Cách tính thuế chồng thuế cùng những tác động của 10 loại phí khiến giá ô tô ở Việt Nam cao gấp nhiều lần các nước phát triển.

Ô tô ở Việt Nam được coi là mặt hàng xa xỉ, tức cần hạn chế sử dụng bằng cách thiết lập các khung chính sách đẩy giá xe lên cao.

Nếu so ngang phiên bản, giá xe tại Việt Nam có thể đắt gấp hơn 3 lần xe ở các nước phát triển.

Dưới đây là những loại phí, thuế đã độn giá xe của Việt Nam lên cao.

Thuế chồng thuế

Tại Việt Nam, hầu hết các hãng xe nhập khẩu theo điều kiện thương mại quốc tế CIF (Cost, Insurance, Freight).

{keywords}

Hyundai Grand i10 là một trong những dòng xe VN nhập từ Ấn Độ

Chẳng hạn, xe ô tô nhập khẩu từ Ấn Độ, thì mức giá này bao gồm giá xuất xưởng tại Ấn Độ (Cost), phí bảo hiểm hàng hoá (Insurance) và cước phí vận chuyển từ Ấn Độ về Việt Nam (Freight).

Mức giá xuất xưởng thấp hơn nhiều so với giá bán sản phẩm tương đương tại thị trường Ấn Độ vì hãng xe tại nước này cũng phải chịu các thuế, phí về xe và bán hàng như tại Việt Nam.

Khi về Việt Nam, để thông quan hãng phải nộp thuế nhập khẩu và khi bán ra thị trường phải nộp thêm thuế tiêu thụ đặc biệt và giá trị gia tăng (GTGT) cho mỗi chiếc.

Thuế nhập khẩu đánh lên hàng hóa nhập khẩu. Thuế tiêu thụ đặc biệt đánh lên những hàng hóa xa xỉ, cần hạn chế. Thuế giá trị gia tăng đánh lên những hàng hóa, dịch vụ tạo ra giá trị gia tăng trong mỗi khâu sản xuất, lưu thông đến tiêu dùng. Ô tô nhập khẩu thuộc cả ba nhóm này.

Nguyên tắc đánh thuế ô tô là thuế chồng thuế, tức thuế mới sẽ tính dựa trên giá xe đã cộng các thuế cũ.

Thứ tự đánh thuế sẽ là thuế nhập khẩu, sau đó thuế tiêu thụ đặc biệt và cuối cùng là thuế GTGT.

{keywords}

Ví dụ: xe nhập về cảng giá 100 triệu đồng, chịu thêm thuế nhập khẩu 70% thì giá sau thuế nhập khẩu là 100 + 100 x 70% = 170 triệu đồng.

Sau đó, giả sử thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt là 45% thì thuế thuế tiêu thụ đặc biệt được tính là 170 x 45% = 76,5 triệu. Lúc này giá sau thuế thuế tiêu thụ đặc biệt là 170 + 76,5 = 246,5 triệu.

Cuối cùng, thuế GTGT (10%) được tính là 246,5 x 10% = 24,65 triệu. Giá sau thuế GTGT trở thành 246,5 + 24,65 = 271,15 triệu đồng.

Con số 271,15 triệu vừa tính ở trên chưa phải là giá bán ra ngoài thị trường. Mức giá này mới chỉ là giá sau khi cộng ba loại thuế nhập khẩu, tiêu thụ đặc biệt và GTGT.

Hãng sau đó còn phải cộng thêm chi phí ở khâu phân phối bao gồm chi phí vận chuyển nội địa, kho bãi, thêm trang bị cho xe, chi phí tài chính, duy trì hệ thống bộ máy đơn vị nhập khẩu, marketing, bảo hành, dự phòng rủi ro, thuế thu nhập doanh nghiệp cùng lợi nhuận hãng.

Thậm chí từ ngày 1/7, các loại chi phí này cũng phải cõng thêm thuế tiêu thụ đặc biệt theo cách tính mới.

Xe lắp ráp trong nước rẻ hơn xe nhập khẩu?

Nhiều người nghĩ rằng xe lắp ráp trong nước không bị đánh thuế nhập khẩu, nên mức giá thấp hơn so với xe nhập khẩu, nhưng điều này không đúng.

Xe lắp ráp trong nước không chịu thuế nhập khẩu nguyên chiếc nhưng hầu hết các linh kiện quan trọng cấu thành chiếc xe đều phải nhập khẩu về lắp ráp, do đó phải chịu thuế nhập khẩu linh kiện.

{keywords}

Trước đây, thuế nhập khẩu linh kiện thường thấp hơn thuế nhập khẩu xe nguyên chiếc nên xe lắp ráp rẻ hơn xe nhập khẩu. Nhưng gần đây, với những ưu đãi thuế ví như thuế nhập từ ASEAN còn 30%, đến năm 2018 còn 0%, nhưng thuế nhập khẩu linh kiện vẫn ở mức 20-30%, như vậy xe lắp ráp sẽ đắt hơn xe nhập khẩu từ các nước ASEAN.

Giảm thuế sẽ giảm giá xe?

Nhiều người cho rằng, nếu giảm thuế thì giá xe sẽ giảm. Tuy nhiên, điều này chưa chắc đúng.

Như đã nói ở trên, để ra giá bán xe, các loại thuế chỉ ảnh hưởng một phần, hãng còn phải cộng thêm nhiều chi phí khác. Do đó, giảm thuế chỉ là một dấu hiệu để giảm giá chứ không phải một kết quả chắc chắn.

Ví dụ thuế nhập khẩu giảm, thuế tiêu thụ đặc biệt giảm nhưng tỷ giá hối đoái tăng khiến chi phí bỏ ra để nhập xe của hãng tăng, hay hãng mở rộng hệ thống bán hàng, chi phí marketing và vận hành tăng... cũng là những lý do để hãng không thể giảm giá thậm chí tăng.

(Theo Một thế giới)