Tay không... mời khách
Ảnh hưởng của dịch, công việc của Minh Anh, nhân viên kinh doanh công ty bất động sản có trụ sở ở Quận 3 (TPHCM) xoay chóng mặt. Mọi hoạt động, chương trình tiếp cận khách hàng, giới thiệu, tham quan dự án đều chuyển qua hình thức online.
Khâu khó nhất lúc này với chị là giới thiệu dự án đến khách hàng. Trong điều kiện bình thường, công ty có xe đưa đón, các hội nghị, tham quan dự án trực tiếp, có trà bánh, quà tặng... Còn giờ "tay không bắt giặc", tất cả qua màn hình công nghệ.
Mới đây, công ty tổ chức hội nghị giới thiệu dự án online. Chị Minh Anh phải liên lạc thuyết phục khách hàng tham dự. Chị đã trừ hao, báo cáo với sếp khách sẽ tầm chục người tham gia.
Đến giờ, chục vị khách của chị không thấy một ai. Chị nhắn tin, gọi điện nhắc khéo nhưng chỉ duy nhất một người vào dự vì cả nể. Nhân viên khác cũng không khá khẩm hơn.
"Kéo được một người vào nghe chương giới thiệu dự án bất động sản lúc này đã rất khó chứ khoan nói việc khách chịu "xuống tiền", chị Minh Anh thở dài và cho biết 3 tháng qua, team của chị gồm 8 nhân viên chỉ "chốt" được đúng 2 căn hộ.
Chị Hồ Thu Thủy, nhân viên bán bảo hiểm ở TPHCM cũng "méo mặt" kể việc giới thiệu sản phẩm đến khách hàng mùa dịch.
Công ty liên tục tổ chức hội nghị online, chị có nhiệm vụ mời người tham dự. Chị tung hết mọi kênh, mọi mối quan hệ, từ mời cho đến nỉ non, nhờ vả.
Trước khi diễn ra 30 phút, chị còn nhắn tin nhắc mọi người nhưng đến giờ, chẳng được mấy ai. Người báo bận, người than đường truyền lỗi, 10 khách thì "hỏng" mất 9, có người miễn cưỡng vào được lúc rồi mất tích.
Theo chị Hồ Thu Thủy, việc bán bảo hiểm đến tận nhà, dùng nhiều chiêu như tổ chức du lịch, hội nghị tiệc tùng... còn không ăn thua. Giờ mời được khách chịu nghe giới thiệu sản phẩm online là cả một bài toán.
Thách thức với nhiều ngành nghề
Theo anh Nguyễn Chí Trung, quản lý tại một Trung tâm ngoại ngữ ở TPHCM, trung tâm phải hủy bỏ nhiều chương trình tư vấn, giới thiệu khóa học online vì nhân viên sale thất bại ngay khâu mời khách hàng tham dự.
Các bạn mời khách tham gia, nhiều người từ chối thẳng thừng, có người đồng ý nhưng đến giờ không thấy đâu. Lúc này đến mời người chịu vào nghe đã khó chứ chưa nói đến việc bán được khóa học.
Nhiều lĩnh vực cần sự tương tác trực tiếp, mắt thấy tai nghe, việc chuyển qua kênh tiếp cận online gặp không ít trở ngại. Không ít ngành nghề gặp thách thức khi chuyển sang cách thức online. Nhất là khi doanh nghiệp, người lao động cũng rơi vào thế bị động, chưa được đào tạo, nắm bắt kỹ năng làm việc online.
Nhiều nhân viên kinh doanh làm việc trực tiếp ở vị trí "ngôi sao" nhưng lại bị "vô hiệu hóa" khi chuyển qua online. "Ăn" theo sản phẩm nên có người lúc này chỉ nhận mức lương tượng trưng, thậm chí không có thu nhập.
Theo anh Nguyễn Chí Trung, không chỉ do nhân sự mà còn từ khách hàng, họ chưa có thói quen, độ tin cậy tiếp cận sản phẩm online. Thêm dịch bệnh, kinh tế khó khăn nên ai cũng tính toán, cẩn trọng hơn với đồng tiền.
Nhiều công ty không ngừng training, đào tạo kỹ năng làm việc online cho người lao động. Nhưng việc đào tạo cũng qua kênh trực tuyến còn mới mẻ chưa hiệu quả, khó vận dụng được ngay.
Lúc này, nhân sự cần nâng cao khả năng tự học, linh hoạt để thích nghi. Ngoài ra, doanh nghiệp, cá nhân nên điều chỉnh kế hoạch, mục tiêu công việc phù hợp với điều kiện thực tế, tránh sự cầu toàn thái quá.
Sau vài lần "mời 10, hỏng 9", chị Hồ Thu Thủy tự xem lại mình tiếp cận đối tượng khách hàng có phù hợp? Thời gian tổ chức hợp lý chưa? Có quá quan tâm đến số lượng? Chị cũng tư vấn công ty thiết kế nhiều hoạt động, trò chơi, quà tặng...
"Còn tôi tặng mỗi khách tham dự thẻ điện thoại 50.000 - 100.000 đồng nên thu hút được nhiều người hơn", chị tiết lộ và khoe mới đây vừa ký được 3 hợp đồng.
(Theo Dân Trí)