“Mức giá 46,2 triệu đồng được tính bình quân dựa trên các báo cáo của đơn vị gửi về, có những ô tô chỉ thanh lý 6 triệu đồng như xe Lada của Nga”, ông Trần Đức Thắng, Cục trưởng Cục Quản lý công sản - Bộ Tài chính, lý giải.
Để làm rõ thông tin liên quan giá bán thanh lý xe công 46,2 triệu đồng/xe công bố tại buổi họp báo của Bộ Tài chính mới đây, chúng tôi đã trao đổi thêm với ông Trần Đức Thắng, Cục trưởng Cục Quản lý công sản - Bộ Tài chính, về mức giá này.
Ông Thắng cho biết: “Mức giá 46,2 triệu đồng được tính bình quân dựa trên các báo cáo của đơn vị gửi về, có những ô tô chỉ thanh lý 6 triệu đồng như xe Lada của Nga”.
Theo ông Thắng, việc thanh lý xe công sẽ thực hiện theo Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước và do đơn vị quản lý xe đó thực hiện theo quy định về bán đấu giá tài sản nhà nước. Sau khi có kết quả, các đơn vị gửi báo cáo về Cục Quản lý công sản tổng hợp, nhập vào dữ liệu quản lý tài sản công. Nguồn thu từ việc thanh lý tài sản sẽ nộp về ngân sách địa phương của đơn vị đó. Ông Thắng cũng cho rằng để đảm bảo hiệu quả việc thanh lý tài sản công thì cần phải nâng cao chất lượng định giá tài sản, tăng cường cơ chế công khai, giám sát thông tin về quá trình thực hiện đấu giá.
Trong năm 2016, cả nước đã thanh lý hơn 1.100 ô tô công đã qua sử dụng, mức giá trung bình là 46,2 triệu đồng/xe. |
Theo báo Tiền phong, trước đó, vào tháng 6/2016, câu chuyện thanh lý xe công từng khiến dư luận xôn xao khi Bộ Tài chính công bố trong nửa năm, các đơn vị báo cáo thanh lý 264 ô tô công. Toàn bộ số xe này nguyên giá 79,68 tỷ đồng, nhưng trị giá còn lại chỉ 390 triệu đồng (trị giá trên sổ sách bình quân 1,4 triệu đồng/xe).
Trao đổi với PV, TS Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế, cho rằng Bộ Tài chính cần kiểm tra, rà soát công tác định giá tài sản ở các đơn vị khi đấu giá thanh lý, bán xe qua sử dụng. Việc đấu giá thanh lý, bán đấu giá xe qua sử dụng cần được minh bạch, công khai, hợp lý. “Một chiếc taxi sử dụng 10 năm ít ra cũng được 30%-40% giá xe mới rồi” - ông Long dẫn chứng.
Ông Long cũng lưu ý theo Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước, tài sản nhà nước được thanh lý trong trường hợp hết hạn sử dụng hoặc bị hư hỏng không thể sử dụng được và việc sửa chữa không có hiệu quả. Do đó khi dùng khái niệm xe thanh lý nghĩa là xe đó không còn sử dụng được nữa (xe phế thải, sắt vụn).
Việc thanh lý xe công phải tuân thủ Nghị định 52/2009 hướng dẫn Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước. Theo đó, quy trình đấu giá tài sản công đều trải qua bốn bước: Định giá; công báo thông tin; lập hồ sơ; tổ chức đấu giá. Các khâu này đều có sự giám sát của hội đồng gồm đại diện cơ quan tài chính, tư pháp... “Tuy nhiên, nhiều người khó tiếp cận được thông báo mời đấu giá thanh lý xe công trên phương tiện truyền thông. Bởi hội đồng đấu giá tài sản thường chỉ đặt ra mức giá khởi điểm dưới 50 triệu đồng cho những xe đã qua sử dụng. Với mức giá này, thông tin đấu giá không bắt buộc phải công khai trên báo giấy, truyền hình hay trang tin điện tử theo Điều 57 Luật Đấu giá tài sản” - ông Long nói thêm.
Trước đó, tại buổi họp báo của Bộ Tài chính ngày 8-3, ông Trần Đức Thắng thông tin: “Hết năm 2016 cả nước đã thanh lý hơn 1.100 chiếc. Trong số hơn 1.100 xe đã thanh lý có hơn 760 xe đã được báo cáo nộp tiền vào ngân sách nhà nước với số tiền 35,7 tỉ đồng”.
Ông Thắng cũng cho hay còn hơn 2.000 xe dư hoặc phải thanh lý nhưng các địa phương và bộ, ngành chưa báo cáo hết số lượng.
(Theo PLO)