Người ta dường như quên tên "cúng cơm" của cụ, mà gọi bằng cái tên "bà Vàng" bởi ở làng nghề hàng trăm năm tuổi này, cụ nức tiếng nhờ việc làm những chiếc vung đều, đẹp, vừa vặn miệng nồi...
Trù Sơn (Đô Lương, Nghệ An) nổi tiếng bởi nghề làm nồi đất. Người dân ở đây vẫn trào lộng về cái nghề có tuổi đời hàng trăm năm là nghề "vọc (nghịch) đất", hay nghề "đầu gối quá tai". Đây cũng là nơi duy nhất ở Nghệ An sản xuất các sản phẩm từ đất sét để cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh.
Sản phẩm của làng nghề khá đa dạng như sanh đất, ấm đun thuốc... Tất cả công đoạn sản xuất, hoàn thiện sản phẩm hoàn toàn được làm bằng tay, không sử dụng bất kỳ loại máy móc nào.
Cũng giống như nhiều nghề truyền thống khác, hiện lao động theo nghề làm nồi đất ở Trù Sơn chủ yếu là người già và phụ nữ. Công việc vất vả, đòi hỏi sự tỉ mỉ, trong khi đó thu nhập không đáng kể khiến lớp trẻ không mặn mà.
Người Trù Sơn gọi chiếc vung nồi đất là "vàng". Tên gọi "bà Vàng" xuất phát từ công việc mà ít người có thể đảm đương được trong làng nghề, đó là làm những chiếc vung nồi. Thực ra, những người làm nghề đều có thể làm được vung nhưng để làm ra được những chiếc vung đều, đẹp "trăm chiếc như một" và đặc biệt là vừa khít với miệng nồi thì hiếm người làm được. Bà Phạm Thị Hoàng là một trong số ít những người như thế...
Dường như công việc của "bà Vàng" đã đạt tới mức tuyệt kỹ bởi những chiếc vung nồi bà làm ra đều tăm tắp, hình dáng rất đẹp. Việc "đo lường" nguyên liệu được thực hiện bằng kinh nghiệm đúc rút cả đời người... Những nắm đất được lấy vừa đủ, vê thành từng thanh dài tầm 20 cm trước khi được đưa lên bàn xoay để tạo hình.
Gần 20 năm nay, do tuổi già, không thể tự mình làm và đốt lò nung nồi đất, bà Hoàng đi làm công cho các gia đình trong xóm. Nếu như những lao động khác được tính tiền theo sản phẩm thì "bà Vàng" là người duy nhất được trả tiền theo ngày công nhưng không phải ai thuê bà cũng nhận lời. "Bà đúng giờ lắm, cứ 6h30 là có mặt, làm việc liên tù tì đến 11h mới nghỉ, buổi chiều bắt đầu từ 1h30 đến 18h. Bà làm việc chuyên cần và trách nhiệm, hơn nữa những chiếc vung nồi đều, đẹp nên khi có khách đặt hàng số lượng lớn, tôi đều nhờ bà tới giúp, tiền công 80.000 đồng/ngày", ông Nguyễn Hữu Thanh - chủ cơ sở sản xuất nồi đất ở Trù Sơn, cho biết.
This video
Cụ bà nửa thế kỷ 'làm vàng" ở làng kiếm tiền từ nghề... nghịch đất
Sau khi được tạo hình, chiếc vung nồi đã dần hình thành. Bà Hoàng sử dụng một dụng cụ được làm từ thanh tre cật cạo bớt phần đất phía trong để tạo độ mỏng và nhẵn cần thiết. Sở dĩ bà Hoàng gắn bó với công việc làm vung nồi bởi so với các sản phẩm khác thì công việc này nhẹ nhàng hơn, nhanh hơn và đỡ mỏi hơn.
Sau khi hoàn thành, bằng một sợi cước, bà Hoàng cắt sản phẩm ra khỏi bàn xoay và đưa lên một thanh gỗ. Công đoạn này đòi hỏi sự khéo léo bởi đất dẻo, sản phẩm còn mềm, dễ bị biến dạng nếu tác động một lực mạnh.
Mỗi buổi bà Hoàng có thể làm được khoảng 100 sản phẩm thô. Sau khi được phơi trong một khoảng thời gian nhất định để tạo độ cứng cần thiết nhằm giữ nguyên hình dạng, những chiếc vung nồi này sẽ được một người thợ khác gọt dũa, hoàn thiện và phơi khô trước khi đưa vào lò nung.
"Bà Vàng" là một trong số ít người cao tuổi còn gắn bó với nghề cha ông để lại. Mức thu nhập 80.000 đồng mỗi ngày không phải là cao, hơn nữa con cháu cũng không muốn bà phải vất vả, nhọc nhằn nhưng với bà, được làm việc, được gắn bó với nghề là niềm vui.
Những chiếc vung nồi được làm hoàn toàn bằng tay, đều tăm tắp. Đây là công việc không hề dễ dàng, ngay cả với những người thợ nhiều kinh nghiệm ở làng nghề nồi đất Trù Sơn. Cũng bởi thu nhập thấp nên nghề làm nồi đất nói chung và "làm vàng" nói riêng đang đứng trước nguy cơ không có người nối nghề.
Với bàn tay khéo léo của người dân Trù Sơn, sau khi được nung trong khoảng 5 tiếng đồng hồ, bằng bí quyết riêng, nồi đất ở đây vừa mỏng vừa chắc chắn và có màu sắc rất đẹp. Hiện, sản phẩm của làng nghề chủ yếu được cung ứng cho các cửa hàng đặc sản trong tỉnh và xuất khẩu các tỉnh khác. Đặc biệt, nồi đất Trù Sơn là vật dụng đóng góp quan trọng cho làng cá kho Vũ Đại nức tiếng vào mỗi dịp Tết đến Xuân về.
Dù làm hoàn toàn bằng tay theo kiểu "ước chừng" nhưng những chiếc vung nồi do bà Phạm Thị Hoàng làm ra vừa khít với nồi, tạo ra sự hoàn mỹ cho sản phẩm của làng nghề nồi đất Trù Sơn.
Gắn bó gần trọn cuộc đời với nghề làm nồi đất, bà Hoàng tự hào chưa từng ốm đau ngoại trừ một lần phải cắt sỏi mật và 2 lần cảm cúm. Với bà, được sống với nghề là một niềm hạnh phúc, chỉ tiếc rằng bà chỉ có thể truyền nghề cho các con, còn gần 30 đứa cháu, không có ai theo nghề cha ông để lại. "Hết lớp chúng tôi, không biết có ai còn giữ được nghề", lão "nghệ nhân" 81 tuổi đời trăn trở.
(Theo Dân Trí)
Sau khi Hà Nội nới lỏng cách ly xã hội ở 19 quận, huyện, làng nghề dát quỳ vàng Kiêu Kỵ (Gia Lâm, Hà Nội) bắt đầu nhịp sản xuất sôi động trở...