Vùng quê thuần tiếng Việt bất ngờ phải tiếp nhận nhiều loại hình văn hóa: nghe không hiểu còn nhìn thì… chướng mắt, từ những công nhân Trung Quốc.
Chỉ đầy bảng hiệu chữ Trung Quốc
Kể từ khi UBND tỉnh Trà Vinh chấp thuận đề nghị của công ty China Chengda Engineering đưa gần 2.200 lao động Trung Quốc lần lượt sang làm việc tại dự án xây dựng nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải 3, thuộc Trung tâm nhiệt điện Duyên Hải (xã Dân Thành, thị xã Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh), lao động tại chỗ thất nghiệp dài dài.
Lần theo lời ta thán của các bậc lão niên, thật không ngoa khi dọc theo các tuyến đường nhỏ thuộc các ấp Láng Cháo, Mù U (xã Dân Thành) bây giờ đã dày đặc hàng quán để phục vụ người Trung Quốc. Ban ngày chỉ có các quán cơm, hàng nước… mở cửa đón khách, đêm về các quán nhậu, nhà nghỉ, massage,... mới đồng loạt lên đèn.
Và anh Hai Hoàng, lao động tạm cư, giới thiệu: “Nhiều bảng hiệu được viết xen lẫn bằng chữ Tàu vì đối tượng phục vụ chính của quán là những người Trung Quốc làm việc tại dự án xây dựng nhà máy nhiệt điện”.
Ông Đức một chủ hàng quán phân trần: “Khách ở đây đa phần là người Trung Quốc nên phải vẽ bảng hiệu bằng tiếng Hoa để tạo sự thân thiện với họ trong chào mời và cũng vì phần đông họ đâu biết tiếng Việt”.
Trong khi đó, ông Đào Văn Chính, chủ tịch UBND xã Dân Thành nói rằng, ngay từ lúc đầu chính quyền địa phương đã thấy những tấm bảng quảng cáo này nhưng không hiểu hết các qui định về bảng hiệu được viết bằng nhiều ngôn ngữ, nên không có biện pháp ngăn chặn kịp thời.
Đến khi các cơ quan chức năng vào cuộc địa phương mới nhận ra có nhiều bảng hiệu sai qui định, nên lúc đó mới thành lập tổ vận động, mời các chủ hàng quán có bảng hiệu sai qui định đến giải thích, vận động thay đổi. “Trên 30 hộ kinh doanh đã gở bỏ bảng hiệu, hộp đèn sai qui định,” ông Chính cho biết.
Tệ nạn xã hội núp bóng dịch vụ
Cuối quí 1/2016 có khoảng 1.800 lao động đang làm việc tại các dự án, trong đó có hơn 830 lao động nước ngoài. Trong số này lao động người Trung Quốc chiếm tỷ lệ áp đảo với gần 820 người, còn lại là lao động mang các quốc tịch Philippines, Singapore, Indonesia, Malaysia,...
“Lao động Trung Quốc qua bên đây làm việc kéo theo về vùng này nhiều thứ văn hóa độc hại” - ông Trương Phước An, người dân ấp Láng Cháo (xã Dân Thành) than phiền.
Bảng hiệu chữ Việt pha lẫn chữ Trung Quốc |
Như theo ông Chính, lúc đầu lao động Trung Quốc không hiểu hết văn hóa xứ này nên chiều chiều họ còn mặc chỉ mỗi quần lót, cởi trần đi bộ hoặc đạp xe lông ngông ngoài đường. Nhìn thấy cảnh tượng đó dân xứ mình xốn mắt lắm!
Ông An kể: “Trước kia dân vùng này đã làm du lịch (khu du lịch Ba Động) rồi, nhưng tình trạng xã hội đâu đến nỗi tệ hại như sau này. Từ khi có lao động Trung Quốc về đây quá đông, quán xá và các dịch vụ nhắm tới đội ngũ công nhân ngày một nhiều, thiếu nữ các nơi rủ nhau về đây sống bằng nhiều nghề, gây náo loạn.
Hiền lành thì họ bán vé số, dữ chút thì làm tiếp viên hàng quán, nhân viên massage, rồi tệ hại hơn là cả vé số “xổ liền” (bán dâm). Dân xứ này khá lên nhờ nhiệt điện mà cũng không ít người bán rẻ nhân cách cho lao động Trung Quốc tại các dự án nhiệt điện”.
Cuối ngày làm việc trên các tuyến đường, quán xá chỉ nghe toàn những giọng nói bằng tiếng Trung Quốc. Đây cũng là thời điểm “tăng tốc” của đội ngũ vé số xổ liền. “Quê em ở Cù Lao Dung (Sóc Trăng), qua bên này bán vài chục vé số, kiếm sống nhẹ nhàng hơn so với đi đốn mía ăn đầu tấn ở quê nhà” Nhung, cô gái xinh xắn có vóc người nhỏ thó chia sẻ…
Theo Hai Hoàng, lao động trong các dự án biết khá rành Nhung là người bán vé số sẵn sàng “xổ liền” khi bắt được mối. Hai Hoàng cho biết, tại các quán nhậu nằm gần với khu vực công trình, buổi tối phần đông là các lao động Trung Quốc. Lao động người Việt ít khi tới các quán này vì dễ xảy ra xích mích với đám trai tráng khác ngôn ngữ này.
