Hàng không, du lịch sốt ruột

Ông Nguyễn Quang Trung, Trưởng ban Kế hoạch và Phát triển (Vietnam Airlines), tại tọa đàm gần đây cho rằng, có hai lý do khiến các hãng hàng không và các công ty du lịch trong nước sốt ruột khi Việt Nam chậm mở lại đường bay quốc tế, đó là tất cả các hãng đều đang trong giai đoạn vô cùng khó khăn, nếu tiếp tục đóng cửa, thị trường sẽ không có.

Hoặc nếu mở chậm, năng lực cạnh tranh sẽ rất yếu so với các đối thủ nước ngoài và khả năng phục hồi lại của thị trường cũng sẽ chậm hơn.

Hơn nữa, xét về cạnh tranh của quốc gia, cạnh tranh điểm đến so với vực cũng sẽ bị ảnh hưởng. Nếu chúng ta chậm chân sẽ không còn cơ hội. Điển hình, Singapore, Thái Lan, đã mở cửa khai thác thường lệ và đặc biệt là phục vụ cho khách đi/đến hai nước này.

{keywords}
Các hãng hàng không sốt ruột chờ được mở lại đường bay quốc tế

Ông Trung dẫn chứng, thực tế cho thấy, khi mở lại hàng không quốc tế, như Mỹ, châu Âu vừa qua, lượng khách phục hồi rất nhanh. Tại châu Âu đến tháng 10, sản lượng khách đã về cơ bản như trước, thậm chí còn tăng 5% so với cùng kỳ năm 2019. Thị trường Mỹ cũng tăng trưởng trên 7%.

Hay Singapore, khi nới lỏng các hạn chế liên quan và chính sách cách ly cho khách từ châu Âu về, số khách tăng mạnh. Website của Singapore Airlines liên tục quá tải, thậm chí bị lỗi khi lượng khách tăng gấp 5 lần. Như vậy, có thể thấy, nhu cầu thị trường rất lớn.

Không chỉ khách quốc tế, theo ông Võ Huy Cường, Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam (Bộ GTVT), một lượng lớn người Việt Nam ở nước ngoài cũng có nhu cầu về nước. Số liệu của Bộ Ngoại giao cách đây 2 tháng cho thấy, khoảng 200.000 người Việt muốn về nước. Con số này khá lớn bởi nếu mở đường bay thẳng sang Hoa Kỳ, chúng ta cũng chỉ đón được 300.000 khách/năm.

Tuy nhiên, do các chuyến bay giải cứu rất hạn chế nên một số khách buộc phải đi các chuyến bay du lịch, cách ly 7 ngày mới được về nhà.

Ông Võ Huy Cường ước tính, trong hai quý đầu năm 2022 (vào dịp Tết Nguyên đán), sẽ có khoảng nửa triệu khách người Việt Nam, Việt kiều có nhu cầu về nước, người nước ngoài có nhu cầu thăm thân. Đây là nguồn khách quan trọng, cần tháo gỡ hạn chế về thủ tục nhập cảnh và thực hiện cách ly để vừa đảm bảo an toàn, vừa thu hút khách.

Về khách du lịch quốc tế, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Lê Phúc cho biết, toàn ngành du lịch đã chuẩn bị điều kiện an toàn để sẵn sàng trở lại đón khách, từng bước mở cửa trở lại thị trường.

Trong khi đó, tại Thái Lan, việc mở cửa thí điểm đón khách được triển khai từ 1/7. Chương trình ASEAN BOX cũng mở cửa, tính đến giữa tháng 10 đã có khoảng 50.000 lượt khách quốc tế đến Thái Lan, 800.000 đơn vị phòng đã được đặt đến tháng 2/2022. Bất chấp số ca mắc F0 tăng, Thái Lan vẫn mở rộng cửa đón du khách tiêm chủng từ đến từ 63 thị trường có nguy cơ thấp từ 1/11.

Còn Việt Nam tới nay mới chỉ mở cửa 5 điểm đến là đảo Phú Quốc (Kiên Giang), Đà Nẵng, Quảng Nam, Khánh Hòa và Quảng Ninh, và chưa đón được đoàn khách nào.

