Hổ là động vật quý hiếm cần được bảo tồn, tuy nhiên, các sản phẩm từ hổ như cao, nanh, vuốt,…vẫn được rất nhiều đại gia săn lùng để sử dụng hoặc biếu Tết. Theo các nhà hoạt động bảo vệ môi trường, cơ quan chức năng cần có chiến dịch truy quét, xử lý các tổ chức, cá nhân có biểu hiện mua, bán trái pháp luật này.
Quà cáp như bánh kẹo ngoại, hoa quả nhập khẩu, rượu tây hay xì gà biếu Tết đã không còn xa lạ với nhiều người. Vì thế, để lấy lòng cấp trên, nhiều người đã săn cả những thứ quý hiếm, những thứ cấm để làm quà, bất chấp việc đó có thể vi phạm các quy định của pháp luật.
Và quà gì càng oai nghiêm, càng thể hiện địa vị của người được biếu thì càng được săn lùng. Vì thế mà dù có cấm thì các sản phẩm từ hổ vẫn luôn tràn lan trên thị trường. Chỉ có điều, mua được đúng hàng “xịn” hay không lại là chuyện khác.
Hàng cấm vẫn được mua bán
Hàng được bày ra đĩa |
Cơ duyên đã đưa PV đến nhà một đại gia ở ngay giáp ngoại thành phía Bắc Hà Nội. Niềm nở chào đón khách, đại gia B dẫn lên nhà. Phía trên bàn, ông B đã bày sẵn “hàng” ra để chờ khách tới chọn.
Có rất nhiều thứ được ông B giới thiệu là hàng hiếm và xịn hơn những chỗ khác rất nhiều. Ví dụ như cặp nanh có giá 35 triệu đồng khá dài và đặc được ông quảng cáo là đồ rừng mười mấy năm mới có. Còn loại hổ nuôi trong Thanh Hoá, Nghệ An thì nanh rất ngắn và là nanh rỗng.
Chiếc nanh hổ này rất dài và được quảng cáo là đồ "rừng" |
Nếu mua 1 nanh không thì giá sẽ là 25 triệu đồng. Nhưng ông B cũng nói luôn, đó là giá dành cho cháu của bạn thân trong nhóm. Còn với khách lẻ mua ngoài, giá cũng phải trên 30 triệu đồng/nanh.
Ngoài nanh ra, vuốt hổ cũng được rất nhiều đại gia đặt hàng. Trước đây, khách chỉ hay mua mỗi vuốt không, nhưng để đánh thành dây chuyền bọc vàng trắng thì phải cắt thêm cả khúc xương.
Những chiếc vuốt chắc nịch, sắc bén cũng được xếp vào hàng quà biếu xa xỉ vì giá của chúng cũng phải từ 15 triệu đồng. Mặt hàng này theo ông B dễ kiếm hơn vì hổ sẽ có nhiều vuốt và có thể lấy vuốt hổ châu Á, châu Phi hay châu Âu đều được.
Vuốt hổ |
Cũng theo ông B, một món hàng cấm khác nữa càng Tết càng khan hàng là sừng tê giác. Đây cũng là sản phẩm động vật hoang dã từ lâu bị nghiêm cấm mua bán, tàng trữ, vận chuyển. Tự nói rằng, không bao giờ bán loại hàng này, nhưng ông B cũng nắm rất rõ về giá cả. Đáng ngạc nhiên, là hiểu rõ đó là hàng cấm, ông này vẫn mua và sử dụng mặt hàng trên.
Một mẩu sừng tê giác, nếu không được giới thiệu thì có nhặt được ngoài đường, nhiều người cũng không biết nó đắt đỏ thế nào |
Ông B cho biết: “Tôi nghe đồn, tê giác ăn quả độc, lá hang, lá ngón,…mà cơ thể vẫn chịu được độc tố đó, rồi tích tụ tạo nên sừng trên da nên rất tốt. Vì thế tôi mới mua về để vợ đắp mặt, thi thoảng có khách lại mài ra để mời khách thưởng thức.”
