải đảm bảo khoảng cách hoặc có vách ngăn, tấm chắn, chủ cơ sở và nhân viên phải được tiêm 2 mũi vắc xin phòng Covid-19, khách hàng thực hiện quét mã QR.
Theo ghi nhận của PV. VietNamNet, hai tháng qua, nhiều hàng quán đã sáng đèn trở lại, nhất là các hàng ăn, quán nhậu, quán cafe cũng dần đông đúc hơn trước.
Tại khu đô thị Văn Phú (Hà Đông), dù mới chập tối nhưng các quán cafe, quán nhậu tại đây đã nhộn nhịp hẳn so với những ngày trước đó. Nhiều quán yêu cầu nhân viên mang ghế cho khách ngồi ngay trên vỉa hè uống cafe, hay lai rai ăn nhậu.
Quán nhậu khách đã đông hơn nhưng lượng khách chỉ đạt 30-50% so với trước đây (ảnh minh họa) |
Chị Hương, 50 tuổi - chủ một quán nhậu tại khu đô thị này - cho biết, ngay khi thành phố hết giãn cách xã hội và cho hoạt động trở lại thì quán cũng mở cửa phục vụ khách. Tuy nhiên, tuy đã mở cửa được khoảng 2 tháng, khách cũng chỉ được 30-50% so với thời điểm trước dịch.
Khách đến quán thời điểm này phần lớn là những đàn ông trung niên, công nhân lao động hoặc thanh niên. Sau nhiều tháng không được gặp nhau, thấy được đi lại bình thường nên họ hẹn nhau tụ tập để nhậu lai rai.
Chị Hương phàn nàn, do công suất hoạt động vẫn bị khống chế chỉ được phục vụ 50%, không được mở cửa quá 22h đêm và quan trọng là khách chi tiêu tiết kiệm hơn nên lượng khách tới quán còn vắng.
“Khi chưa dịch, tối nào nhà tôi cũng chật kín các bàn. Thậm chí, tối đến phải kê bàn tận dụng hết 2 bên vỉa hè rộng, thuê 5 nhân viên chạy bàn mới phục vụ xuế. Nay, khách đến quán tuy có tăng nhưng hôm nào đông nhất cũng chỉ được khoảng 50% lượng khách trước kia. Hai vợ chồng tôi và một đứa cháu chạy bàn cũng đủ, chưa dám gọi nhân viên đi làm vì lượng khách phập phù ngày đông ngày vắng, hoạt động chỉ cầm chừng”, chị Hương cho hay.
Nhiều quán cafe vắng hoe khách, phải hoạt động cầm chừng. |
Tại phố ẩm thực của Vạn Phúc, Hà Đông mới 7h tối khách bắt đầu kéo đến các quán ăn. Anh Trần Tuấn, đại diện một nhà hàng lẩu lòng ở phố này, chia sẻ, cả hai cơ sở của anh đã mở cửa trở lại, nhưng lượng khách đến quán cũng lèo tèo. Cơ sở 1 ở Đại Mỗ gần một tuần qua lại phải tạm đóng cửa do có khách nghi nhiễm Covid-19, còn cơ sở 2 ở Vạn Phúc đang hoạt động lay lắt, bù lỗ cho cơ sở 1 nhưng lượng khách chỉ đạt khoảng 30%.
Lý giải nguyên nhân khách vắng, anh Tuấn cho rằng, dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, lại có quá nhiều ca lây nhiễm trong cộng đồng. Đã vậy, Hà Đông là khu vực vùng đỏ nên tâm lý của hầu hết khách hàng là ngại đến quán.
Anh Tuấn kể, như tháng 10 vừa rồi, dù có ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10 nhưng rất ít công ty đặt bàn hay các nhóm chị em, anh em rủ nhau đi ăn. Ngoài việc e ngại dịch bệnh, dường như ai cũng tiết kiệm chi tiêu hơn; thay vì đi ăn hàng mọi người tổ chức ăn tại nhà, vừa tiết kiệm tiền vừa hạn chế tiếp xúc với người lạ.
“Tháng 10 tôi phải cắn răng chịu lỗ vì riêng tiền mặt bằng mỗi tháng đã ngốn 40 triệu đồng do quán vắng hoe”.
Chỉ sang hàng cafe đối diện, anh Tuấn cho hay: “Như nhà tôi vẫn còn túc tắc phục vụ vì có khách vào ra. Chứ quán cafe kia đông khách lắm mà từ ngày mở lại, không có khách đến, sau một tháng ông chủ cũng phải đóng cửa. Bạn bè tôi kinh doanh hàng ăn ở nơi khác, nhiều người đã phải nghỉ hẳn và treo biển nhượng lại cửa hàng vì hết vốn”.
Anh Tuấn lo ngại: “Cứ đà này tôi sợ quán của mình dù cố duy trì nhưng kinh doanh không hiệu quả, lỗ nặng thì cũng phải đóng cửa. Mong từ nay đến cuối năm dịch đừng bùng lên để làm ăn bình thường được, gỡ gạc các tháng trước”.
Thảo Nguyên
Phố bar Bùi Viện thảm cảnh chưa từng có: Từ quẩy tới bến nay lỗ tới xương
Hủ tiếu, trà sữa, cơm tấm, ốc, cá viên chiên,... đủ các món ăn vỉa hè đang được bán ở phố Tây - Bùi Viện (TP.HCM). Các quán bar đình đám tại đây buộc phải bán đủ mặt hàng xa lạ để duy trì cuộc sống.