Vào những khung giờ được chọn sẵn trong chương trình Flash Sale, một số sản phẩm được giảm giá chỉ còn 1.000 đồng, trở thành tâm điểm được nhiều người “săn lùng”. Các sản phẩm này chủ yếu thuộc ngành hàng gia dụng, tiêu dùng, phụ kiện điện tử như khăn, đồ lót, thảm, ốp điện thoại… và thường "cháy" hàng chỉ sau vài phút mở bán.
Áo phông, ốp điện thoại, vỏ gối, tất chân, miếng dán cường lực... là những mặt hàng có giá chỉ 1.000 đồng trong chương trình Flash Sale. Ảnh chụp màn hình. |
Người bán lãi nhiều hơn lỗ
Theo một số chủ gian hàng, khi chạy chương trình "deal 1k" sẽ không tránh khỏi tình trạng bị lỗ. Tuy nhiên, mức lỗ, nếu có, tuỳ thuộc vào mặt hàng và cách người bán "thương lượng" với sàn thương mại điện tử. "Mình từng được lên một deal 1.000 đồng ở Sendo, nhưng được bên sàn hỗ trợ nên không lỗ nhiều. Tức là sản phẩm đó vẫn bán giá 1.000 đồng, nhưng doanh thu mỗi đơn về là số tiền lúc mình deal với nhân viên sale của sàn", một chủ gian hàng phụ kiện điện thoại chia sẻ.
Thực tế, với đơn hàng 1.000 đồng người bán sẽ được lãi nhiều hơn lỗ. Theo anh Minh, chủ một gian hàng thời trang trên Shopee, việc tham gia deal 1.000 đồng sẽ giúp gian hàng tăng lượng truy cập tự nhiên và tăng lượt theo dõi, tạo ưu thế trên sàn.
Trước mức giá sản phẩm hấp dẫn, khách hàng sẽ truy cập vào sản phẩm, vào gian hàng để tham khảo các mặt hàng khác. "Lượng truy cập của gian hàng mỗi khi tham gia deal 1.000 đồng tăng đáng kể, nhờ vậy mà tôi bán được thêm các sản phẩm khác", anh Minh nói.
Không chỉ vậy, anh tiết lộ lượt theo dõi tăng sẽ có ảnh hưởng không nhỏ đến việc bán hàng. "Cùng một sản phẩm, khách hàng sẽ chọn mua ở shop có nhiều lượt theo dõi hơn", anh chia sẻ.
Ngoài ra, chị Ngọc Linh, chủ một gian hàng phụ kiện trên Shopee chia sẻ việc tham gia "deal 1k" còn giúp shop tăng nhanh số lượt đánh giá. "Điều này cực kỳ quan trọng vì tâm lý khách hàng thường đọc đánh giá sản phẩm trước khi quyết định mua hàng. Nếu sản phẩm vừa có giá siêu hời 1.000 đồng vừa có chất lượng tốt, thì đa số sẽ đánh giá 5 sao cho sản phẩm", chị giải thích.
Bên cạnh đó, tham gia chương trình 1.000 đồng cũng là một cách để chủ shop đẩy hàng tồn. "Tuy nhiên, nếu khách hàng nhận được hàng tồn kém chất lượng, shop sẽ bị đánh giá thấp", một chủ gian hàng trên Lazada chia sẻ.
Thậm chí, có một số chủ gian hàng sau khi được trợ giá từ sàn thương mại điện tử còn thu lãi trực tiếp. "Tôi từng tham gia chương trình "deal 1k" của Shopee với sản phẩm dây chun buộc tóc. Sau khi được sàn này hỗ trợ 7.000 đồng/sản phẩm, trừ chi phí đóng gói, tôi lãi khoảng 2.000 đồng/sản phẩm", chị Hà, chủ một gian hàng thời trang chia sẻ.
“Nhưng để được tham gia chương trình này, shop phải có thời gian hoạt động dài, doanh số cao, được nhiều đánh giá và tin cậy…”, chị nói.
"Đồ săn 1.000 đồng đợt sale trước còn chưa hề sử dụng"
Một người dùng khoe mua được gần 30 chiếc ốp và giá đỡ điện thoại trong một đợt săn "deal 1k". Ảnh: Nguyễn Hoàng Mai. |
Cuối ngày siêu giảm giá 12/12, người dùng bắt đầu khoe "thành tích" săn sale của mình trên mạng xã hội. Thậm chí, có người còn chia sẻ ảnh chụp màn hình với hơn 100 đơn hàng đang được vận chuyển đến.
Vừa chi một số tiền không nhỏ cho ngày 11/11 và Black Friday, Vân Anh, một tín đồ mua sắm lại tiếp tục thức "săn deal 1k" trên các trang thương mại điện tử dịp 12/12. Vân Anh cho biết ngày này, nhiều trang thương mại điện tử tung ra ưu đãi lớn nên tranh thủ mua thêm một số sản phẩm có giá hời.
"Mặc dù nhiều thứ mình còn chưa hề sử dụng tới từ đợt săn sale trước", Anh nói. Thậm chí, sản phẩm ốp điện thoại Vân Anh đã săn 1.000 đồng từ đợt sale trước nhưng lần này thấy sản phẩm lại được deal giá 1.000 đồng cô lại canh khung giờ để săn tiếp.
Có kinh nghiệm nhiều đợt săn hàng khuyến mãi, chị Hồng Nhung (Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ: "Phải có sự tìm hiểu trước và thật sự nhanh tay mới có thể mua được hàng chất lượng, giá rẻ". Theo chị Nhung, một số mặt hàng đồng giá 1.000 đồng chị săn được trên các sàn thương mại điện tử là hàng tồn, hàng kém chất lượng. "Chiếc kẹp tóc, tôi mua về chỉ dùng được 1, 2 lần thì hỏng", chị nói.
Thực tế, những đợt săn sale 1.000 đồng trước, không ít nạn nhân chỉ nhận lại những cục đá, gạch, thậm chí là viên kẹo. Cụ thể, ít ngày sau thời điểm siêu sale 9/9, chị T. Trúc (Thường Tín, Hà Nội) có đặt mua đơn hàng sơn móng tay trên sàn thương mại điện tử Shopee. Đến ngày 12/9, chị Trúc nhận được hàng. Tuy vậy, khi kiểm tra, bên trong chỉ có một hòn đá nhỏ.
Không riêng chị Trúc, nhiều người dùng khác cũng phản ánh lên mạng xã hội việc mua các đơn hàng khuyến mãi 1.000 đồng như ốp lưng điện thoại... chỉ nhận về những viên đá gói trong hộp bìa.
Trái ngược với những người "phát cuồng" trước các sản phẩm giá 1.000 đồng, nhiều người cho biết họ không mấy "mặn mà" với những đơn hàng giá rẻ hay chương trình giảm giá "sốc".
"Đơn hàng 1.000 đồng nhưng phí giao hàng thì đắt. Cứ thấy rẻ lại ham mua nhưng mua về không dùng hoặc ít dùng đến. Chỉ phí tiền, phí thời gian", chị Lam (Thanh Xuân, Hà Nội) nói.
(Theo Zing)