Theo dữ liệu mới nhất trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, Công ty CP Thép Sông Hồng - đơn vị thành viên của Tổng công ty CP Sông Hồng (SHG) - đang tiến hành các thủ tục để giải thể.

Điều này đồng nghĩa với việc hơn 100 tỷ đồng vốn góp của Tổng công ty Sông Hồng vào doanh nghiệp sản xuất thép này có nguy cơ mất trắng.

Kinh doanh bết bát

Theo tìm hiểu, Công ty Thép Sông Hồng tiền thân là nhà máy cán thép Sông Hồng được đầu tư mới tại Khu công nghiệp Bạch Hạc, phường Bạch Hạc, TP Việt Trì, tỉnh Phú Thọ và được UBND tỉnh chấp thuận đầu tư từ tháng 5/2002.

Chủ đầu tư ban đầu của dự án là Công ty TNHH Đầu tư và phát triển công nghệ cao AT. Dự án được xây dựng theo phương thức tổng thầu EPC, bên nhận tổng thầu là Tổng công ty Xây dựng Sông Hồng (nay là Tổng công ty CP Sông Hồng).

Dự án được thực hiện từ năm 2002, dự kiến đi vào sản xuất năm 2003, nhưng sau khi nhập khẩu thiết bị về năm 2003 vẫn chưa thể hoạt động.

Đến năm 2005, Công ty CP THS được thành lập và tiếp nhận lại dự án với vốn điều lệ 80 tỷ đồng, gồm 3 cổ đông Tổng công ty Xây dựng Sông Hồng (20%); Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị - HUD (72%); Công ty AT (8%).

Tuy nhiên, trong suốt giai đoạn 2005 đến tháng 7/2008, qua một số lần thay đổi cơ cấu vốn điều lệ và cổ đông, dự án nhà máy thép này vẫn chưa thể hoàn thành do không có vốn và nhân lực vận hành.

Đến tháng 7/2008, Đại hội đồng cổ đông của THS đã quyết định tăng vốn lên 120 tỷ đồng và thay đổi lại danh sách cổ đông, đổi tên thành Công ty CP Thép Sông Hồng. Bốn cổ đông mới bao gồm Tổng công ty Sông Hồng; Công ty CP Sông Hồng 22; Công ty CP Xây dựng Sông Hồng 25 và Công ty AT. Trong đó, Tổng công ty Sông Hồng giữ cổ phần chi phối 85%.

Thep Song Hong sap bi giai the anh 1

Nhà xưởng của Công ty Thép Sông Hồng đã dừng sản xuất nhiều năm. Ảnh: T.L.

Tuy vậy, đến đầu năm 2012, mới có 2 cổ đông góp vốn vào doanh nghiệp với giá trị 116,4 tỷ đồng, bao gồm Tổng công ty Sông Hồng góp 87,63% và Công ty AT góp 12,37%.

Sau khi đổi tên, Thép Sông Hồng chính thức đi vào hoạt động nhưng kết quả kinh doanh không mấy khả quan.

Cụ thể, trong năm đầu tiên đi vào hoạt động (2009), nhà sản xuất thép này ghi nhận 724 tỷ đồng doanh thu nhưng lỗ sau thuế gần 30 tỷ đồng. Năm 2010 sau đó, doanh thu công ty tăng mạnh lên mức 1.439 tỷ nhưng lợi nhuận sau thuế lại báo số âm kỷ lục 132,5 tỷ đồng.

Suốt những năm sau đó, kết quả kinh doanh của Thép Sông Hồng thường xuyên thua lỗ, vốn chủ sở hữu xuống mức âm từ năm 2011. Thậm chí, tháng 10/2011, những sai phạm kinh tế ở Thép Sông Hồng còn bị phát hiện, hàng loạt lãnh đạo doanh nghiệp sau đó đã bị khởi tố.

Nguy cơ mất vốn

Theo báo cáo tài chính của Tổng công ty Sông Hồng, khoản đầu tư vào Thép Sông Hồng có giá gốc 102 tỷ đồng và công ty đã phải trích lập dự phòng với toàn bộ khoản đầu tư này.

Thực tế, Sông Hồng từng có kế hoạch thoái vốn khỏi công ty thép này vào tháng 5/2012 khi mang toàn bộ vốn nắm giữ tại đây đi đấu giá nhưng bất thành.

Đến năm 2013, Sông Hồng quyết định tái cơ cấu Thép Sông Hồng theo hướng tăng vốn và giảm tỷ lệ sở hữu. Trong đó, công ty dự kiến tăng vốn điều lệ lên 350 tỷ (lần 1) và 450 tỷ đồng (lần 2), tỷ lệ sở hữu của Sông Hồng dự kiến giảm xuống tương ứng còn 29,14% và 22,67%.

Đến cuối năm 2015, Tổng công ty Sông Hồng cho biết Thép Sông Hồng đã tăng vốn điều lệ từ 120 tỷ lên 310 tỷ đồng, qua đó, giảm tỷ lệ sở hữu của tổng công ty xuống 32,9%.

{keywords}
 

Thời điểm Thép Sông Hồng tăng vốn cũng là lúc công ty này ghi nhận sự tham gia của cổ đông mới là Công ty CP Đầu tư phát triển Việt Thành, doanh nghiệp do bà Trần Thị Huệ Chi là chủ tịch HĐQT.

Giai đoạn sau đó ghi nhận Thép Sông Hồng có nhiều hợp đồng gia công với Việt Thành, cổ đông này cũng là đối tác chính trong khâu tiêu thụ sản phẩm của nhà máy thép.

Tuy nhiên, dưới sự điều hành của cổ đông mới, hoạt động kinh doanh của Thép Sông Hồng cũng không khả quan hơn khi vẫn liên tục thua lỗ. Thậm chí, công ty còn nhiều lần bị vướng vào các vụ xử phạt và truy thu về thuế.

Đến cuối quý II/2020, tổng tài sản của Thép Sông Hồng đạt hơn 344 tỷ nhưng vay nợ quá hạn lên tới 420 tỷ đồng. Tài sản lớn nhất của nhà sản xuất thép này chính là khu đất hơn 10 ha tại phường Bạch Hạc, TP Việt Trì.

Về phía Tổng công ty Sông Hồng, từng là doanh nghiệp với quy mô tài sản hàng nghìn tỷ đồng, nhưng hoạt động kinh doanh của tổng công ty này liên tục lao dốc.

Từ quy mô tài sản trên 3.000 tỷ, doanh thu thuần gần 3.300 tỷ đồng trước năm 2011, tổng tài sản công ty đã giảm mạnh về mức hơn 1.000 tỷ và doanh thu chỉ còn vài chục tỷ đồng trong những năm gần đây.

Cùng với đó, tổng công ty này cũng thua lỗ liên tục từ năm 2015 đến nay với số lỗ lũy kế đến tháng 6/2021 lên tới 1.056 tỷ, cao gấp 4 lần vốn điều lệ.

(Theo Zing)

Không đủ tiền, 'ông chủ' 500 nghìn tỷ ở nhà cấp 4 giải thể DN

Không đủ tiền, 'ông chủ' 500 nghìn tỷ ở nhà cấp 4 giải thể DN

'Ông chủ' siêu doanh nghiệp hơn 500 nghìn tỷ quyết định thông báo giải thể sau khi không thu xếp đủ vốn đăng ký.