Lễ hội Chùa Hương năm 2017 sẽ kéo dài trong 3 tháng bắt đầu từ ngày 6/1 (Âm lịch). Lễ hội năm nay sẽ tăng phí tham quan và vé đi đò.

Ông Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức, Trưởng ban tổ chức Lễ hội Chùa Hương năm nay cho biết, Lễ hội Chùa Hương sẽ chính thức khai hội ngày 2/2/2017 (tức ngày 6 tháng Giêng).

{keywords}

Lễ hội Chùa Hương 2017 sẽ được khai mạc vào ngày 6/1 (Âm lịch ). Năm 2016, trước ngày khai mạc, dòng người đổ về Chùa Hương khiến cho đoạn đường dài lên động Hương Tích tắc nghẽn -

Năm nay, mức thu phí đối với 21 điểm trong di tích chùa Hương sẽ tăng từ 49.000 đồng lên 80.000 đồng, vé đò bến Hương Tích tăng 50 nghìn đồng (bao gồm phí bảo hiểm). Mức thu phí này tăng 57% so với năm 2016.

Về giá trông giữ phương tiện vẫn giữ nguyên như các năm trước, ô tô 9 chỗ trở xuống là 40 nghìn đồng/ngày và 60 nghìn/đêm. Xe ô tô trên 10 chỗ là 50 nghìn/ngày và 75 nghìn/đêm. Phương tiện xe máy là 3 nghìn/ngày và 5 nghìn đồng/đêm.

Riêng giá vé cáp treo thuộc Công ty Cổ phần Vận tải và Du lịch Hương Sơn, đơn vị chủ quản và vận hành hệ thống cáp chùa Hương, là 160 nghìn đồng/người lớn.

Trước thông tin về mức thu phí lễ hội Chùa Hương năm nay tăng 57% so với năm 2016, nhiều du khách ủng hộ. Tuy nhiên, các du khách cũng nói lên những bất cập, những điểm trừ mà Lễ hội CHùa Hương năm nay cần khắc phục.

Trả lời PV, chị Lê Hạnh Hiền (Viên An, Ứng Hòa, Hà Nội) một du khách tham quan Chùa Hương ngày cuối năm cho biết, việc giá vé tăng 57% là việc hết sức bình thường. Hơn nữa, tính ra so với các lễ hội khác cũng không cao và mức giá này là chấp nhận được.

“Tôi nghĩ, việc tăng giá vé này cũng là một điều cần thiết, bởi giá cả thị trường tăng từng ngày. Là một du khách năm nào cũng đi Lễ hội Chùa Hương tôi không lấy làm bất ngờ lắm khi Ban tổ chức tăng giá vé. Cận Tết, tôi đi chùa để tĩnh tâm trước thềm năm mới, và ngày khai hội cả gia đình tôi cũng sẽ đi tiếp để cầu bình an cho cả năm.

Tuy nhiên, tôi mong rằng, tăng giá vé thì các cơ quan chức năng cũng tăng cường thêm giải pháp để giảm thiểu tình trạng quá tải như năm trước. Hơn nữa, việc phải chờ cả ngày trời mới có cáp treo cũng là vấn đề mà chúng tôi nghĩ, cơ quan quản lý cần tính toán sao cho tiện lợi nhất để du khách không tốn thời gian đi lễ hội. Vì tôi nhà gần không sao, nhưng nhiều người ở xa, đi lễ hội sẽ mất vài ngày do chờ đợi dẫn đến phát sinh tiền bạc gây lãng phí”, chị Hiền chia sẻ.

{keywords}

Năm 2016, tình trạng quá tải tại Lễ hội Chùa Hương khiến cho nhiều du khách cảm thấy mệt mỏi

Chị Cấn Thị Thu Hương (Thạch Thất – Hà Nội) cũng cho rằng, việc tăng một vài khoản phí năm 2017 của Lễ hội Chùa Hương không quá ảnh hưởng đến nhu cầu đi lễ hội đầu năm của người dân. Tuy nhiên, chị Hương cũng mong muốn, những bất cập của lễ hội mà chị nêu ra sẽ được khắc phục trong mùa lễ hội tới.

“Tăng thêm 57% một vài khoản phí tôi thấy không vấn đề gì. Là một người thường xuyên đi Lễ hội chùa Hương đầu năm, tôi thấy việc hàng quán "chặt chém" đã được cải thiện. Tuy nhiên, có một vấn đề các cấp, ngành quản lý cần lưu tâm là lực lượng an ninh hơi mỏng trong lễ hội 2016, nhất là những ngày đầu khai hội khiến nhiều người bị móc túi, mất đồ. Thế nên, tăng giá vé các dịch vụ thì cũng nên tăng cường thêm an ninh để lễ hội được diễn ra an toàn và đảm bảo du khách đi lễ đầu năm không bị mất mát tài sản”, chị Hương nói.

Còn theo chị Nguyễn Như Quế Mai (Giáp Bát – Hoàng Mai – Hà Nội) thì Lễ hội Chùa Hương nên xóa bỏ những quán cóc ven đường lên động Hương Tích. Bởi, những hàng quán hai bên đường vừa mất mỹ quan lại che khuất cảnh vật xung quanh. Mà người dân đi lễ chùa đầu năm là để vãn cảnh, cầu bình an.

“Tôi đi chùa Hương từ khi còn rất bé. Ngày xưa, hai bên đường lên động Hương Tích không có nhiều hàng quán như bây giờ. Tuy nhiên, nhiều năm nay, hai bên đường hàng quán dày đặc, san sát nhau khiến cho việc hành hương bị cản trở và che mất không gian. Trước đây, cảnh vật hai bên đường vừa leo bậc vừa nhìn xuống rất đẹp. Nhưng bây giờ thì không khác vào đi vào hội chợ mà phải leo cầu thang cả. Tôi thấy, đi chùa là để tính tâm, vãn cảnh; nhưng đi Chùa Hương thì thú thật, trên đường đi không khác nào đi hội chợ.

Còn việc tăng giá vé tôi thấy là cần thiết. Bởi những người chở đò suối Yến họ khá vất vả. Hơn hết, họ cũng chỉ có thu nhập được mùa lễ hội nuôi gia đình, bởi sau đó, khách hàng đến chùa Hương sẽ thưa vắng hơn”, chị Mai bày tỏ.

{keywords}

Nhiều hàng quán hai bên đường đã che mất cảnh vât xung quanh đường lên động Hương tích khiến nhiều du khách thấy buồn

Phần lớn những du khách quan tâm đến lễ hội Chùa Hương 2017 khi được hỏi đều nhất trí với việc tăng phí lễ hội năm nay. Tuy nhiên, mong rằng, những bất cập mà du khách phản ánh sẽ được Ban tổ chức Lễ hội Chùa Hương lưu tâm và mang lại một mùa hành hương thực sự an toàn, tiện lợi cho khách thập phương.

Theo dự kiến, năm 2017, Lễ Hội Chùa Hương sẽ đón khoảng 1,3 đến 1,5 triệu khách, thu ngân sách khoảng 100 tỷ đồng. Ngân sách thu từ nhiều năm nay được thành phố cho phép huyện Mỹ Đức thụ hưởng 100% để tái đầu tư trong khu vực Chùa Hương.

(Theo Viet Q)