Ốc Hồ Tây tuyệt chủng là do ô nhiễm quá mức – tất cả các nhà khoa học mà tôi trò chuyện đều khẳng định chắc chắn như vậy.
Đúng một tuần lễ, chiều nào tôi cũng chạy vài vòng quanh Hồ Tây, song tuyệt nhiên không thấy bóng một người mò ốc, cào ốc dưới Hồ Tây. Tất nhiên, cũng chẳng thấy có ai ngồi bán ốc ven hồ.
Hỏi chuyện một người câu cá bên hồ, đoạn làng Võng Thị, anh ta bảo: “Chúng tôi còn phải đi nơi khác mua ốc về ngâm cho thối để làm mồi câu cá đây này. Hồ Tây giờ bói cũng không ra con ốc nào. Ốc hết, trắm đen cũng hết!”.
Ốc Hồ Tây biến mất
Vào chợ Bưởi, nơi từng là đầu mối bán lẻ ốc Hồ Tây từ mấy hàng trăm năm nay, tôi chỉ thấy có đúng 4 hàng bán ốc.
Thấy bóng tôi, mấy bà bán ốc đã chào mời: “Mua ốc Hồ Tây đi chú. Ốc béo và ngon lắm!”.
Trông qua tôi cũng biết những rổ ốc ngồn ngộn kia không phải ốc Hồ Tây, mà là ốc nơi khác đưa đến, bởi ốc Hồ Tây chủ yếu là giống ốc đá xanh, vỏ mỏng, thịt dầy. Còn ốc của mấy bà bán ở chợ Bưởi là ốc vặn, thân gầy, thuôn dài.
Nghe tôi phân tích thế nào là ốc Hồ Tây, mấy bà hàng ốc chịu không cãi nổi và công nhận rằng nhiều năm nay, tuyệt nhiên không thấy có con ốc nào.
Bà Vân, người mấy chục năm sống bằng nghề bán ốc Hồ Tây buồn bã: “Cứ như có ma ở Hồ Tây ấy. Ốc đang nhiều thế, tự dưng hết sạch sành sanh. Lạ thật!”.
Chợ Bưởi vẫn bán ốc, nhưng là ốc nơi khác mang đến |
Bản thân tác giả bài viết cũng đã xắn quần lội xuống Hồ Tây, đoạn làng Đông Hồ (Phường Bưởi), song mò mãi chẳng được con ốc nào, chứ đừng nói đến chuyện kiếm được ốc đá xanh, một thứ đặc sản Hồ Tây.
Hồi dư luận râm ran chuyện ốc Hồ Tây không vẩy, ông Hồ Thanh Hải, Trưởng Phòng sinh thái môi trường nước (Viện Khoa học Công nghệ Việt Nam) đã lặn ngụp nhiều ngày ở Hồ Tây để nghiên cứu.
Theo ông, trong một thủy vực bình thường phải có đủ nhóm sinh vật, gồm sinh vật nổi và sinh vật đáy (tôm, cua, trai, ốc, giun). Sinh vật nổi ăn tảo, rồi lại làm mồi cho các loại sinh vật đáy, tạo nên chuỗi thức ăn đầu tiên.
Khi môi trường nước bị ô nhiễm, một loài bị tiêu diệt, dẫn đến chuỗi thức ăn bị phá vỡ và nhiều loài khác cũng sẽ biến mất.
Môi trường nước ô nhiễm, các loài động vật đáy sẽ bị ảnh hưởng đầu tiên.
Chất thải đổ ra hồ, lắng xuống đáy, các loại sinh vật tạo ôxi bị tiêu diệt, môi trường đáy sẽ thiếu ôxi và loài trai, ốc không di chuyển lên mặt nước được để lấy ôxi sẽ bị tiêu diệt.
