Thanh niên Hà Nội ngày ấy chỉ biết đi dép trắng hay dép rọ nâu do Nhà máy nhựa Tiền Phong sản xuất. Ấy thế mà mua cũng không dễ bởi đấy vẫn là mặt hàng phân phối về cơ quan, xí nghiệp, muốn mua thì phải bình chọn, gắp thăm chán chê mới được. Thấy vậy, nhiều hợp tác xã chuyên sản xuất đồ nhựa mới chế ra các loại dép bằng cao su tái sinh, rồi đến các tổ sản xuất tư nhân cũng đặt khuôn mẫu, thu mua nguyên liệu từ lò gia công về ép thành các loại dép mẫu mã khác nhau để tung ra sạp. Các ngày nghỉ lễ, để có bộ cánh đi chơi với người yêu, các chàng trai Hà thành phải tìm mua bằng được đôi tông gan gà để diện với chiếc quần loe may bằng vải simili Tiệp, áo sơ mi kẻ, hoặc pô pơ lin trắng.
Một thời gian khó |
Dép tông gan gà là loại dép của Thái Lan màu vàng sẫm, được con buôn đưa từ Lào qua cửa khẩu Hà Tĩnh về Việt Nam rồi tỏa đi các tỉnh, nhưng chủ yếu vẫn là đổ về Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định… Còn giày da thì tuy Hà Nội vẫn còn nhiều hộ sống bằng nghề đóng giày từ trước năm 1954, nhưng từ khi tiếp quản Thủ đô, nghề này gần như bị mai một do không còn nguyên liệu.
Nhà máy da Thụy Khê do Nhà nước quản lý vốn chỉ cung cấp da cho ngành công nghiệp và quốc phòng, chủ yếu vẫn là nguyên liệu thô, còn da thuộc dùng cho sản xuất đồ dân dụng như giày dép, túi xách… đều không có. Thành thử, chỉ trừ những đám cưới sang trọng hay dịp lễ Tết, người ta mới dám mang giày trong "kho" ra lau chùi. Người kiếm được xi thì đánh cho bóng lộn, người không có xi thì dùng khăn ướt lau sạch rồi mang phơi, xong lấy vaseline bôi lên thay xi. Thợ đóng giày đành quay sang sửa chữa là chính.
Câu chuyện cung cầu
Thời Pháp tạm chiếm Hà Nội, dân đánh giày thường tụ tập ở các vũ trường, quán bar, tiệm cà phê, cao lâu… Những chú bé đánh giày tay xách hòm gỗ có quai đeo bằng da, bên trên có thanh gỗ chừng 8 phân dốc xuống để khách kê chân. Khách đặt chân lên hộp rồi vẫn ung dung ngồi uống cà phê, đọc báo trong khi chú nhỏ loay hoay đánh sạch bụi bẩn, bôi đều xi lên bề mặt rồi dùng miếng da to bản kéo đều khi bóng lộn mới thôi. Bẵng đi mấy chục năm, giày da biến mất, dép nhựa, guốc gỗ, giày vải lên ngôi. Người ta bỗng quên mất đã từng tồn tại nghề đánh giày.
Mãi đến khi đất nước mở cửa, hàng hóa Trung Quốc giá rẻ ồ ạt tràn sang thì các chủng loại giày da cũng đổ bộ vào thị trường. Dần dà, đến mấy bác xe ôm đứng góc đường cũng bận giày giả da, áo veston Trung Quốc. Người Hà Nội chuyển sang đi giày trở lại, dép nhựa chỉ dành cho các cụ già, trẻ nhỏ, chị em đi chợ hay đi trong nhà cho khỏi lạnh chân. Thợ đánh giày cũng lập tức xuất hiện.
Không chỉ là các chú bé nữa mà có cả những thanh niên từ các vùng nông thôn về Hà Nội kiếm sống. Hành nghề đơn giản nên họ bảo nhau thuê nhà trọ giá rẻ ven sông, ban ngày lang thang đường phố, tối về ngủ. Thường thì 2-3 người/phòng trọ, giá trọ 20 nghìn đồng/ngày, ở ngày nào thanh toán ngày ấy. Sở dĩ tiền trọ phải thanh toán theo ngày vì họ không ở cố định một nơi mà luôn di chuyển khắp các địa bàn hoặc tiện đâu ngủ đấy.
Sau này nhiều phụ nữ có tuổi cũng theo nghề đánh giày. Họ xách một chiếc làn nhựa đựng mấy hộp xi, vài chiếc bàn chải đánh răng cũ để phết xi lên giày, dăm miếng giẻ lau bằng vải… Cánh thợ nữ xem ra làm việc chuyên cần hơn lớp thanh niên trẻ. Họ có mặt rất sớm khi các nhà hàng, quán xá mới mở cửa. Khách vừa vào quán đã thấy xuất hiện mấy chị tay kẹp đôi dép tông đi từng bàn mời chào.
