Liên quan đến việc vận hành hai chuyến tàu cao tốc đường thủy chạy vận chuyển hàng hóa trong sáng 19/7 bị chậm giờ so với dự kiến, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM Nguyễn Nguyên Phương cho biết, quá trình logistic của doanh nghiệp cam kết hàng hóa do chưa có kinh nghiệm, lần đầu tiên thực hiện nên có xảy ra trục trặc. Hàng hóa bị chậm do chưa tập kết đủ để phục vụ cho lượt chạy của tàu.

Bên cạnh đó, do đây là tàu thủy cao tốc chạy tuyến TP.HCM - Vũng Tàu, vận tốc chạy tàu cao nhưng mật độ các tàu nhỏ ở khu vực miền Tây nhiều nên ảnh hưởng đến quá trình di chuyển.

“Trong quá trình vận hành, chưa tính toán được việc vận hành tốc độ cao sẽ tạo ra sóng lớn, có thể gây nguy hiểm cho tàu nhỏ của người dân trên tuyến đường thủy. Do đó, tàu chạy với tốc độ thấp hơn rất nhiều so với yêu cầu”, ông Phương giải thích.

{keywords}
Người dân xếp hàng chờ vào siêu thị

Hai lý do trên đã làm cho việc vận chuyển hàng hóa không kịp thời. Giải pháp được đại diện Sở Công Thương TP.HCM đưa ra là sẽ yêu cầu xuất phát sớm hơn, doanh nghiệp cần tính toán các đầu mối cung ứng, đồng thời hàng hóa phải tập kết sớm hơn sẽ đảm bảo việc đúng giờ.

TP.HCM ra văn bản khẩn về mở lại chợ truyền thống

Cũng liên quan đến quá trình cung ứng hàng hóa, ngày 19/7, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Thị Thắng có công văn khẩn gửi các cơ quan về việc tổ chức chợ truyền thống hoạt động trở lại trong điều kiện đảm bảo an toàn.

Theo đó, Sở Công Thương TP. sẽ nghiên cứu, hướng dẫn tổ chức hoạt động của các chợ truyền thống; tổ chức các điểm bán thực phẩm tươi sống, hàng hóa thiết yếu tại các chợ hiện đang tạm ngưng hoạt động với hình thức phù hợp, đảm bảo an toàn phòng, chống dịch, đáp ứng kịp thời nhu cầu tiêu dùng thiết yếu của người dân.

Đối với các chợ có mật độ mua sắm đông, các khu vực có nguy cơ lây nhiễm cao, đơn vị quản lý chợ căn cứ tình hình thực tế, rà soát tổng thể các khu vực bán hàng để có phương án điều tiết phù hợp đảm bảo thực hiện giảm mật độ mua sắm, giữ khoảng cách an toàn. 

Bên cạnh đó, tính toán, nghiên cứu thực hiện phương án: phát phiếu vào chợ để hạn chế người vào (áp dụng tùy theo quy mô chợ); bố trí các vách ngăn giữa các hộ tiểu thương, gian bán hàng, giữa người bán và người mua, phân luồng lối đi; tổ chức cho thương nhân kinh doanh theo hình thức luân phiên, xen kẽ (phân chia thời điểm, vị trí bán hàng xen kẽ, hoặc chia theo ngày chẵn, lẻ,...) 

{keywords}
 Kệ rau bị “cháy hàng” tại một siêu thị

“Trong trường hợp cần thiết để giảm sự tập trung và đảm bảo việc giãn cách khi kinh doanh, mua sắm theo đúng quy định; hướng dẫn tiểu thương chủ động chuẩn bị nguồn hàng, phân chia sẵn, đóng gói sản phẩm theo quy cách đồng giá để giúp việc mua bán được nhanh chóng, thuận tiện, hạn chế tối đa việc tiếp xúc giữa người bán - người mua”, văn bản nêu.

Liên quan việc hàng loạt các tỉnh, thành khu vực phía Nam giãn cách theo Chỉ thị 16 có ảnh hưởng đến việc TP.HCM đảm bảo lương thực, thực phẩm cho người dân không, Phó Giám đốc Sở Công Thương cho hay mạng lưới thu mua của các đơn vị cũng đã đáp ứng được nhu cầu và có nhà cung cấp dự phòng tiếp tục đảm bảo nguồn cung.

“Bộ NNPT-NT, Bộ Công Thương đã hỗ trợ, liên hệ tới Sở Công Thương các tỉnh thành miền Trung, Tây Nguyên để có sự rà soát, cung cấp thông tin nhà cung ứng, các đơn vị sản xuất có khả năng cung ứng thực phẩm cho thành phố để kết nối với các hệ thống phân phối”, ông Phương nói.

Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng cung cấp thông tin liên quan tới các nhà cung ứng, sản xuất hàng hóa, lương thực thực phẩm phía Bắc.

Quảng Định

Danh sách, địa chỉ cụ thể 40 chợ đang hoạt động tại TP.HCM

Danh sách, địa chỉ cụ thể 40 chợ đang hoạt động tại TP.HCM

TP. Thủ Đức còn 9 chợ hoạt động trong khi các quận trung tâm như quận 1, quận 3, quận 4, quận Phú Nhuận đều không còn chợ hoạt động.