Việc ốc Hồ Tây gần như biến mất hoàn toàn khỏi Hồ Tây có hai nguyên nhân: Do môi trường nước thay đổi khiến loài ốc không thích ứng và do khai thác quá khả năng sinh sản khiến chúng kiệt quệ (trong đó có cả việc nuôi cá trắm đen khiến chúng ăn hết ốc).
Theo ông Hải, nguyên nhân do khai thác quá mức hoặc cá trắm đen ăn hết là không phải. Vì mấy năm trước, mỗi ngày người ta khai thác 5-6 tấn ốc, không thể nào tự dưng lại gần như hết sạch.
Nguyên nhân do cá trắm đen ăn cũng bị loại bỏ, vì trước kia, cá trắm đen ở Hồ Tây còn nhiều hơn bây giờ rất nhiều lần. Giống trắm đen khổng lồ ở Hồ Tây cũng gần như tuyệt chủng rồi, nên chuyện trắm đen ăn hết ốc càng không phải.
Hồ Tây |
Như vậy, chỉ có nguyên nhân do môi trường nước Hồ Tây bị ô nhiễm quá mức khiến loài ốc tuyệt chủng là có sức thuyết phục nhất.
Không chỉ loài ốc, mà trai, hến, trùng trục cũng đã biến mất khỏi hồ Tây. Loài tôm cũng chỉ còn vật vờ rất ít ở ven bờ, những vùng chưa bị ô nhiễm nặng.
Hiện tượng ốc Hồ Tây đột nhiên biến mất cũng tương tự như hồ Trúc Bạch cách đây chục năm.
Cũng theo ông Hải, ốc Hồ Tây không vẩy là một hiện tượng sinh vật không bình thường. Tuy nhiên, để đánh giá chính xác nguyên nhân, thì phải có cuộc tổng kiểm tra chất lượng nước Hồ Tây, lớp bùn đáy và phân tích các chỉ tiêu bên trong cơ thể con ốc.
Cách đây mấy năm, ông Hải cũng đã thu thập mẫu ốc không vẩy, trình đề án nghiên cứu với Sở Khoa học Công nghệ Hà Nội, song không được chấp thuận, vì quá tốn kém, những… 100 triệu đồng.
Từ đó đến nay, cũng không thấy nhà khoa học, hoặc cơ quan chuyên trách nào tiến hành nghiên cứu kỹ lưỡng môi trường nước Hồ Tây.
Từ con ốc nhỏ bé, đến cả cái Hồ Tây rộng lớn, lá phổi xanh giữa thủ đô kia, hiện diện trong tâm trí mọi người dân Hà Nội, lại gần như bị bỏ quên.
Điều đáng buồn là các nhà khoa học cũng vào cuộc rất tích cực, song không có kinh phí, nên không thể đưa ra kết luận gì ngoài những lời phán đoán thiếu sức thuyết phục.
Nguyên nhân sự việc ốc Hồ Tây không vẩy chìm vào quên lãng và rồi ốc Hồ Tây gần như biến mất hoàn toàn cũng sẽ chìm vào quên lãng bởi người ta cho rằng, con ốc quá nhỏ bé, nó có vẩy hay không có vẩy, có còn hay mất thì cũng không ảnh hưởng gì nhiều đến quốc kế dân sinh.
Tuy nhiên, sau sự biến mất của loài ốc, hàng loạt loài khác cũng đang dần biến mất khỏi Hồ Tây, trước sự bàng quan của những người có trách nhiệm.
Nếu như có sự trả lời của các nhà khoa học về loài ốc không vẩy ở Hồ Tây, biết đâu đã có lời cảnh báo cần thiết để cứu Hồ Tây tránh được thảm họa có thể xảy ra trong tương lai gần?
Ai cứu Hồ Tây?
“Xin đừng để Hồ Tây thành hồ Trúc Bạch ngày trước!” – Ông Phạm Viết Bân bức xúc nói như vậy.