Một mặt miếng sừng |
Sau khi mài ra thì có màu trắng đục |
“Giá dịp Tết với mặt hàng cấm này cao hơn một chút do nhu cầu của thị trường. Còn với ngày thường, giá sẽ dao động từ 80 – 100 – 120 triệu đồng/lạng cho 3 vị trí gốc – thân – ngọn”, ông B cho biết thêm.
Ông B giải thích: ”Sở dĩ có sự chênh lệch giá trên cùng 1 sừng là do đi biếu thì phần ngọn đẹp hơn, nên sẽ đắt hơn. Nhưng theo lời nhiều người thì cũng không có sự khác biệt về tính chất”
Tác dụng không rõ ràng nhưng cường điệu để thổi giá
Giới lắm tiền nhiều của, không ai không biết đến và ngâm rượu cao hổ. Nói là cấm, nhưng bằng cách này hay cách khác thì những sản phẩm này vẫn xuất hiện trên thị trường.
Rượu cao hổ được ông B quảng cáo là tuổi nào cũng uống được. Và theo lời đồn mà ông B kể thì nó đặc trị thấp khớp. Tuy nhiên, ông B cho biết: “Nhiều người đồn rằng, trị được thấp khớp phải là hổ Đông Nam Á, ở vùng rừng ẩm thấp, nóng ẩm mưa nhiều thì con hổ tự nhiên mới sinh ra chất đặc trị thấp khớp. Hổ châu Phi hay hổ châu Âu thì rất nhiều nhưng không có tác dụng.”
Cao hổ 15 triệu đồng/lạng được bán khá tràn lan. |
“Có cách để phân biệt hổ châu Á và hổ Châu Phi đó là hổ châu Á chân ngắn, đầu nhỏ xương chỉ nặng khoảng 14 kg đổ lại. Hổ trong Thanh Hoá, Nghệ An nuôi là giống lai châu Âu nên rất to. Loại hổ lai đó xương nặng tới 17 – 18 kg, xương chân dài, đầu to”, ông B cho biết thêm.
Nếu biết mua, thì theo ông B, giá xương hổ châu Âu, châu Phi chỉ rẻ bằng 1 nửa giá xương hổ châu Á. Xương hổ châu Á khoảng 30 triệu đồng thì hàng kia chỉ khoảng 15 – 16 triệu đồng/kg và nhìn cứ to hơn là phân biệt được.
Trong động vật, sư tử với hổ cũng gần như nhau. Nên nhiều dân chơi cũng mua nhầm xương sư tử. Xương sư tử cũng gần bằng hổ châu âu, nhưng rẻ hơn tí. Nấu cũng ra cao nhưng theo ông B thì không có tác dụng gì.
Tuy nhiên, theo Bác sĩ Nguyễn Xuân Hướng, nguyên Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam: “Rất nhiều người hiểu sai hoặc cường điệu hóa để đánh lừa người dân về tác dụng của các loại rượu ngâm động vật quý hiếm nhằm trục lợi. Trong sách y văn, chân gấu, chân hổ có tác dụng bồi bổ cơ thể chung chung chứ không phải như một loại thần dược khiến người ta có thể hồi xuân, cường tráng, khỏe mạnh.
Công dụng của các sản phẩm từ động vật vẫn chỉ là lời đồn, chưa có kiểm chứng khoa học cụ thể. Trong khi đó, các loài động vật quý hiếm đang rất cần được bảo tồn.
Vì thế, việc bảo vệ động vật không chỉ là của các cơ quan chức năng mà nó còn là ý thức của chính mỗi cá nhân đóng góp bảo vệ môi trường, sinh thái. Tất cả những biểu hiện mua bán, kinh doanh các mặt hàng, sản phẩm từ động vật hoang dã trên cần phải được ngăn chặn, xử lý kịp thời.
(Theo Dân trí)