Hễ khách đồng ý thì mang giày ra gốc cây ngồi đánh. Không cần học, chẳng cần vốn, nhiều phụ nữ từ quê ra Hà Nội khởi đầu bằng đôi quang gánh. Đi rạc cẳng từ sáng đến chiều muộn, mưa cũng như nắng, len lỏi khắp ngõ ngách đường phố tìm mua ve chai cũng chỉ kiếm được vài chục nghìn/ngày. Sau thấy đánh giày vừa nhàn, tiền kiếm cũng tương đường, sau 10-15 phút kỳ cạch là đã có tiền nên chị em chuyển nghề.
Vui buồn một thuở |
Trong đám thợ đánh giày dạo cũng có những cậu choai choai láu cá kiêm cả sửa giày. Khách đồng ý đánh bóng thì tháo ra, nhưng chỉ dăm phút sau đã thấy giày lù lù quay lại, vẫn bẩn nguyên mà lại thêm cả miếng há mõm ở mũi giày.
- Giày của anh bị bong rồi, em dán lại nhé?
- Ơ, bong sao được, tôi vẫn đi từ sáng đến giờ?
- Bong đây còn gì, em thấy thế thì bảo thế.
Biết gặp phải trò ma mãnh, tách đế giày ra để đòi thêm ít tiền công, giống như kẻ rải đinh hòng chờ chủ xe méo mặt dắt vào hàng vá lốp, khách đành ngậm bồ hòn làm ngọt: "Thôi, thôi… dán vào đi".
Chẳng nhẽ xỏ giày há mõm mà tấp tểnh đi về nhà, chưa kể ra tiệm sửa giày thì cũng ngần ấy tiền, may ra chỉ gỡ gạc cho đỡ bõ tức được tí thôi. Ấy thế vẫn còn may, có câu chuyện giày dép còn bi hài hơn nhiều. Sáng Chủ nhật đẹp trời, đang ngồi cà phê khua chân múa tay về trận ngoại hạng Anh đêm trước, chàng thanh niên thấy một đôi dép nhựa gõ gõ vào chân.
Vừa thấy khách lơ đãng gật gật, chú đánh giày vội vã lom khom tháo dây rồi nhẹ nhàng nhấc đôi giày ra khỏi chân khách mang ra gốc cây. Khi đã thả hết ga bình luận về trận đấu, chợt nhớ đến đôi giày, anh khách thấy chân lành lạnh mới tá hỏa vì hơn nửa giờ đồng hồ mà không thấy ông tướng đánh giày đâu bèn lê đôi dép tổ ong ra ngó trước ngó sau. Vỉa hè, gốc cây tịnh không thấy bóng dáng kẻ đánh giày nào. Chủ quán tỏ thái độ áy náy và thông cảm: "Ít khi thấy ông tướng đánh giày này xuất hiện ở đây, có lẽ nó cuỗm luôn đôi giày của chú rồi".
Không phủ nhận dịch vụ đánh giày là công việc lao động kiếm sống của một bộ phận những người hoàn cảnh khó khăn, phần lớn từ nông thôn ra thành thị làm ăn. Nhưng đánh giày nhiều năm nay biến tướng rất phức tạp, đầu tiên tạo thành môi trường làm ăn của một số thanh niên không nghề nghiệp, không loại trừ vô gia cư, nghiện hút ma túy, lang thang… Sự nhếch nhác, mất mỹ quan đô thị thể hiện rõ khi thợ đánh giày với đủ lứa tuổi, kể cả phụ nữ lượn lờ các hàng quán, nhiều nhất là cà phê giải khát mỗi sáng, đôi khi họ tranh giành khách cãi chửi nhau gây mất an ninh trật tự trên địa bàn khu phố.
Chính vì thế, Hà Nội đã có chủ trương dẹp các đối tượng ăn xin, vấn nạn đeo bám, bắt chẹt, chèo kéo, chặt chém du khách khi bán hàng, đồng thời kiên quyết loại bỏ các đối tượng chèn ép khách ở các bến xe. Không loại trừ đánh giày cũng là một loại dịch vụ làm xấu bộ mặt thành phố, gây nhức nhối, ác cảm, phiền hà cho du khách. Thủ đô đang từng bước làm trong sạch môi trường sinh hoạt cộng đồng, văn minh, sạch, đẹp xứng đáng với vinh dự được UNESCO trao tặng danh hiệu "Thành phố vì Hòa bình".
(Theo An ninh thủ đô)
Độc lạ nghề 'chạy là có tiền' ở Sài Gòn
Mỗi ngày, ông Le chạy kéo dây hơn 10km để kiếm 150.000 đồng tiền công. 21 năm qua, dù vất vả, thu nhập thấp, ông Le vẫn cố bám trụ vì "không chạy là đói ăn".