Lãnh đạo Trung tâm xúc tiến du lịch Nam Định cho biết, ông cũng là khách quen của quán "phở chửi" nổi tiếng thành Nam.

Vừa qua, ông Nguyễn Thành Phương - Giám đốc Trung tâm xúc tiến du lịch - Sở VHTT&DL Nam Định đã cùng PV VTC News đến quán "phở chửi" nổi tiếng để được mắt thấy, tai nghe những điều xảy ra ở quán ăn này.

Đúng như lời chủ quán "phở chửi" đã kể trước đó: "Nhà em buổi sáng toàn là khách hàng lãnh đạo đến đây ăn. Em bán phở cho các sếp là chính, dân công sở, công an... nữa".

Khi nghe chị Hà nói, ông Phương cho hay: "Bản thân tôi cũng là khách quen của quán "phở chửi" nổi tiếng này".

{keywords}

Quán "phở chửi" nổi tiếng trên phố Hàng Tiện (TP Nam Định)

Theo phân tích từ ông Nguyễn Thành Phương, nguyên nhân cô chủ quán phở chửi thề khi giao tiếp với người khác thể hiện một tàn dư khác của thời người dân sống trong môi trường ngôn ngữ bị thô thiển hóa.

Khi nói, người ta luôn phải chêm những câu chửi thề vào cho trơn tru. Điều này khác hẳn với thái độ của chủ quán trong câu chuyện "bún mắng, cháo chửi, ốc lắm mồm" ở Hà Nội.

"Thời Pháp thuộc, Nam Định được gọi là “Thành phố Dệt” và thu hút tới vài chục nghìn công nhân ở khắp mọi nơi đổ về làm việc trong các nhà máy. Giai đoạn này, Nam Định cũng còn có một biệt danh ngầm khác là “Thành phố Đ**” bởi bỗng dưng người dân thành Nam chửi thề nhiều quá, hở ra một chút là có thể chửi thề được”.

Dù là biệt danh ngầm nhưng nó cũng phản ánh một giai đoạn mà người dân Nam Định nói bậy như hát hay. Khắp nơi từ ga tàu, bến xe đến chợ Rồng rồi theo đường quốc lộ 1 cách nói tục đã nhiễm từ người này sang người khác.

Câu chửi thề cứ ngấm dần vào trong ngôn ngữ của một bộ phận người dân lao động, trở thành một “hô ngữ” không thể thiếu trong những câu nói bình thường, kiểu như giới trẻ bây giờ hay sử dụng từ "vãi...".

Không có "hô ngữ", nhiều người không thể nói năng bình thường, lưu loát mà cứ ấp úng như ngậm hột thị hoặc bị cứng lưỡi. Và rồi, bởi nói nhiều quá, nghe nhiều quá nên người ta đành tặc lưỡi coi là "bình thường", bất chấp cái "bình thường" ấy lại khiến cho người mới tiếp xúc bị sốc.

{keywords}

Chị Hà, bà chủ quán "phở chửi"

Theo ông Phương: "Nói tục hay chửi bậy thì ở đâu cũng có, không riêng gì ở Nam Định. Ngày nay, xã hội phát triển nên con người đã để ý đến lời ăn tiếng nói hơn. Chỉ là một bộ phận rất nhỏ người dân còn nói tục nên không thể gọi là "nét văn hóa" của người thành Nam.

Phở Nam Định của chúng tôi nổi tiếng từ bao đời nay là điều không phải bàn cãi. Trên địa bàn tỉnh Nam Định, có rất nhiều quán phở nổi tiếng chứ không phải chỉ có mỗi quán "phở chửi" này".

Cũng theo ông Phương: "Tôi đến đây ăn nhưng chưa bao giờ thấy cô Hà chửi khách. Chỉ thấy lúc nào nóng bức, đông khách thì quát người làm mấy câu. Bình thường, cô Hà cũng là người vui tính, nhã nhặn. Tự nhiên, người ta truyền miệng nhau thì quán này mang tên "phở chửi" thôi. Theo khẩu vị của tôi, ăn ở quán này cũng khá là ngon".

Nói về món ăn là niềm tự hào đất Thành Nam, ông Phương cho biết: "Nam Định có một làng nghề ở ngoại thành chuyên làm phở từ bao đời nay. Khắp nơi trên đất nước đều treo biển phở bò Nam Định hay phở bò Giao Cù ý muốn nói đến làng nghề truyền thống ấy. Theo tìm hiểu của tôi, người mà làm phở Cồ Hà Nội cũng là người gốc Nam Định".

"Chúng tôi có ý định sắp tới sẽ đăng kí bản quyền sở hữu độc quyền thương hiệu "Phở bò Nam Định" để quảng bá phở bờ như một món ăn đặc sắc nhất ở địa phương", ông Phương chia sẻ.

(Theo VTC)