Xung quanh các công nhân Trung Quốc lúc đó là đội ngũ vé số, hàng rong trá hình… Và các cô luôn lả lơi chào mời bán hàng nhưng thật ra là chờ cơ hội bắt mối đi khách.
Theo chủ tịch UBND xã Dân Thành, ông Chính, lao động người nước ngoài có khu nhà ở riêng để quản lý lao động do công ty họ xây dựng. Tuy nhiên thực tế quanh khu vực dự án có rất nhiều nhà nghỉ, phòng trọ mọc lên đón khách.
Song, có một điểm khá đặc biệt là nhà nghỉ ở khu vực này hoàn toàn không có phòng bố trí 2 giường mà hầu như chỉ có phòng 1 giường đôi, giá thuê phòng cũng ở mức không tưởng so với mặt bằng giá vùng này (280.000 đồng/phòng/đêm - phòng máy lạnh).
Trong khi đó, phòng tương tự như vậy cách đó vài cây số chỉ có giá 150.000 đồng/đêm. Hai Hoàng giải thích: “Họ tính giá phòng như vậy cho phù hợp với giá cho thuê giờ phục vụ khách Trung Quốc, khoảng 100.000 đồng/phòng/giờ tùy theo gần hay xa công trình”.
Tệ nạn xã hội phát sinh từ những quán nhậu như thế này |
Xấp xỉ tuổi với Nhung “vé số xổ liền”, Yến Nhi (26 tuổi) quê Long Hồ (tỉnh Vĩnh Long) là nhân viên massage của một cơ sở khá bề thế ở ấp Mù U (xã Dân Thành) cho biết: “Trước đây em làm công nhân ở khu công nghiệp Hòa Phú (xã Hòa Phú, huyện Long Hồ) nhưng đã chuyển sang nghề massage từ hơn 1 năm nay”.
Theo Yến Nhi, khách massage đến yêu cầu được phục vụ phần đông là công nhân người Trung Quốc, họ chỉ biết nói vài câu tiếng Việt và rất thích thư giãn bằng cách đi massage. Sau khi được tắm, gội, xoa bóp, thư giãn thì đa số họ cũng chịu móc túi boa sộp hơn công nhân người Việt Nam…
Thiếu nữ địa phương tranh thủ lấy chồng ngoại tại chỗ
Biết được lương công nhật của lao động nước ngoài cao gấp nhiều lần so lao động người Việt, các cô gái sở tại dù bất đồng ngôn ngữ nhưng cũng bằng mọi cử chỉ, hành động có thể để tranh thủ chinh phục trái tim của những chàng “một mí” đang lúc xa quê, tìm kiếm tình cảm, cần có người giữ tiền.
Ông Chính thừa nhận rằng: “Dù không công khai nhưng có nhiều trường hợp lao động Trung Quốc đã xây dựng gia đình với những cô gái địa phương”. Như tại ấp Láng Cháo, ông Phan Quốc Lễ, Trưởng ấp này đã khẳng định: “Có ít nhất 1 trường hợp đã kết hôn với 1 lao động Trung Quốc đang làm việc tại dự án nhiệt điện”.
Cùng là công nhân trong dự án, anh Dự còn cho biết: “Còn rất nhiều trường hợp thiếu nữ địa phương cặp bồ với lao động người Trung Quốc”. Theo anh Dự, một số cô thì muốn kiếm chác chút đỉnh để đổi đời.
Bằng chứng rỏ ràng nhất cho điều anh nói là cô D. ở ấp Mù U (xã Dân Thành) đang rất mặn nồng với 1 chàng là lao động người Trung Quốc. Đáp lại sự “thật lòng” của người tình, chàng trai kia đã bỏ tiền đầu tư cho cô ấy mở 1 quán nhậu khá tầm cỡ gần khu vực công trình…
Anh Dự cho rằng, những mối tình như vậy mục tiêu chính đa phần là để moi tiền chứ ai dám chắc rằng đó là tình cảm đích thực?Có không ít người lo xa bày tỏ ái ngại rằng, khi kết thúc hợp đồng lao động, những người tình không cùng quốc tịch này liệu có chung thủy với mối tình quá tốn kém của họ trong thời gian phải làm việc ngoài lãnh thổ đất nước họ?
Hay kết cục chỉ là sự ra đi một cách công khai, để lại phía sau những bà mẹ đơn thân phải một mình nuôi lớn đứa con bằng những mối hận tình.
(Theo Motthegioi)