Nhật là một xã hội kỷ cương, nguyên tắc cả trong việc vứt rác, nếu vi phạm, bạn sẽ phải trả giá thậm chí bằng tiền và sự kỳ thị của xã hội.
Người Nhật nói chung nổi tiếng với rất nhiều quy tắc trong cuộc sống và hành động, việc vứt rác không phải ngoại lệ. Nếu như ở một số nước khác, bạn có thể vứt rác bất kỳ giờ nào, ngày nào và vứt bất kỳ cái gì bạn muốn đi rồi sẽ vẫn có người thu gom nó, sẽ không bao giờ bạn có thể làm như vậy ở Nhật, những nguyên tắc vứt rác ở Nhật vô cùng khắt khe và chặt chẽ.
Người Nhật phân loại rác rất cẩn thận khi vứt đi, nhìn chung rác sinh hoạt sẽ được phân ra thành rác cháy và rác không cháy được vứt vào những ngày khác nhau. Ngày nào vứt rác loại gì sẽ tùy thuộc và từng quận, khu vực khác nhau, thế nhưng nhìn chung rác được chia nhỏ ra nhiều nhóm như thế sau: nhóm 1 bao gồm chai lọ thủy tinh, chai lọ nhựa, lon; nhóm 2 bao gồm các loại rác cháy bao gồm thực phẩm, các loại bao bì giấy, bát đũa giấy, túi nilong, túi giấy; nhóm 3: các loại giấy báo, tạp chí, sách, truyện; nhóm cuối cùng là nhóm rác không cháy bao gồm bát đĩa, ô, dây điện, kéo, pin, kính, điện thoại.
Sẽ không bao giờ người Nhật vứt rác chung vào tất cả một thùng mà được phân loại cẩn thận, trong ảnh phân loại lon, chai thủy tinh, chai nhựa...Ảnh: Coto Academy. |
Nghe tưởng đơn giản như vậy và mỗi người Nhật đã được học cách phân loại rác rất thành thục từ khi còn bé và họ có thói quen làm như vậy cho đến mãi mãi về sau. Thế nhưng đối với nhiều người nước ngoài đến Nhật, việc phải học cách phân loại rác như vậy thực sự cực hình và mãi họ cũng không thể quen nổi, nhiều người vứt bừa rác ra ngoài và nghĩ rằng thế là xong nhưng mọi chuyện không đơn giản như vậy.
Nếu rác bạn vứt ra không được phân loại theo đúng chuẩn, sẽ không ai gom túi rác đó và người vứt sai sẽ có trách nhiệm tự theo dõi xem rác của mình đã được mang đi chưa, nếu chưa phải mang túi rác về phân loại lại cho đến khi thật chuẩn, đến ngày được phép vứt tiếp theo sẽ mang ra để lại và nếu được thu gom đi mới được coi là hoàn thành trách nhiệm.
Ngay cả với rác thực phẩm bao gồm đồ ăn thừa, nếu bạn không vứt đúng trước giờ quy định, hoặc bạn không phân loại đúng mà rác của bạn không được thu gom, kết quả bạn sẽ phải đi lấy túi rác hôi thối đó về cất trong nhà mình, phân loại lại rồi chờ vài ngày sau mới được mang đi vứt.
Chắc chắn sẽ nhiều người đặt câu hỏi rằng nếu vứt rác sai quy định và không được thu gom đi, điều gì sẽ xảy ra? Với tính thượng tôn pháp luật rất cao của người Nhật, bạn sẽ gần như không thể né tránh được trách nhiệm của mình, dù chỉ trong việc vứt rác.
Tác giả bài viết từng chứng kiến không ít trường hợp người nước ngoài phân loại rác sai quy định, nhưng túi rác đó khi đưa ra bãi sẽ bị vứt trả về đúng cửa của chủ nhà vứt rác sai quy cách kèm theo một tờ giấy nhắc nhở.
Nếu đến mức độ này mà vẫn tiếp tục vi phạm, sẽ có thông báo chung trên bảng tin của khu phố về trường hợp vứt rác sai quy định; thậm chí sẽ có người đến tận nhà nhắc nhở và phải chịu phạt. Rất nhiều khu vực vứt rác có cả camera chính vì vậy việc tìm được người vi phạm việc vứt rác không hề khó.
Chính vì vậy, để có thể thích nghi được với cuộc sống ở Nhật, một trong những điều tối thiểu với bất kỳ người nước ngoài nào sẽ là học vứt rác sao cho đúng.
Khi bạn vứt rác sai quy định, bị nhắc nhở và thậm chí cố tình vi phạm nhiều lần, bạn sẽ bị xã hội kỳ thị và tránh xa, thậm chí nếu bạn có xuống khu sinh hoạt chung, người ta sẽ nhìn bạn lạnh lùng, không ai tiếp chuyện. Thậm chí người ta còn nói nhỏ với nhau, giật áo chỉ trỏ người vứt rác sai.
