Bamboo Airways được Hội đồng Sân bay Vương quốc Anh cấp slot bay tại sân bay Heathrow (London, Anh) từ tháng 5. Đại diện Bamboo Airways xác nhận thông tin trên và cho biết, hãng sẽ được cấp slot bay để khai thác 6 chuyến bay/tuần tới sân bay Heathrow, từ Hà Nội và TP.HCM.

Bamboo Airways sẽ khai thác đường bay thẳng Hà Nội/TP.HCM - London bằng máy bay Boeing 787-9 Dreamliner. Hiện hãng này đã nhận về và đang khai thác hai chiếc tàu bay thân rộng này.

Theo các chuyên gia hàng không, trước mắt, Bamboo Airways sẽ tạm thời không bị cạnh tranh trực tiếp. Mặc dù lưu lượng di chuyển tại sân bay Heathrow thời gian qua giảm mạnh vì dịch bệnh, nhưng trước tiềm năng và triển vọng du lịch, các hãng bay vẫn tích cực xin phân bổ slot bay đến London.

{keywords}
Bamboo Airways dự kiến bay thẳng tới Anh bằng tàu bay thân rộng B787

Năm ngoái, Bamboo Airways từng lên kế hoạch bay thẳng London (Anh) và Frankfurt (Đức) trong quý 1/2021, tuy nhiên dự định này đã bị hoãn lại do yếu tố dịch bệnh buộc các đường bay quốc tế phải tạm thời đóng cửa. Tuy nhiên, hãng này đã thực hiện chuyến bay thẳng từ Hà Nội đến London, đưa đón công dân bằng máy bay Boeing 787-9 Dreamliner. Ngoài ra, hãng này cũng sẵn sàng bay thẳng tới Mỹ trong quý 4/2021. 

Hãng hàng không quốc gia Việt Nam Vietnam Airlines cũng kỳ vọng chuyến bay thẳng đầu tiên từ Việt Nam tới Mỹ sẽ cất cánh vào đầu năm 2022. Trước đó, HĐQT Vietnam Airlines đã chấp thuận kế hoạch triển khai bay đến Mỹ theo kiến nghị của Tổng giám đốc hãng này, ông Lê Hồng Hà.

Từ tháng 5/2020, Vietnam Airlines đã thực hiện 12 chuyến bay đưa người Việt Nam từ Mỹ về nước. Tuy nhiên, số lượng người Việt tại Mỹ có nhu cầu về nước còn rất lớn nhưng Vietnam Airlines đã khai thác hết số chuyến bay hồi hương được nhà chức trách Mỹ cho phép ngay từ tháng 8/2020.

Bởi vậy, nhằm phục vụ nhu cầu lớn của cộng đồng người Việt Nam tại Hoa Kỳ, Vietnam Airlines cần tiếp tục thực hiện các chuyến bay hồi hương dưới hình thức xin phép bay thương mại thường lệ.

Tuy nhiên, việc mở lại các đường bay quốc tế đều phụ thuộc vào diễn biến dịch bệnh và được Chính phủ, cơ quan chức năng “bật đèn xanh”. Vì thế, khi trả lời hãng tin Bloomberg, ông Trịnh Văn Quyết bày tỏ mong muốn Chính phủ sẽ mở cửa trở lại “một cách thận trọng” các đường bay thương mại quốc tế từ cuối quý 2, đầu quý 3 năm nay, khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát hiệu quả trên cả nước.

{keywords}
Các hãng hàng không nội địa rục rịch mở lại đường bay quốc tế

Hiện hãng này đã chuẩn bị sẵn sàng cho các hoạt động xúc tiến bay quốc tế. Các đường bay thẳng tới Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản vẫn có thể bay ngay từ quý 2/2021. Thủ tục mở mới các tuyến bay thẳng đi Tokyo (Nhật Bản), Melbourne, Sydney (Úc), Singapore, Thái Lan, Trung Quốc,... vẫn đang được thực hiện song song để có thể đưa vào khai trương ngay khi các điều kiện cho phép.

Trả lời báo giới, ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Bamboo Airways, cho rằng việc tiêm chủng vắc-xin trên toàn cầu sẽ tạo ra một sự “bùng nổ” trong ngành hàng không vào cuối năm nay và đó là lý do để hãng chuẩn bị bay.

Với Vietnam Airlines, trưa 25/3, chuyến bay của hãng từ Đài Bắc (Đài Loan, Trung Quốc) đã hạ cánh tại sân bay Đà Nẵng, chở 200 hành khách là công dân Việt Nam về nước. Đây là chuyến bay khách tự chi trả toàn bộ chi phí, đánh dấu bước tái khởi động bay thương mại quốc tế của hãng sau thời gian tạm dừng khai thác.

Trước đó, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, hầu hết các đường bay quốc tế của hãng vẫn đóng, chỉ trừ số ít chuyến “giải cứu” đưa đón chuyên gia nước ngoài, người lao động Việt Nam về nước.

Trong thông cáo mới nhất, Vietnam Airlines cho hay từ 1/4 đến 30/6 sẽ mở rộng kế hoạch khai thác thường lệ đến 4 đường bay quốc tế gồm Hà Nội - Narita (Tokyo, Nhật Bản), Hà Nội - Incheon (Seoul, Hàn Quốc), Hà Nội - Sydney và TP.HCM - Sydney (Úc). Ngoài ra, hãng cũng dự kiến triển khai các chuyến bay trọn gói từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), song còn phụ thuộc vào cấp phép của các cơ quan chức năng.

Với đường bay thẳng từ Việt Nam tới Mỹ, tuy cả hai hãng Bamboo Airways và Vietnam Airlines đều “sốt sắng”, song nhiều chuyên gia cho rằng, việc rời bỏ cuộc chơi của một số hãng bay đã từng khai thác đường bay này như United Airlines, Northwest Airlines cho thấy bài toán về kinh tế vẫn cần lời giải tối ưu. Theo tính toán, hãng nào mở đường bay này mất 5-10 năm mới đạt tới điểm hòa vốn; 5 năm đầu khai thác, số lỗ dự kiến khoảng 30-50 triệu USD/năm.

Chưa kể, ngoài cạnh tranh gay gắt với nhau, hai hãng hàng không nội địa còn phải cạnh tranh với với các hãng bay khu vực khai thác dạng một điểm dừng, với mức giá vé hợp lý.

Ngọc Hà