Ông Phạm Viết Bân là người có 40 năm gắn bó với Hồ Tây. Ông hiểu từng luồng lạch của hồ, biết rõ chỗ nào nông, chỗ nào sâu và ông cũng biết rõ kẻ giết Hồ Tây mạnh nhất.
Với diện tích 560ha, tổng lượng nước 9 triệu m3, Hồ Tây trở thành hồ nước ngọt lớn và điển hình nhất vùng Đồng bằng Bắc Bộ.
Hồ Tây là một bảo tàng sống phong phú nằm giữa thủ đô với phong cảnh đẹp và thơ mộng không đâu bằng.
Tôi đã từng đọc cuốn Ký sự ven Hồ của nhà văn Hoàng Quốc Hải, ghi chép lại cảnh quan, sản vật Hồ Tây và so sánh với ngày nay, thì thấy rằng, phần lớn sản vật của Hồ Tây đã biến mất.
Ngày nay, Hồ Tây vẫn là một địa danh tuyệt đẹp, hấp dẫn người dân thủ đô.
Tuy nhiên, thay vì được ngắm cảnh Hồ Tây thơ mộng, đón gió mát rượi, ngửi mùi ngọc lan thơm ngát, thì du khách phải ngửi mùi thối nồng nặc bốc lên từ rất nhiều điểm ô nhiễm của Hồ Tây.
Kinh hoàng nhất là những ngày nóng nực, cá chết trắng hồ, bị sóng đánh dạt vào bờ, dậy mùi vừa tanh vừa thối, ngửi phải chỉ muốn ói mửa.
Bên đường Thanh Niên, mấy năm trước, các đôi uyên ương muốn có chỗ tâm sự, phải bỏ mấy ngàn ra mua lại chỗ của đám cai. Nhưng giờ đây, bên lan can mép hồ, các đôi uyên ương cũng thưa dần. Đơn giản là chẳng có gì lãng mạn khi phải ngửi mùi hôi thối từ hồ bốc lên.
Sự việc cá ở Hồ Tây chết đến mấy chục tấn như hiện nay có lẽ là sự kiện đặc biệt. Dù nguyên nhân chưa được xác định rõ, nhưng khả năng do ô nhiễm là rất cao.
Ông Nguyễn Văn Tiến (Công ty cổ phần Trúc Bạch), người có thâm niên 20 năm đánh cá ở Hồ Tây cho biết, thực tế, cả chục năm qua, mỗi ngày Hồ Tây mất cả tấn cá do đám câu và thả lưới trộm, nhưng mỗi ngày, Hồ Tây cũng mất cả tấn cá do ô nhiễm.
Dạo quanh Hồ Tây nhiều ngày và tôi nhận thấy lời ông Tiến nói hoàn toàn đúng.
Có những thời điểm mưa nhiều, nước Hồ Tây rất lớn, song cá vẫn chết rất nhiều. Tại những điểm đen ô nhiễm như đoạn dọc đường Thanh Niên, làng biệt thự Tây Hồ, chỗ công viên nước, dọc ven hồ đoạn phường Bưởi cá chết nổi trắng mặt hồ.
Mỗi ngày, có cả chục người chuyên đi vớt cá chết ở Hồ Tây. Họ chở những chiếc thùng, hoặc sọt lớn trên xe máy, dùng vợt vớt một lúc là đầy.
Kỹ sư Nguyễn Viết Bân giải thích hiện tượng cá ở Hồ Tây thường xuyên chết hàng loạt rất thuyết phục.
Tại những điểm ô nhiễm do các cống xả thải, thường có rất nhiều thức ăn. Tuy nhiên, môi trường nước tại những điểm ô nhiễm rất thiếu ôxi.
Có những khu vực như đường Thanh Niên, đoạn cống Đõ, chùa Trấn Quốc, vườn hoa Lý Tự Trọng, lượng ôxi đo được trong nước thường xuyên bằng không.
Đàn cá tiến vào khu vực đó đánh chén no say, rồi lăn ra ngủ. Do môi trường nước không có ôxi, nên cá cứ lịm dần, trụy tim mạch, rồi chết.