{keywords}
Năm 2019, lượng khách du lịch tới Việt Nam đã tăng kỷ lục lên đến trên 18 triệu lượt 

Cần mở cửa ngõ lớn

Theo kế hoạch, khoảng 250 vị khách quốc tế đầu tiên sử dụng hộ chiếu vắc xin sẽ đến Phú Quốc vào ngày 20/11 tới, trên chuyến bay của Hãng hàng không Vietjet. Khách sẽ lưu trú tại Vinpearl Resort & Spa Phú Quốc. Mọi việc vẫn đang được rốt ráo chuẩn bị. Nếu không có gì bất thường, chuyến bay VJ 3749 Hàn Quốc (Incheon - Phú Quốc) dự kiến hạ cánh lúc 12h ngày 20/11 tại cảng hàng không quốc tế Phú Quốc và cất cánh lúc 23h ngày 23/11.

Tại Khánh Hòa, lãnh đạo Công ty CP du lịch Nhật Minh cho hay đã đón một đoàn khách Hàn Quốc trên chuyến bay charter ngày 11/11. Còn bà Nguyễn Thị Lệ Khanh, Giám đốc Sở Du lịch Khánh Hòa, khẳng định với PV.VietNamNet, địa phương vẫn chưa có thông tin về chuyến bay chở khách quốc tế bằng “hộ chiếu vắc xin”.  

TS. Lương Hoài Nam, chuyên gia hàng không - du lịch, đánh giá, việc thí điểm đón khách đến Phú Quốc chủ trương thì có sớm nhưng triển khai quá chậm, nên toàn đi sau các nước.

Theo ông, để đón được khách quốc tế, người Việt Nam ở nước ngoài, cần sớm mở lại đường bay quốc tế. Nếu chỉ nhắm vào các chuyến bay charter (thuê chuyến) thì số lượng rất ít. Lý do, các đối tác ở thị trường nguồn mất rất nhiều thời gian để xây dựng sản phẩm, quảng bá, gom khách cho đủ chuyến bay. Việc này rất mất thời gian, tương ứng số lượng khách sẽ không nhiều. Do đó, cần dựa vào hoạt động bay thường lệ là chính, mở ra cho đại chúng để mở rộng nguồn khách, khi đó cơ hội thành công sẽ nhiều hơn, ông Nam nhấn mạnh.

Ông Trần Thế Dũng, Tổng giám đốc Công ty lữ hành Fiditour, nhận xét, tiến độ mở cửa với khách quốc tế của Việt Nam khá chậm, trong khi các nguồn khách của DN như Fiditour hầu hết đến từ các cửa ngõ chính như TP,HCM, Hà Nội. Nếu muốn phát triển du lịch cần mở lại các đường bay quốc tế từ các địa phương này. Ông phân tích, giờ mới mở cho 5 địa phương chỉ là giải pháp tình thế, khó phát triển được du lịch đúng nghĩa.

Do đó, để giải quyết được bài toán nguồn khách khi Việt Nam mở cửa du lịch quốc tế, cần sớm mở lại các chuyến bay thương mại áp dụng hộ chiếu vắc xin, tạo điều kiện cho TP.HCM và Hà Nội đón khách.

Điều này hoàn toàn có thể, như ông Nam lý giải, hiện tỷ lệ người dân đã tiêm vắc xin tại TP.HCM đạt 80% (đủ 2 mũi), cao hơn cả thế giới, các nước châu Âu, Mỹ và gần bằng Singapore, việc bắt nhịp sau bình thường mới nhanh mà lại đi sau là rất đáng tiếc, cần nhanh hơn nữa để có thể bắt đầu nếu không sẽ lỡ cơ hội.

Bảo An

Chính thức hướng dẫn đón khách quốc tế đến Việt Nam

Chính thức hướng dẫn đón khách quốc tế đến Việt Nam

Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Đoàn Văn Việt vừa ký ban hành hướng dẫn tạm thời thí điểm đón khách du lịch quốc tế đến Việt Nam. Ngoài Phú Quốc, ngay giai đoạn đầu, các địa phương khác như Khánh Hòa, Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Ninh đều được đón khách.