Đề xuất mở, hợp lý

Bộ Công Thương vừa đề xuất Chính phủ ban hành Danh mục hàng hóa “cấm lưu thông” thay vì quy định Danh mục “hàng hóa thiết yếu”.

Chia sẻ với PV. VietNamNet về đề xuất này, bà Nguyễn Thị Minh Thảo, Trưởng ban Nghiên cứu Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế TƯ - CIEM), cho rằng: Danh mục Bộ Công Thương đề xuất theo hướng chọn bỏ chứ không chọn cho, đây là một ý tưởng tốt và mở hơn so với việc đưa ra danh mục hàng hóa thiết yếu

“Trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, những vấn đề lộn xộn, tắc nghẽn, lúng túng là chuyện dễ hiểu. Việc làm cứng nhắc quá dẫn tới hàng hoá không lưu thông được là một trong những yếu tố gây khó cho doanh nghiệp. Tôi cho rằng ý kiến của Bộ Công Thương là hợp lý”, bà Thảo đánh giá.

{keywords}{keywords}{keywords}

Ủng hộ đề xuất của Bộ Công Thương, TS. Lê Quốc Phương, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại, nhìn nhận thực tế, việc thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 ở 19 tỉnh phía Nam và Hà Nội đã xảy ra tình trạng ách tắc hàng hóa, trong đó có cả hàng thiết yếu. Vì thế, Chính phủ chỉ đạo phải cho hàng hoá thiết yếu đi qua.

“Nhưng hàng hoá thiết yếu là những mặt hàng nào mỗi nơi hiểu một kiểu. Chúng ta nghe rất nhiều câu chuyện trên báo chí về hàng hoá thiết yếu vẫn gặp khó khi mua bán, vận chuyển như bánh mì, sữa, tiền... ”, ông Phương nói với PV. VietNamNet, không quên nhắc lại câu chuyện “xe chở tiền không qua được chốt kiểm soát”.

Bởi lẽ, hàng hóa thiết yếu không chỉ là lương thực, thực phẩm mà còn rất nhiều hàng hoá quan trọng khác.

Theo ông Lê Quốc Phương, việc Bộ Công Thương đề xuất Chính phủ ban hành Danh mục hàng hóa “cấm lưu thông”, thay vì quy định Danh mục “hàng hóa thiết yếu”, giống như tinh thần của Luật Đầu tư hay Luật Doanh nghiệp. Các luật này không nêu ngành nghề nào được phép kinh doanh mà chỉ nêu ngành nghề nào cấm kinh doanh và hạn chế kinh doanh.

“Đề xuất của Bộ Công Thương mô phỏng cách làm trong hai luật đó, ngành nghề nào không bị cấm thì người dân được phép kinh doanh”, ông Phương chia sẻ. “Tương tự ở đây, những hàng hoá nào không nằm trong danh mục cấm thì được phép lưu thông. Điều này sẽ thuận lợi hơn cho người dân và doanh nghiệp trong vận chuyển hàng hoá”.

Thực hiện phải thống nhất

Một chuyên gia logistics cho rằng: Bản chất đề xuất của Bộ Công Thương là kiến nghị cho hàng hoá lưu thông bình thường, không phân biệt thiết yếu hay không thiết yếu, không cần “luồng xanh” nữa. Theo vị này, một số mặt hàng có thể dễ dàng phân biệt thiết yếu hay không, nhưng có mặt hàng lại “lửng lơ” vì là đầu vào cho hàng hóa thiết yếu, thời gian qua cũng bị ách tắc khi vận chuyển.

“Ví dụ có doanh nghiệp cho hay họ sản xuất hạt nhựa, là nguyên liệu để sản xuất khẩu trang. Khi doanh nghiệp vào cổng đăng ký 'luồng xanh', lại không thấy chỗ nào để khai. Nếu khai hạt nhựa có thể bị cho là không cần thiết, nhưng để sản xuất khẩu trang đây  lại là một dạng thiết yếu”, chuyên gia này phân tích.

{keywords}
Hàng trăm xe nối đuôi quay đầu tại cầu Phù Đổng, tắc dài những ngày đầu Hà Nội giãn cách. Ảnh: Đoàn Bổng

Ngoài ra, danh mục hàng thiết yếu có số lượng rất nhỏ trong vô vàn loại hàng hoá lưu thông. Ngay cả Danh mục hàng hóa thiết yếu Bộ Công Thương vừa gửi đến Sở Công Thương các địa phương cũng bị đánh giá là còn thiếu nhiều và có điểm chưa hợp lý.

Cho rằng việc đối mặt với đại dịch chưa từng có này không tránh khỏi những lúng túng trong việc lưu thông hàng hóa, ông Lê Quốc Phương bày tỏ đó là việc “hoàn toàn bình thường”. Quan trọng là đánh giá, nhìn nhận lại những mặt được và chưa được để sẵn sàng điều chỉnh.

Song, ông lưu ý phải ban hành sớm Danh mục này, và danh sách hàng hóa không được phép vận chuyển càng chi tiết càng tốt.

“Cách tiếp cận này thoáng hơn, thuận lợi hơn nhưng đổi lại, phải lập danh sách rất lớn. Việc thực thi tại các chốt kiểm soát cũng không phải đơn giản. Cần ban hành nhanh, chậm ngày nào là gay go ngày đó, không chỉ với cuộc sống của người dân mà cả doanh nghiệp, người sản xuất”, ông Phương góp ý.

Nhấn mạnh đây là chủ trương đúng, song bà Nguyễn Thị Minh Thảo (CIEM) cũng băn khoăn việc các địa phương sẽ thực thi như thế nào. “Danh mục cấm đưa ra khá dài nên việc kiểm tra cũng là vấn đề. Khó cho những đơn vị đứng ở các chốt kiểm dịch về trình độ, kỹ thuật để nhận diện đó có phải hàng cấm vận chuyển hay không; gây áp lực cho các cửa ngõ kiểm dịch. Tuy nhiên, ở các chốt quan trọng, nếu xe chỉ quá cảnh để đến địa phương khác thì tìm giải pháp tạo điều kiện cho họ vận chuyển”, bà Thảo chia sẻ.

Bà cũng lưu ý, cần thống nhất từ TƯ đến địa phương về thời hạn hiệu lực của các loại hình xét nghiệm. Bởi có địa phương chỉ áp dụng 1-2 ngày, trong khi có địa phương 3-5 ngày.

Ngoài ra, theo Bộ Công Thương, đội ngũ lao động trong các ngành vận tải - đặc biệt là vận tải liên tỉnh - cần được ưu tiên tiêm vắc xin phòng Covid-19 tương tự như các lực lượng tuyến đầu chống dịch. Từ đó, việc kiểm soát dịch bệnh trong quá trình lưu thông hàng hóa sẽ thuận lợi hóa hơn nhiều và không cần thiết phải có những quy định về hạn chế lưu thông hàng hóa và “hàng hóa thiết yếu” có thể lưu thông như hiện nay.

Lương Bằng

Đề xuất thay đổi lớn: Bỏ danh mục 'hàng hóa thiết yếu', chỉ còn 'cấm lưu thông'

Đề xuất thay đổi lớn: Bỏ danh mục 'hàng hóa thiết yếu', chỉ còn 'cấm lưu thông'

Bộ Công Thương đề xuất Chính phủ ban hành Danh mục hàng hóa “cấm lưu thông” thay vì quy định Danh mục “hàng hóa thiết yếu”.