Ông Hồ Thanh Hải, Trưởng phòng Sinh thái môi trường nước cho biết, mức độ ô nhiễm Hồ Tây đã rất báo động. Hiện lớp bùn đọng dưới đáy Hồ Tây đã đến trên dưới 1m.
Cũng chính vì sự xả thải trực tiếp và liên tục trong nhiều năm, khiến Hồ Tây đang trở thành một ao tù nước đọng và đáy hồ mỗi ngày một nâng cao. Nếu như trước đây, có chỗ đo được độ sâu tới 4m, thì giờ đây, Hồ Tây như một cái ao nông, chỗ sâu lắm cũng chỉ trên dưới 2m.
Cũng theo ông Hải, thủ phạm gây ô nhiễm nặng nhất cho Hồ Tây là cống xả chỗ xưởng phim và cống Đõ, thông ra sông Tô Lịch. Đặc biệt là cống Đõ, mùa mưa nước chảy từ Hồ Tây ra sông Tô Lịch, nhưng mùa khô, Hồ Tây cạn nước, thì dòng nước đen ngòm từ sông Tô Lịch lại chảy vào.
Ông Nguyễn Văn Tiến, kể rằng, trước kia, đội quân kéo lưới của ông, mỗi ngày kiếm được vài tạ tôm mắc vào lưới là chuyện bình thường. Riêng lượng tôm mắc vào lưới đánh cá cũng đủ cung cấp cho nhà hàng bánh tôm Hồ Tây.
Tuy nhiên, mấy năm trở lại đây, kéo lưới cả ngày kiếm được kg tôm cũng khó. Ở những địa điểm ô nhiễm, đặc biệt, từ ngày Công viên nước Hồ Tây ra đời, khu vực rộng lớn quanh chỗ đó tuyệt nhiên không còn bóng dáng con tôm, con ốc, con trai nào nữa.
Theo ông Tiến, có thể do Công viên nước Hồ Tây xả nước thải có chứa thuốc tẩy xuống hồ khiến những sinh vật đáy ở khu vực đó bị tuyệt diệt.
Kỹ sư Nguyễn Viết Bân đã cảnh báo về "cái chết" của Hồ Tây từ nhiều năm trước |
Là người gắn bó cả cuộc đời với Hồ Tây, 10 năm trước, kỹ sư Nguyễn Viết Bân đã viết cả một công trình nghiên cứu về Hồ Tây, dày đến mấy trăm trang.
Trong công trình nghiên cứu đó, ông đã đưa ra rất nhiều chỉ số về mức độ ô nhiễm và lời cảnh báo, song công sức của ông như đá ném ao bèo, chả ai quan tâm đến.
Ông Bân đã thống kê chi tiết từng địa điểm xả thải gây ô nhiễm Hồ Tây. Trong đó, có tới 12 cống xả thải là thủ phạm chính đang giết dần giết mòn Hồ Tây.
Theo ông, nguy hiểm nhất là cống Tàu Bay, cống Cây Si, cống Đõ, cống Nhật Tân, cống Nhà máy giấy Trúc Bạch, cống khách sạn Thắng Lợi, cống khách sạn Tây Hồ, cống Quản Bá…
Riêng đường Thụy Khuê có tổng cộng 15 cống nhỏ khác đổ chất thải của hàng vạn hộ dân từng ngày, từng giờ ra Hồ Tây.
Hồ Tây đang đứng trước nguy cơ biến thành một cái ao tù nước đọng khổng lồ trong thời gian không xa, nếu không có những biện pháp giải quyết ngay từ bây giờ.
Hy vọng, việc giải phóng những chiếc nhà thuyền trên đường Thanh Niên chỉ là bước khởi đầu cho cuộc chiến tìm lại vẻ đẹp cổ tích cho Hồ Tây.
(Theo VTC News)