Quy định về việc vứt rác ở một khu vực trung tâm thủ đô Tokyo |
Ở một số khu dân cư có nhiều người nước ngoài ở, có không ít người vi phạm việc vứt rác không đúng quy định nhiều lần, người Nhật mất công tìm ra tận nơi nhắc nhở và sau đó, thậm chí còn có riêng cả thông báo bằng tiếng bản ngữ của nhóm người hay vứt rác riêng đó dán ở bãi đổ rác.
Sẽ không hề sai nếu nói rằng nếu như chuẩn sạch ở nước khác, kể cả nước phát triển được 7 điểm, chuẩn sạch đó được nâng lên thành 9,10 điểm, điều này cũng được thể hiện trong cả cách vứt rác.
Cô Mari Takahashi, 35 tuổi, hiện đang sống tại Osaka, thành phố sầm uất ở miền Trung nước Nhật, chia sẻ như sau: “Tôi muốn rửa thật sạch những hộp đồ ăn, tráng sạch các hộp đồ uống trước khi vứt để bớt đi công việc lao động vất vả cho những người phải làm nhiệm vụ tái chế”. Và cô Mari không phải trường hợp duy nhất.
Bản thân tác giả từng chứng kiến quá nhiều người Nhật trước khi vứt rác luôn rửa sạch và bó gọn rác một cách tối đa mà họ có thể để tiết kiệm công sức cho người sau. Chính vì vậy sẽ không ngạc nhiên khi mà bạn chứng kiến những hộp đồ ăn, hộp thịt của người Nhật khi vứt đi sạch tinh tươm, sạch không kém nhiều so với bát ăn của nhà họ.
Ngoài những thao tác trên còn rất nhiều thao tác nhỏ khác, ví như việc thùng các tông phải được tháo rời ra, ấn bẹp xuống, buộc chặt lại với nhau; những chai có nắp phải được tháo nắp ra để nắp riêng, vứt riêng rẽ với vỏ chai; giấy báo cần phải được phân loại cùng kích cỡ để buộc lại với nhau; với những đồ quần áo, giầy dép còn khá mới nên được để vào túi sạch phòng khi có thể được sử dụng cho mục đích từ thiện.
Vậy nên không ngạc nhiên khi mà có rất nhiều trường hợp người nước ngoài có thể tìm được sách báo, quần áo còn cực kỳ mới ở bãi rác ở Nhật và mang về dùng, nhìn chung, việc này không bị cấm.
Với rất nhiều quy định vứt rác khắt khe và được người dân tuân thủ chặt chẽ như vậy, không ngạc nhiên mà nước Nhật luôn vô cùng sạch sẽ, đường phố không bao giờ có rác vứt bừa bãi. Ngoài ra, nếu đó là một khu vực của đa phần người Nhật ở, khả năng có những bãi rác thối bốc mùi không thể có.
(Theo BizLIVE)
Cuộc xâm lấn tỷ USD: Người Nhật tấn công nhà giàu Việt
Kinh tế ổn định và thu nhập ngày càng tăng của tầng lớp trung lưu khiến nhu cầu nhà ở tại Việt Nam đang gia tăng. Nắm cơ hội này, đại gia bất động sản Nhật Bản âm thầm tìm mọi cách lấy lòng nhà giàu Việt.
Chết vì làm việc quá sức: Nhìn người Nhật mà hãi
Hai “thủ phạm” chính được cho là gây ra hiện tượng Karoshi (chết vì làm việc quá sức) gồm căng thẳng và thiếu ngủ. Nhưng liệu chúng có thực sự là nguyên nhân đẩy hàng nghìn người tới cái chết?
Người Nhật làm đến già, người Việt chỉ muốn nghỉ hưu sớm
Với nhiều người già ở Nhật Bản, công việc không phải là gánh nặng mà ngược lại, là niềm tự hào, niềm vui trong cuộc sống thì tại Việt Nam, nhiều người chỉ muốn nghỉ hưu sớm.
Vỏ dưa hấu vứt đi và cách tiết kiệm của người Nhật
Từ một miếng vỏ dưa hấu vứt đi, người Nhật đã nghĩ ra cách chế biến thành đủ loại món ăn để tận dụng từ loại thực phẩm này. Câu chuyện về miếng dưa hấu của Nhật khiến không ít người Việt phải ngả mũ về sự tiết kiệm.
Miếng đất bỏ không 5 năm và sự 'ngốc nghếch' của người Nhật Bản
Bị chê cười, nghi ngờ khi thuê một miếng đất tại Trung Quốc rồi bỏ không nó tới 5 năm, thế nhưng những gì công ty Nhật Bản làm được sau đó đã khiến tất cả phải ngỡ ngàng.
Người Nhật cúi đầu xin lỗi: Có còn đáng tin?
Ban đầu là túi khí Takata, sau đó tới sự gian lận của Mitsubishi và Suzuki. Điều gì đang xảy ra với tinh thần Nhật Bản vốn nổi tiếng thế giới về sự trung thực và lòng tự trọng.